Thủ tục khi mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ

Thủ tục khi mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ

(ĐTCK) Xin hỏi thủ tục vay, phương thức trả nợ, thời hạn trả nợ, cách tính lãi khi mua nhà ở xã hội theo chương trình hỗ trợ nhà ở tại Nghị định 100 của Chính phủ là gì?

Trả lời:

1. Phương thức vay vốn: Người vay là thành viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) được thành lập theo quy định của NHCSXH. NHCSXH thực hiện theo phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

2. Thời hạn vay vốn: Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

3. Cách tính lãi:

Việc tính lãi vay của khách hàng vay vốn tại NHCSXH theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay là Quyết định số  652/2001/QĐ-NHNN ngày 17/5/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy định phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, cụ thể:

Tính theo tích số: Lấy tổng tích số cả tháng nhân (x) lãi suất tháng, chia (:) cho 30 ngày, theo công thức:

Số tiền lãi = (Tổng tích số tính lãi trong tháng * Lãi suất (tháng))/30 ngày

Trong đó: Tổng tích số tính lãi trong tháng = Tổng số dư nợ * Số ngày dư nợ thực tế trong tháng.

4. Quy trình thủ tục vay vốn:

Đây là quy trình đặc thù riêng có của NHCSXH với mục tiêu hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chính sách vay vốn ưu đãi nhà ở xã hội của Chính phủ, cụ thể:

Bước 1. Người vay tự nguyện gia nhập Tổ TK&VV tại nơi cư trú hợp pháp và viết Giấy đề nghị vay vốn kèm các giấy tờ chứng minh về đối tượng và thực trạng nhà ở, điều kiện thu nhập, điều kiện cư trú gửi Ban quản lý Tổ TK&VV. 

Bước 2. Ban quản lý Tổ TK&VV:  tổ chức họp Tổ TK&VV để bổ sung tổ viên (nếu có) và bình xét cho vay công khai theo Biên bản họp; Lập Danh sách đề nghị vay vốn nhà ở xã hội tại NHCSXH kèm Giấy đề nghị vay vốn của các tổ viên Tổ TK&VV và các giấy tờ chứng minh về đối tượng và thực trạng nhà ở, điều kiện thu nhập, điều kiện cư trú trình Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã xác nhận.

Bước 3. UBND cấp xã: Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch vốn được giao, Ban giảm nghèo cấp xã tổng hợp Hồ sơ vay vốn của các Tổ TK&VV và lập Danh sách đề nghị vay vốn nhà ở xã hội tại NHCSXH trình Chủ tịch UBND cấp xã xác nhận; UBND cấp xã xác nhận trên Danh sách đề nghị vay vốn nhà ở xã hội tại NHCSXH và gửi toàn bộ hồ sơ vay vốn cho Ban quản lý Tổ TK&VV để gửi đến NHCSXH.

Bước 4. NHCSXH nơi cho vay: Khi nhận được hồ sơ vay vốn do Ban quản lý Tổ TK&VV gửi đến, NHCSXH nơi thực hiện thủ tục xem xét, thông báo cho người vay mang hồ sơ vay vốn theo quy định đến ngân hàng làm thủ tục vay vốn. Sau khi thẩm định Hồ sơ vay vốn, NHCSXH nơi thực hiện thủ tục gửi Thông báo phê duyệt cho vay hoặc Thông báo từ chối cho vay đến người vay.

Quy trình thủ tục cho vay có sự tham gia bình xét công khai của các thành viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn; dưới sự giám sát, chứng kiến của Trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố và người đại diện tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xã, phường, thị trấn. Với quy trình thủ tục có sự tham gia, giám sát của người dân, tổ chức hội nhận ủy thác và sự giám sát, xác nhận của chính quyền địa phương, vì vậy, sẽ nâng cao tính khách quan, công bằng và minh bạch của chương trình. Quy trình này chính là kết hợp với cơ chế cộng đồng tự giám sát lẫn nhau đảm bảo nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời và khác biệt hoàn toàn so với các ngân hàng thương mại.

Tin bài liên quan