Giám đốc không nhất thiết có kinh nghiệm quản trị
Giám đốc, tổng giám đốc sẽ không cần trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty. Đây là một trong những nội dung đang được Ban Soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đề nghị bỏ trong Luật Doanh nghiệp.
Hiện tại, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh là những tiêu chuẩn, điều kiện để làm giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp đang được quy định tại khoản 2, Điều 65 của Luật Doanh nghiệp 2014.
Trong các lần sửa Luật Doanh nghiệp trước đây, nhiều quan điểm cho rằng, không cần phải quy định các điều kiện về chuyên môn, kinh nghiệm với các vị trí giám đốc, tổng giám đốc. Lý do là, các ông chủ doanh nghiệp khi bỏ tiền thuê người làm các vị trí này hoặc tự mình nắm giữ các vị trí này đủ sức cân nhắc việc có cần hay không các chứng chỉ, bằng cấp, kinh nghiệm quản trị trong lĩnh vực mà họ hoạt động.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, đề nghị này xuất hiện trong dự thảo chính thức. Nếu đề xuất này được chấp thuận, các “sếp” của hàng trăm doanh nghiệp du lịch hay những người đứng đầu cơ sở in chắc chắn sẽ không phải khăn gói đi học các loại chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành nếu không tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành hoặc các bằng cấp chuyên môn tương đương.
Tất nhiên, đó là nếu. Còn vào thời điểm này, lãnh đạo nhiều công ty du lịch vẫn đang đau đầu với các quy định phải có được chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ theo hướng dẫn của Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Theo đó, nếu họ không thỏa mãn điều kiện về bằng cao đẳng chuyên ngành lữ hành và chưa học để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế hoặc nội địa, thì phải đi học để được cấp chứng chỉ. Lý do là, theo quy định tại Luật Du lịch, các doanh nghiệp nếu không tho mãn điều kiện trên sẽ không được hoạt động từ ngày 1/1/2019.
Mặc dù Tổng cục Du lịch đã có công văn gửi Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch các địa phương đề nghị chưa kiểm tra điều kiện người phụ trách kinh doanh lữ hành cho tới quý II/2019 với lý do sẽ có những sửa đổi Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL, sau khi có nhiều kiến nghị từ doanh nghiệp về sự bất hợp lý của quy định này, nhưng mọi việc vẫn dừng lại ở thế chờ đợi.
Những người đứng đầu cơ sở in thì không còn cách nào khác là phải tuân thủ. Nghị định 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in đã sửa, bãi bỏ, đơn giản hóa khá nhiều điều kiện kinh doanh, nhưng vẫn giữ nguyên yêu cầu người đứng đầu cơ sở in phải có bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành in trở lên hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in.
Có nghĩa là, những người đứng đầu cơ sở in dù có kinh nghiệm hoạt động, quản lý thế nào, có bằng cấp ra sao, nếu không tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành in trở lên sẽ phải dành khoảng 5 ngày, chi phí khoảng 5 triệu đồng để tham gia và có được chứng nhận trên.
“Những thay đổi này thực sự chưa như kỳ vọng. Khi kiến nghị về những điểm cần phải sửa của Nghị định 60/2014/NĐ-CP, các doanh nghiệp ngành in đã kêu rất nhiều về sự bất cập của điều kiện với những đứng đầu cơ sở in”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nói.
Thống nhất đầu mối đăng ký doanh nghiệp
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã đề xuất quy định mới về thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động ở các ngành, lĩnh vực sẽ thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó, trừ trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
“Với quy định này, các doanh nghiệp đang thực hiện đăng ký theo quy định của luật chuyên ngành như công ty chứng khoán, ngân hàng, các tổ chức tín dụng… sẽ tập trung về một đầu mối là Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”, ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Khi đó, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ có đầy đủ thông tin về doanh nghiệp đăng ký trong các ngành nghề kinh doanh, bao gồm cả những ngành, lĩnh vực đang được coi là chuyên ngành và đăng ký theo hệ thống riêng.
“Tôi tin, quy định này là khả thi, vì khi đi làm việc với các cơ quan quản lý chuyên ngành, phần lớn họ ủng hộ. Bộ Tài chính khi dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cũng đã đưa quy định này vào. Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Tư pháp về việc thống nhất thủ tục đăng ký công ty luật theo Luật Doanh nghiệp”, ông Tuấn cho biết thêm.
Đề nghị bãi bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng đề nghị bãi bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; chế độ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; chế độ gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới...