Chia nhóm DN để mở room
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015 vừa diễn ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì, chỉ đạo xây dựng, triển khai các phương án cụ thể, nhằm chi tiết hóa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phát triển TTCK, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Liên quan đến một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của thị trường là nới room cho NĐT nước ngoài sau thời gian dài bị đình trệ, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho hay, mở rộng room cho NĐT nước ngoài là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, mà Bộ Tài chính, UBCK đang thúc đẩy triển khai. Trong đó với nhóm CTCK, công ty quản lý quỹ, theo tinh thần cam kết WTO, NĐT nước ngoài có thể sở hữu đến 100% cổ phần tại các công ty này (thay vì chỉ được sở hữu ở hai ngưỡng là 49% hoặc 100% như quy định hiện hành - PV).
“Đối với công ty niêm yết, sẽ chia thành các nhóm để xây dựng phương án nới room. Trong đó có nhóm theo quy định của pháp luật, thì NĐT nước ngoài không được tham gia; có nhóm thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành, ví dụ như Luật Các tổ chức tín dụng; có nhóm thực hiện theo cam kết WTO. Đối với DN niêm yết còn lại, sẽ mở rộng sự tham gia của các NĐT nước ngoài vào TTCK Việt Nam theo lộ trình…”, ông Hà cho biết.
Thúc đẩy thêm nhiều cơ chế
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà cho biết, Bộ Tài chính đang chỉ đạo UBCK khẩn trương hoàn chỉnh một số cơ chế mới. Trong đó, trọng tâm là nhanh chóng hoàn thiện hai dự thảo: nghị định về TTCK phái sinh; dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012, để sớm trình Chính phủ ban hành.
“Dự thảo nghị định về TTCK phái sinh, đã được lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Qua tổng hợp của chúng tôi, đa số các thành viên Chính phủ đều tán thành với dự thảo nghị định này, nên dự kiến sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới…”, ông Hà nói và cho biết thêm, Bộ Tài chính cũng sẽ báo cáo Chính phủ phương án ban hành nghị định về phát triển hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, để tăng cường các NĐT tổ chức, huy động thêm nguồn vốn dài hạn cho thị trường…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà cho biết, Bộ Tài chính, UBCK cũng tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu TTCK. Đầu tiên là tái cơ cấu hàng hóa, gắn với đó là tái cơ cấu hệ thống giao dịch, bao gồm hệ thống giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và TTCK phái sinh. Trong đó một vấn đề quan trọng là gắn kết giữa công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các DN với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Qua đó hỗ trợ thị trường có thêm hàng hóa mới chất lượng, tạo thuận lợi cho NĐT sau khi mua cổ phiếu cổ phần hóa có nơi giao dịch, đảm bảo công khai. Tái cơ cấu các Sở GDCK theo hướng hợp nhất hai Sở GDCK hiện tại để hình thành Sở GDCK Việt Nam. Từ đó sẽ sắp xếp lại hệ thống giao dịch của thị trường, tăng cường công tác quản trị, minh bạch… Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm một cách công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho TTCK phát triển lành mạnh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của NĐT.
“Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ dần khắc phục những hạn chế hiện tại của TTCK: sản phẩm chưa đa dạng; chất lượng dịch vụ chứng khoán còn nhiều điểm phải khắc phục…, qua đó thúc đẩy TTCK phát triển hiệu quả, bền vững hơn không chỉ trong năm nay mà cả giai đoạn tới”, ông Hà nói.