Đại biểu Nguyễn Thành Nam phát biểu.
Việc trao đổi giữa các bộ, ngành rất chậm, không theo quy trình một cửa, chưa thực sự quan tâm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, khiến cho nhà đầu tư mòn mỏi chờ đợi dẫn đến mất cơ hội đầu tư, đành tâm tư rằng “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.
Đó là thực tế được đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phản ánh trong phát biểu sáng 4/11, khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội.
Theo đại biểu, việc giải quyết các thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là trong quá trình phối hợp trao đổi, lấy ý kiến khi giải quyết thủ tục hành chính giữa các bộ, ngành.
Vị đại biểu Phú Thọ nêu ví dụ mà đối chiếu giữa quy định pháp luật với thực tế còn khoảng cách rất xa, như việc triển khai 2 dự án trọng điểm về xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp huyện Hạ Hòa và huyện Tam Nông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Cụ thể, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các nhà đầu tư đã quan tâm khởi động dự án từ tháng 9/2018, nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu là tháng 3/2021, hoàn thiện bổ sung hồ sơ vào tháng 8/2022. Trong quá trình xử lý hồ sơ dự án từ khi khởi động, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành 51 văn bản xin ý kiến, báo cáo giải trình gửi các bộ, ngành về thủ tục đất đai, thủ tục đấu nối giao thông, thủ tục về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và nhiều thủ tục khác liên quan đến dự án.
Nhưng “việc trao đổi giữa các bộ, ngành rất chậm, không theo quy trình một cửa, chưa thực sự quan tâm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Trong khi theo quy định của Luật Đầu tư, tổng thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không quá 3 tháng, riêng việc lấy ý kiến các cơ quan nhà nước liên quan đến nội dung thẩm định không quá 15 ngày. Nhưng đến nay hồ sơ dự án trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nhà đầu tư vẫn mòn mỏi chờ đợi dẫn đến mất cơ hội đầu tư, đành tâm tư rằng đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, ông Nam phản ánh.
Từ thực tế trên, ông Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính để tạo sự lan truyền mạnh mẽ về đổi mới cải cách từ trung ương đến địa phương. Thực hiện đúng, đủ nghiêm túc các quy định, nguyên tắc về thực hiện thủ tục hành chính, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với địa phương theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Cũng quan tâm cải cách thủ tục hành chính, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) nói, để đạt được tốc độ tăng năng suất xã hội, ngoài những biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính thì cần phải giải phóng mạnh nguồn lực xã hội, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tinh gọn bộ máy.
“Hiện nay, chúng ta thấy một hồ sơ phải đi qua rất nhiều cơ quan, mà một cơ quan thì qua rất nhiều bộ phận, tôi nghĩ cần phải rút gọn bộ máy để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, giải phóng nguồn lực xã hội để tăng năng suất lao động”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Nhìn nhận nhiều tiềm năng, lợi thế của đất nước chưa được phát huy hết, đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm và gắn liền với việc kiểm soát quyền lực và trách nhiệm công vụ.
“Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội một số dự thảo luật để tăng tính phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp. Tuy nhiên, bằng các thể chế pháp luật, chúng ta phải tăng cường công tác kiểm soát để triển khai công việc hanh thông, thuận lợi, tuy nhiên phải đi vào đúng quỹ đạo, vào đúng khuôn khổ pháp luật”, vị đại biểu Hưng Yên nói.
Vẫn theo đại biểu Vận, cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Không những cần quan tâm đến việc chống lãng phí ở lĩnh vực công, mà thực tế như các đại biểu nêu là còn nhiều dự án, công trình đầu tư công còn lãng phí.
“Tôi quan tâm ở đây là lãng phí của xã hội, đặc biệt là lãng phí của lĩnh vực tư, nếu chúng ta không làm tốt việc cải cách thủ tục hành chính. Vì hiện tại rất nhiều dự án nhiều năm nhà đầu tư đang triển khai rồi, nhưng không đưa vào để khai thác được, không đưa vào để thực hiện được, việc này là một tồn tại gây lãng phí rất lớn đối với nguồn lực của xã hội”, ông Vận nêu ý kiến.