Tại phiên họp báo Chính phủ chiều 29/10, báo chí đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Vì sao thị trường chứng khoán thời gian gần đây có nhiều phiên giảm sâu dù nền kinh tế ổn định?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng nhận định, vĩ mô nền kinh tế đang tiếp tục được giữ ổn định, đây là cơ sở để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh ổn định, tăng trưởng và ổn định thị trường chứng khoán. Nhưng diễn biến thực tế cho thấy, thị trường có sự điều chỉnh giảm, có phiên giảm sâu, hiện VN-Index dao động ở mức 1.000 điểm.
Theo ông Chi, tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ tình hình quốc tế và cả nguyên nhân trong nước.
Cụ thể, lạm phát thế giới rất cao, do đứt gãy chuỗi cung ứng từ ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Hiện cuộc chiến này vẫn đang phức tạp, chưa có một dự báo lạc quan nào về sự kết thúc.
Ngoài ra thị trường chứng khoán khu vực và thế giới có những biến động rất mạnh như tại Mỹ, Nhật và các nước Châu Âu…cũng tác động liên thông đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở trong nước, chính sách tiền tệ, tài khoá thay đổi nhiều cũng tác động đến thị trường chứng khoán, ví dụ chính sách tăng lãi suất và quản lý chặt room tín dụng đã ảnh hưởng đến dòng tiền từ đầu năm đến nay. Hiện nay ngân hàng tăng dòng tiền để hồi phục chuỗi cung ứng, sản xuất, hạn chế đổ vào lĩnh vực chứng khoán.
“Dòng tiền vào chứng khoán giảm từ đầu năm tới nay để hướng tới các tổ chức tín dụng do lãi suất tăng, cũng như đưa vào sản xuất kinh doanh khi kinh tế hồi phục sau dịch Covid-19”, ông Chi nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định “tin vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trên cơ sở ổn định vĩ mô của nền kinh tế”.
Đưa ra giải pháp, ông Chi nói rằng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục giữ thị trường chứng khoán vận hành ổn định và an toàn trong mọi tình huống. Sẽ tăng cường minh bạch thị trường thông qua việc yêu cầu các doanh nghiệp công bố thông tin, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, "không trình bày nhiều, vi phạm là xử lý".
Đặc biệt, theo ông Chi, sẽ tập trung nguồn lực tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra, giám sát các công ty niêm yết, công ty chứng khoán, quản lý quỹ, nhà đầu tư giao dịch... phát hiện các vi phạm, xử lý và công bố công khai. Với các vụ việc nghiêm trọng sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xem xét thêm, đặc biệt là các hành vi tung tin đồn thất thiệt.
Về lâu dài, Bộ Tài chính sẽ rà soát lại các quy định của pháp luật như Luật Chứng khoán, Nghị định 155 cũng như các văn bản hướng dẫn để sửa đổi, bổ sung những bất cập để thị trường chứng khoán thích ứng và phát triển bền vững.
Đã cân đối nguồn lực tài chính để tăng lương từ năm 2023
Khi báo chí đặt câu hỏi tới Bộ Tài chính về việc chuẩn bị nguồn lực cho kế hoạch tăng lương cơ sở, dự kiến được thực hiện từ giữa năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, đã cân đối nguồn lực tài chính cho kế hoạch này.
Cụ thể, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương có sắp xếp, bố trí nguồn lực tài chính khi cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện cải cách tiền lương.
Các giải pháp chủ yếu trong việc chuẩn bị nguồn lực tài chính đó là tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi trong các hoạt động chi ngân sách nhà nước hiện nay.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí phát sinh, bao gồm: Lương hưu, đối tượng do ngân sách đảm bảo, người có công, đối tượng gắn với lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng, thì cần khoảng 60.000 tỷ đồng cho chính sách này khi Quốc hội phê duyệt.
"Chúng ta hoàn toàn chủ động chuẩn bị nguồn lực tài chính cho quyết sách tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua", Thứ trưởng nói.