Mong có thay đổi về thể chế, chính sách
Sau phiên Khai mạc và tham luận, nửa cuối buổi sáng 17/12/2022 diễn ra phiên thảo luận chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Toàn cảnh phiên thảo luận. |
Điều hành phiên thảo luận, Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh hỏi nhạc sĩ Quốc Trung những khó khăn khi tổ chức một sự kiện âm nhạc quốc tế như “Gió mùa” ở Việt Nam và Nhà nước, Thành phố Hà Nội có thể hỗ trợ như thế nào để quốc tế hóa những sự kiện âm nhạc như vậy?
Trả lời câu hỏi, nhạc sỹ Quốc Trung cho biết, để làm một sản phẩm có chất lượng cũng gặp một số khó khăn. Với tác phẩm âm nhạc “Gió mùa”, mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ thành phố Hà Nội và Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch, tuy nhiên vẫn gặp một số khó khăn, nhất là về thủ tục hành chính
Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa là sản phẩm, mô hình âm nhạc tương đối mới, ekip đã hình dung được những khó khăn, cần thời gian để đánh giá, đặc biệt để khán giả làm quen. Trong việc tổ chức, bên cạnh sự giúp đỡ của cơ quan chức năng vẫn còn khó khăn về thủ tục hành chính, lập kế hoạch vì với quy mô lễ hội lớn, khối lượng công việc khổng lồ.
Nhạc sĩ Quốc Trung phát biểu. |
Quá trình thực hiện tác phẩm đã được sự ủng hộ, đánh giá, nhìn nhận để hướng tới mục tiêu xây dựng một thương hiệu văn hóa, tính hình ảnh của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của Việt Nam. Chính vì vậy, nhạc sỹ Quốc Trung hy vọng qua hội thảo này, thời gian tới sẽ có thay đổi về thể chế, về chính sách, trong đó không phải chỉ hỗ trợ riêng cho lễ hội quốc tế như Gió mùa mà hỗ trợ nhiều cho các sản phẩm biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc khác.
Liên quan đến thể chế, Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho biết, Thành phố Hà Nội đã có Nghị quyết riêng liên quan phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với điểm đến Hà Nội là một thành phố sáng tạo. Ông Lê Quang Minh mời Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá về vai trò của những sự kiện âm nhạc lớn cũng như là điểm đến của các sự kiện văn hoá?
Phát biểu ý kiến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “với một mục tiêu là biến công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp xứng đáng cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của Thủ đô.
“Nhưng điều quan trọng hơn là Nghị quyết nhằm định vị thương hiệu của Thủ đô Hà Nội là một thành phố văn hóa, một thành phố sáng tạo. Bởi, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên của cả nước tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu. |
Chính vì vậy, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay, trong Nghị quyết này, Thành phố Hà Nội đã xác định 8 nhiệm vụ giải pháp. Trong đó xác định vấn đề rất quan trọng đối với việc phát triển công nghiệp văn hóa là thành phố có vai trò định hướng cũng như tạo ra môi trường thuận lợi, còn chủ thể cho việc phát triển công nghiệp văn hóa chính là nghệ sĩ, nghệ nhân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá.
“Do đó, những nhu cầu, nguyện vọng của các nghệ sĩ, của giới nghệ nhân cũng như của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa luôn luôn được thành phố Hà Nội lắng nghe và tìm cách tháo gỡ”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phong, trên thực tế, theo thể chế hiện nay với thẩm quyền của thành phố làm được đến đâu thì chúng tôi đã cố gắng ở mức độ cao nhất. Tuy nhiên còn vướng rất nhiều những quy định pháp luật khác mà ngoài phạm vi của thành phố.
“Để tạo dựng được những thương hiệu của thành phố thì phải thông qua các sự kiện và các sự kiện thì không phải chỉ trong nội bộ của thành phố mà dần dần nó phải trở thành thường niên và có tính chất quốc tế. Có như vậy chúng ta mới có điều kiện xuất khẩu văn hóa ngay tại chỗ, cũng như mở rộng cơ hội giao lưu và hợp tác quốc tế. Từ đó làm cho đời sống văn hóa cũng như thị trường văn hóa Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung phong phú hơn, đáp ứng được nhu cầu của người dân ngày càng cao”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thành phố Hà Nội cũng rất mong muốn phối hợp với các doanh nghiệp, các nghệ sĩ, nghệ nhân để tiếp tục có thêm những sản phẩm văn hóa mới.
Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh điều hành phần thảo luận. |
Để thực hiện nghị quyết về văn hóa của Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành một kế hoạch với 45 nhiệm vụ và trong đó có tới khoảng 10 nhiệm vụ là liên quan đến câu chuyện sửa đổi các chính sách, cải cách hành chính, tạo điều kiện để cho môi trường văn hóa phát triển hơn. Thành phố Hà Nội cũng xác định tổ chức khoảng 30 sự kiện văn hóa lớn được tổ chức thường niên trong năm, kể cả trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, Thủ đô Hà Nội cũng đã xác định dành nguồn lực ở mức độ cao nhất trong khả năng của thành phố, trong giai đoạn từ 2021 đến 2025 với khoảng 14.000 tỷ đồng đầu tư riêng cho lĩnh vực phát triển văn hóa nói chung, trong đó có cả văn hóa vật thể và phi vật thể.
