Thứ trưởng Bộ Tài chính nói về đề xuất giảm thuế cho các cơ quan báo chí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất giảm 5-10% đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của các cơ quan báo chí. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sẽ cân nhắc phương án giảm thống nhất 10% để hỗ trợ hoạt động báo chí trong giai đoạn khó khăn.

Tại họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Tài chính sáng 27/9, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã thông tin với báo chí về đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí.

Theo đó, Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành quy định mức thuế suất phổ thông với các cơ quan báo chí là 20% (trừ hoạt động báo in được hưởng mức ưu đãi 10%).

Mới đây, trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung hoạt động báo chí (bao gồm cả quảng cáo trên báo nói chung thay vì chỉ hoạt động báo in như hiện nay) vào nhóm ngành, nghề được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Mức giảm được Bộ Tài chính đề nghị là 5%. Nghĩa là, thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ quan báo điện tử, phát thanh, truyền hình là 15%, thay vì 20% như hiện hành; riêng báo in tiếp tục được đề xuất áp dụng là 10%.

Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có đề xuất thống nhất với Bộ Tài chính về việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nguồn thu của báo chí dựa vào quảng cáo, nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ, nhất là truyền thông xã hội, mạng xã hội phát triển bùng nổ dẫn đến nguồn thu từ quảng cáo của báo chí sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan báo chí.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) trao đổi tại buổi họp báo

Ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) trao đổi tại buổi họp báo

Về vấn đề này, ông Trương Bá Tuấn cho rằng, thực tế mức ưu đãi Bộ Tài chính đề xuất đã được tính toán trên nhiều phương diện, đảm bảo tương quan với những ngành nghề khác cần khuyến khích, thúc đẩy.

"Đó là lý do báo in được đề xuất ưu đãi 10% còn các loại hình báo khác là 15%", ông Tuấn nói.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, chính sách ưu đãi thuế nói chung và ưu đãi thuế báo chí nói riêng áp dụng theo từng lĩnh vực, địa bàn. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong thực hiện ưu đãi thuế quy định theo luật thuế thu nhập doanh nghiệp, có thống nhất giữa các lĩnh vực ưu đãi.

"Việc áp thuế cần có sự bù trừ giữa các ngành nghề, lĩnh vực", vị này nói thêm.

Làm rõ thêm về quan điểm đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, Bộ Tài chính sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến trong quá trình hoàn thiện dự thảo. "Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến, xem xét và cân nhắc ưu đãi thuế ở mức phù hợp, hỗ trợ cho cơ quan báo chí", ông Chi nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo sáng 27/9

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo sáng 27/9

Trước đó, tại buổi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 23/9, các đại biểu cũng thống nhất đề xuất mức thuế chung với báo chí là 10%.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, thời gian qua các cơ quan báo chí nói nhiều về mức thuế thu nhập đối với các cơ quan báo chí.

Theo ông Vinh, 100% cơ quan báo chí là cơ quan nhà nước, có nguồn thu phần nhiều phụ thuộc vào quảng cáo nhưng hiện nay doanh thu quảng cáo giảm rất nhiều. “Vì vậy, chúng tôi có làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, thống nhất đề xuất mức thuế chung với báo chí là 10% như báo in hiện nay”, ông Vinh nói.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV vào tháng 10 tới, Bộ Tài chính có hơn 10 đề án trình Quốc hội, trong đó có 2 Luật sẽ trình để Quốc hội xem xét thông qua là Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và 1 Luật sửa 7 Luật (Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia).

Có 3 luật sẽ trình xin ý kiến Quốc hội thảo luận và cho ý kiến lần đầu là Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Tin bài liên quan