Hiệp định Bảo hộ đầu tư - IPA, đúng như tên gọi của nó, đã toát lên toàn bộ ý nghĩa của Hiệp định”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã bắt đầu câu chuyện về Hiệp định IPA như vậy tại cuộc họp báo quốc tế, diễn ra ngay sau khi Lễ ký hai hiệp định EVFTA và IPA kết thúc.
“Hiệp định này đảm bảo sự an toàn, cũng như tài sản của các nhà đầu tư. Chính quyền các bên có liên quan cũng cam kết đảm bảo đối xử công bằng và thỏa đáng các nhà đầu tư, không có chuyện trưng thu, trưng mua quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư, mà nếu có, thì cũng sẽ có bồi thường thỏa đáng”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, các nội dung trong Hiệp định cũng đảm bảo việc các nhà đầu tư được tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra khỏi quốc gia đang đầu tư.
“IPA có những điểm rất mới, chi tiết hơn, cân bằng hơn so với các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương trước đây mà Việt Nam đã ký với các đối tác khác”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Cụ thể, Hiệp định quy định rõ ràng các tiêu chí cho từng hành vi mà nhà nước không được thực hiện. Hiệp định cũng đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo vụ việc (ad-hoc) trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU trước đây.
Quang cảnh lễ ký kết EVFTA và IPA tại Hà Nội chiều nay, 30/6/2019 (Ảnh:Đức Thanh)
Theo đó, tranh chấp được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực gồm hai cấp xét xử: cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm, với các thành viên do Việt Nam và EU thỏa thuận lựa chọn. Và bởi vậy, sẽ giúp tăng tính độc lập và nhất quán của cơ quan này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, Việt Nam có sẵn sàng đối phó với các vụ kiện, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam đã có hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài và cũng đã ký kết hơn 60 hiệp định bảo hộ đầu tư, thông qua các hiệp định này, Chính phủ đã từ bỏ việc miễn trừ tố tụng quốc gia và do đó, Việt Nam “sẵn sàng đối phó với các vụ kiện”.
“Nhiệm vụ của Chính phủ là nhanh chóng hoàn thiện thể chế chính sách, đặc biệt là pháp luật về đầu tư, kinh doanh, liên quan đến các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Thông tin cho biết, trên cơ sở những điểm tiến bộ của IPA so với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký giữa Việt Nam và các nước thành viên EU, Việt Nam cũng sẽ đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững.
Trong khi đó, liên quan đến câu hỏi về việc liệu IPA sẽ tác động tới dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam như thế nào, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định là “sẽ có sự thay đổi khá lớn”.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, với các quy định bảo hộ đầu tư trong IPA, các nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đã luôn là một lựa chọn đầu tư của các doanh nghiệp EU.
“Hơn nữa, thông qua việc thực thi EVFTA và IPA, các doanh nghiệp EU không chỉ được tham gia vào thị trường Việt Nam, mà còn là thị trường ASEAN và thị trường của các quốc gia thành viên CPTPP. Các quy định về xuất xứ hàng hóa cũng sẽ giúp cả các nhà đầu tư nước ngoài ngoài EU cũng sẽ đầu tư vào Việt Nam để được hưởng lợi”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Như vậy, EVFTA và IPA không chỉ giúp thúc đẩy đầu tư từ EU, mà còn là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung.
Chia sẻ với báo giới, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng cho biết, hiện chiến lược mới về thu hút đầu tư nước ngoài cũng đang được xây dựng, và ở chiến lược này, đã có sự dịch chuyển quan trọng trong quan điểm của Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là chuyển sang thu hút đầu tư có lựa chọn theo chiều sâu, ưu tiên các dự án công nghệ cao, tập trung vào việc liên kết với doanh nghiệp trong nước và tạo ra giá trị gia tăng cho kinh tế Việt Nam.
“Khi xây dựng chiến lược này, chúng tôi đã cân nhắc đến các hiệp định thương mại thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA và IPA. Chúng tôi tin là, với IPA, chắc chắn tới đây, vốn đầu tư từ EU sẽ tăng trưởng tốt hơn”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Lũy kế tính đến nay, các nhà đầu tư EU đã có 2.244 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 24,67 tỷ USD, chưa tính một số dự án lớn khác thông qua quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thứ ba.