Thủ tục vẫn là rào cản với người mua nhà ở xã hội

Thủ tục vẫn là rào cản với người mua nhà ở xã hội

Dù chính sách có nhiều thay đổi theo hướng cởi mở hơn, nhưng việc mua nhà ở xã hội hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan thủ tục hành chính.

“Bạc mặt” làm xác nhận thu nhập

Vợ chồng chị Nguyễn Thanh May (quê ở Hà Tĩnh), vào TP.HCM sinh sống và làm việc từ năm 2016. Hiện tại, gia đình chị có hai con nhỏ, nên căn phòng trọ chật hẹp với diện tích chỉ khoảng 20 m2 ngày càng trở nên bức bí và không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt.

Chồng chị là kỹ sư công nghệ cho một doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao, còn chị kinh doanh online ở nhà. Tổng mức thu nhập của cả hai vợ chồng là 20-25 triệu đồng/tháng. Số tiền này vừa đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình, nên việc tích lũy để mua một căn nhà thương mại ở TP.HCM là điều ngoài tầm với. Vì vậy, gia đình đã tìm hiểu về các dự án nhà ở xã hội, hy vọng có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. Dẫu vậy, khi bắt tay làm thủ tục, chị gặp phải rất nhiều khó khăn.

Chị May kể, qua quá trình tìm hiểu thông tin trên thị trường, gia đình quyết định mua một căn hộ 2 phòng ngủ tại Dự án nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp (tên thương mại New Lavida) tại TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Dự án tọa lạc ngay các trục đường chính, dễ dàng di chuyển tới TP.HCM và các tỉnh/thành phố lân cận. Mức giá chỉ khoảng 1,4 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ, ngân hàng cho vay 80% giá trị căn hộ với mức lãi suất cố định 6,6%/năm.

Theo quy định tại Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, để hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, người mua cần đáp ứng các điều kiện như chưa sở hữu nhà ở tại nơi có dự án và thu nhập của hai vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng. Trong đó, điều kiện về nhà ở sẽ do Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có dự án nhà ở xã hội đó thực hiện việc xác nhận, nên không có gì khó khăn. Nhưng việc xác nhận thu nhập thì gặp không ít chông gai, nhất là đối với người lao động tự do như chị.

Cụ thể, chị thuộc đối tượng quy định tại khoản 5, Điều 76, Luật Nhà ở, tức là không có hợp đồng lao động, nên cần có xác nhận của chính quyền địa phương về thu nhập. Chị đã chuẩn bị các giấy tờ cần thiết và đặt xe về quê ở Hà Tĩnh để xin xác nhận. Nhưng tại đây, chính quyền địa phương phản hồi rằng, chị đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, đã khai báo tạm vắng, nên chính quyền địa phương không có cơ sở để ký xác nhận và đề nghị chị liên hệ chính quyền địa phương nơi đang cư trú để xác nhận.

Sau đó, chị tiếp tục di chuyển vào TP.HCM, đến UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) - nơi gia đình đang thuê trọ để xin xác nhận. Nhưng tại đây, hồ sơ của chị cũng bị từ chối với lý do UBND phường không có cơ sở để xác nhận thu nhập…

Cuối cùng, hồ sơ vay ngân hàng của gia đình chị bị treo và cơ hội sở hữu nhà không còn, khi dự án được bán hết.

“Dù tên là May, nhưng có lẽ tôi không được may cho lắm! Chúng tôi chỉ mong có một căn nhà nhỏ để ổn định cuộc sống và con cái có không gian học tập, nhưng thủ tục quá rườm rà và phức tạp, khiến giấc mơ an cư của gia mình vẫn rất xa vời”, chị May tâm sự.

Trao đổi với phóng viên, chị Trần Thị Nguyên, nhân viên môi giới đang bán hàng tại Dự án New Lavida chia sẻ, việc khách hàng gặp khó khi làm hồ sơ như trường hợp trên không hiếm. Nhiều khách hàng rất thích mua nhà tại dự án này và đã tiến hành đặt cọc ngay sau khi đi xem nhà mẫu, nhưng làm hồ sơ vay ngân hàng không được, nên đành “lỡ hẹn”.

Rào cản vô hình khiến chủ đầu tư “đau đầu”

Điều kiện mua nhà ở xã hội khó khăn không chỉ gây áp lực cho khách hàng, mà các chủ đầu tư hay đơn vị phân phối cũng “đau đầu, bởi điều này không chỉ kéo dài thời gian giao dịch, mà còn làm giảm khả năng tiếp cận của người có nhu cầu, dẫn đến tình trạng nhà ở xã hội bị tồn đọng hoặc khó bán, gây khó khăn cho các đơn vị phân phối.

Là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập trung bình tại TP.HCM, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành chia sẻ, dù quy định có nhiều chính sách hỗ trợ, song vẫn tồn tại nhiều vấn đề lớn không khuyến khích nhà đầu tư.

Theo ông Nghĩa, bỏ qua khâu lợi nhuận và thủ tục xin đầu tư, thì việc không thể lường trước được lượng khách hàng sẽ mua nhà tại dự án là vấn đề khiến doanh nghiệp “đau đầu” nhất. Lý do là, khách hàng mua nhà ở xã hội không phải do chủ đầu tư quyết định, nên việc bán hàng hoàn toàn bị động.

Đại diện một doanh nghiệp đang phát triển dự án nhà ở xã hội tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng chia sẻ, nhu cầu thực tế đối với nhà ở xã hội rất lớn, nhưng vì các quy định phức tạp, nhiều người có nhu cầu lại không thể tiếp cận hoặc không được xét duyệt hồ sơ kịp thời. Điều này dẫn đến nghịch lý là, dự án nhà ở xã hội có thể bị tồn kho, trong khi thị trường thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp.

“Doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận mức lợi nhuận thấp để đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhưng một trong những khó khăn lớn là không thể chủ động trong việc xác định và tiếp cận lượng khách hàng đủ điều kiện mua nhà tại dự án. Điều này khiến doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực về cân đối chi phí và thời gian hoàn vốn, ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp”, lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề, theo kiến nghị của doanh nghiệp, cần có cơ chế phối hợp linh hoạt hơn giữa cơ quan quản lý và chủ đầu tư, nhằm rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ và đơn giản hóa thủ tục mua nhà.

Tin bài liên quan