Dù hành trình phát triển văn hoá còn nhiều khó khăn, nhưng thông qua những hội thảo như hôm nay, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội hy vọng từng bước, các điểm nghẽn, nhất là về thể chế, chính sách sẽ được tháo gỡ, từ đó tạo ra nguồn lực cho phát triển.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội một lần nữa khẳng định, nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là nguồn lực sáng tạo của giới nghệ sĩ và nghệ nhân của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là không có giới hạn và nếu chúng ta khơi thông được thì chắc chắn Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.
Sẽ nghiên cứu bổ sung các ưu đãi
Tiếp tục điều hành thảo luận, liên quan đến thể chế, chính sách phát triển văn hóa, ông Lê Quang Minh đặt câu hỏi cho ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Khi bàn về việc triển khai Chiến lược phát triển văn hóa 2030, rất nhiều ý kiến cho rằng, để triển khai Chiến lược thực sự hiệu quả, đòi hỏi một hệ thống pháp luật đồng bộ, trong khi rất nhiều lĩnh vực hiện nay vẫn chưa có Luật để điều chỉnh. Lộ trình hoàn thiện thể chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ nay đến 2030 như thế nào để cụ thể hóa Chiến lược này?
Trả lời câu hỏi, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Liêm cho biết, hiện mới có 5 lĩnh vực có luật để điều chỉnh. Vì vậy Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2026, nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về văn hóa.
Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Liêm cho biết, trong 9 lĩnh vực Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 5 lĩnh vực có luật điều chỉnh. Một số lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm chưa có luật để điều chỉnh mà vẫn điều chỉnh bằng nghị định.
Trong năm 2021, 2022, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành 3 luật: Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đây là bước đột phá trong thời hoàn thiện thể chế.
Ông Lê Thanh Liêm nêu rõ lộ trình từ nay đến năm 2026 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giai đoan 2026-2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến xây dựng Luật nghệ thuật trình diễn, Luật Mỹ thuật sửa đổi và một số văn bản có liên quan khác. Với quyết tâm như vậy, việc hoàn thiện thể chế pháp luật, điều chỉnh trực tiếp các lĩnh vực văn hóa sẽ được hoàn thiện…
Trong phiên thảo luận có nhiều câu hỏi đặt vấn đề với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, ông Lê Quang Minh mời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trả lời các câu hỏi?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, về cơ chế, chính sách cho văn hóa, ông cũng rất đồng tình với nhiều đại biểu phát biểu trước đó.
Theo ông Trần Duy Đông, quy định hiện nay ngân sách nhà nước đã tập trung đầu tư, tuy nhiên để đầu tư cho văn hóa thì chúng ta cần phải huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ các khu vực tư nhân, khu vực tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay trong Luật Đầu tư, mới có ưu đãi đầu tư cho bảo tồn văn hóa còn phát triển các ngành văn hóa khác chúng ta chưa có ưu đãi.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu. |
“Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiêm túc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu bổ sung các ưu đãi. Có thể là ưu đãi về miễn, giảm thuế về đất đai. Bên cạnh đó có thể xem cho các khoản doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có được tính là chi phí giảm trừ hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp hay không?... Tất cả đều phải được đặt ra rất nghiêm túc để khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực này”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Liên quan đến hợp tác công - tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong Luật hợp tác công - tư PPP hiện nay chúng ta mới quy định hợp tác trong 5 lĩnh vực, chưa có quy định hợp tác trong lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, qua phát biểu của đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, chúng ta thấy rằng, các địa phương có nhu cầu rất lớn, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Do đó, chúng ta cần phải nghiên cứu, sửa đổi Luật PPP và quy định rất rõ ngành nghề với các quy định hợp lý.
Nhân phát biểu thảo luận, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ việc sửa Nghị quyết 54, Thành phố Hồ Chí Minh đang đề nghị bổ sung thí điểm thực hiện hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy đây cũng là một quy định phù hợp và đang nghiên cứu phối hợp với các bộ, ngành sẽ báo cáo Quốc hội. Trước mắt có thể thí điểm với Thành phố Hồ Chí Minh trước để chúng ta có cơ sở sửa đổi Luật PPP trong thời gian tới.
Ông Lê Quang Minh cho biết, từ khóa PPP xuất hiện khá nhiều trong các tham luận của Hội thảo ngày hôm nay. Có thể trong phiên thảo luận buổi chiều, Hội thảo sẽ bàn sâu hơn về nội dung này, như là một trong những giải pháp rất quan trọng để phát huy được nguồn lực từ xã hội cho phát triển văn hóa.