Quy định “cửa ải”
Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt tại Thông tư 10 là quy định “nhà ở từ 7 tầng trở lên, chủ nhà phải gửi hồ sơ thiết kế đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp của chính quyền địa phương để thẩm tra, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình theo quy định”.
Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thực ra Thông tư 10/2014/TT-BXD không có gì mới. Vào thời điểm năm 1994, Bộ Xây dựng đã đề ra những quy định này. Tức là, đối với các công trình xây dựng cao tầng, chủ nhà phải gửi hồ sơ thiết kế, hồ sơ địa chất đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp của chính quyền địa phương để thẩm tra, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình theo quy định.
Tuy nhiên, những quy định trên rất bất hợp lý nên đã có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi và trong khi chờ đợi được “cởi trói”, nhiều người dân và doanh nghiệp đối phó bằng cách làm hồ sơ giả để nộp cho cơ quan quản lý. Sau đó, vào đầu năm 2000, theo chủ trương cải cách thủ tục hành chính, quy định này đã được xóa bỏ. Vậy mà không hiểu vì lý do gì, bây giờ Bộ Xây dựng lại tái ban hành?
Đi vào phân tích cụ thể về quy định tại Thông tư 10 do Bộ Xây dựng vừa ban hành, nhiều ý kiến cho rằng, quy định chặt chẽ đối với việc cấp phép xây dựng công trình là cần thiết, bắt buộc, hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên biết rằng, việc xin cấp phép xây dựng luôn là cửa ải mà người dân thấy khó khăn nhất khi xây dựng nhà ở. Những quy định như trên chẳng những không đáp ứng xu hướng cải cách thủ tục hành chính, mà lại gây phiền hà, khó khăn hơn cho người dân.
Không đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại cho rằng, đối với quản lý nhà nước về xây dựng, giấy phép xây dựng có tầm quan trọng hàng đầu, vì nó kiểm tra lần cuối tính hợp pháp của hoạt động xây dựng và công trình xây dựng trước khi khởi công xây dựng. Tuy nhiên, ông Liêm cũng lưu ý, việc cấp giấy phép và thực hiện các thủ tục đó cần phải làm thật chuyên nghiệp và hợp lý, người dân dễ dàng thực hiện, thì thủ tục đó sẽ không mang tính hình thức và không bị coi là một giấy phép con, “hành là chính”.
Ông Liêm nhấn mạnh, thời gian qua, việc người dân xây dựng nhà không phép, xây nhà theo kiểu tự phát khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quy hoạch và chất lượng của căn nhà. Việc Luật Xây dựng sửa đổi sắp có hiệu lực, cùng với những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn kèm theo được kỳ vọng sẽ đưa công tác quản lý xây dựng đi vào nề nếp.
Theo ông Liêm, những quy định của Thông tư 10 về cơ bản đưa ra những yêu cầu quản lý xây dựng khá chặt chẽ. Tuy nhiên, để những quy định của Thông tư mang tính khả thi hơn, cần tạo điều kiện cho thị trường cung ứng dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ xây dựng phát triển. Vì vậy, pháp luật về xây dựng cần đề ra các yêu cầu trách nhiệm nghề nghiệp của họ đối với chất lượng, an toàn và mỹ quan kiến trúc đối với công trình, được đảm bảo bằng bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật mà pháp luật về xây dựng quy định phải tuân thủ.
Cơ hội cho doanh nghiệp “sân sau”?
Quy định “đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát địa chất công trình” trong Thông tư 10 cũng gây ra nhiều tranh cãi.
Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, quy định trên chẳng những không cải tiến thủ tục hành chính, mà còn gây phiền hà, khó khăn hơn cho người dân. Nếu làm theo quy định mới, người dân xin cấp phép xây dựng sẽ tốn kém hơn rất nhiều và cũng mất nhiều thời gian hơn. Đó là chưa kể thủ tục hành chính phát sinh thêm sẽ dễ gây ra tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch,“hành dân”. Mà khi bị “hành” quá mức, việc người dân dừng xây dựng các công trình hoặc vượt rào xây bừa là điều sẽ xảy ra.
Về phía doanh nghiệp xây dựng, thiết kế và kể cả chủ đầu tư bất động sản có đội ngũ thi công, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế suy khó khăn năm qua, nên hầu hết rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Hàng loạt công trình ngừng thi công hoặc giãn tiến độ, nên việc chuyển hướng sang thầu các dự án nhà ở riêng lẻ cũng là một cách thoát hiểm được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Nay với quy định mới này, nhiều hộ đã chuẩn bị kinh phí, ký hợp đồng thuê thầu xây dựng nhà, nhưng rồi phải hủy bỏ vì không xin được giấy phép xây dựng. Điều này sẽ gây ra hệ quả dây chuyền: công nhân không có việc làm, tồn kho vật liệu xây dựng…
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp xây dựng tỏ ra nghi ngờ Thông tư 10 có thể tạo ra một tiền lệ xấu, khi nhiều công ty chân rết về kiểm định, đánh giá sẽ nhân cơ hội này lập ra nhằm bắt chẹt người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Thông tư 10 còn có quy định “khi hoàn thành công trình, chủ nhà có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn và gửi về Sở Xây dựng để kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng” là không cần thiết. Bởi theo các doanh nghiệp, khi triển khai xây dựng đã phải xin phép rồi, khi xây xong lại phải báo cáo và xin kiểm tra là phát sinh thêm thủ tục hành chính, đồng thời, Sở Xây dựng sẽ tiến hành kiểm tra ra sao để đánh giá nhà ở đủ chất lượng được đưa vào sử dụng cũng chưa rõ ràng.