Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phát triển đô thị thông minh là quá trình liên tục và lâu dài

0:00 / 0:00
0:00
Tại phiên khai mạc Vietnam - Asia Smart City Summit 2023 sáng 29/11, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định, phát triển đô thị thông minh là quá trình liên tục và lâu dài, do vậy cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và tổng thể.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ không có hình mẫu trong xây dựng đô thị thông minh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ không có hình mẫu trong xây dựng đô thị thông minh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng bày tỏ sự vui mừng khi năm nay Thành phố Hà Nội cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đồng tổ chức Vietnam - Asia Smart City Summit 2023.

Điều này cho thấy sự quyết tâm của lãnh đạo Thành phố Hà Nội trong việc xây dựng Thủ đô hiện đại, phục vụ tốt hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Theo Chủ trương, chính sách phát triển đô thị thông minh bền vững đã được đưa ra từ tháng 8/2018 tại Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 và Nghị quyết số 06-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam.

"Chủ trương, chính sách đã có, quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất đã có, việc chúng ta cần làm đó là triển khai cho hiệu quả, bền vững", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong quá trình theo dõi, đồng hành cùng nhiều địa phương về triển khai đô thị thông minh, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã chia sẻ một số vấn đề quan trọng trong nhận thức và cách làm để xây dựng và phát triển đô thị thông minh.

Theo Thứ trưởng, phát triển đô thị thông minh là một quá trình liên tục và lâu dài, do vậy cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ. Cũng giống như chuyển đổi số, đó là sự thay đổi về tư duy và nhận thức nhiều hơn.

Phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị bao gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị...

Và để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố.

Phát triển đô thị thông minh chính là xây dựng một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả dựa trên việc ứng dụng các công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo, không phải một tập hợp rời rạc các hệ thống, ứng dụng của các cơ quan chuyên môn do các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Đồng thời, phát triển đô thị thông minh tại địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ý kiến, cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

“Một hạ tầng thông tin mạnh, thống nhất và an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Do đó, việc xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động của tất cả các cấp, các ngành tại địa phương, không phải nhiệm vụ riêng của bất kỳ ngành hay cơ quan cụ thể nào.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, không có một hình mẫu nào có thể áp dụng đối với việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Mỗi địa phương, mỗi đô thị có quy mô, điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội khác nhau, bài toán, vấn đề cần giải quyết khác nhau, lĩnh vực thế mạnh cần ưu tiên thúc đẩy cũng khác nhau. Vì vậy cần tham khảo và vận dụng sao cho phù hợp.

Từ đó, Thứ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều văn bản hướng dẫn, báo cáo sơ kết, tổng kết về hoạt động triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam. Tháng 6/2023 vừa qua, Bộ đã ban hành văn bản số 2333/BTTTT-CĐSQG gửi các địa phương các vấn đề cần quan tâm, lưu ý trong chỉ đạo và tổ chức triển khai phát triển đô thị thông minh. Đề nghị các địa phương nghiên cứu để tổ chức triển khai đô thị thông minh hiệu quả tại địa phương mình.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững Việt Nam. Với mục tiêu xây dựng một hướng dẫn chung về việc xây dựng, phát triển và đánh giá mức độ trưởng thành của đô thị thông minh, tạo sự thống nhất về nhận thức chung trong việc phát triển đô thị thông minh gắn với Chương trình Chuyển đối số quốc gia…

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng tin tưởng rằng, cùng với sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân, Việt Nam sẽ sớm xây dựng được những thành phố thông minh, hiện đại, bền vững, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Tin bài liên quan