Tại Diễn đàn "Nâng cao sức cạnh tranh hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các FTA thế hệ mới" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông cho biết, việc có nhiều FTA đi vào thực thi tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, thu hút FDI, nâng cao trình độ công nghệ...
Nhưng, sau khi 13 FTA đã đi vào thực thi, gần đây nhất là FTA với Liên minh châu Âu là EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, do năng lực còn hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, gặp khó khăn trong huy động nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và chất lượng nguồn nhân lực. Không ít doanh nghiệp chưa có chiến lược phát triển dài hạn, còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư phát triển.
Một hạn chế nữa được Thứ trưởng Trần Duy Đông chỉ ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu trong việc hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để trở thành các đối tác lâu dài, hướng tới mục tiêu phát triển chung. Nhận thức của một số doanh nghiệp còn ngắn hạn, chưa xác định được tầm nhìn dài hạn với tư duy chiến lược để tận dụng các thời cơ từ hội nhập mang lại.
Liên quan đến khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, ông Đông cho rằng, Việt Nam chưa tham gia nhiều vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.
Dẫn số liệu tổng hợp của Dự án LinkSME, ông Đông nêu: "Các công ty FDI của Nhật Bản tại Việt Nam chỉ mua sắm 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương. Trong khi tỷ lệ mua sắm từ các nhà cung cấp địa phương của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Trung Quốc cao hơn rất nhiều, đạt 67,8%, Thái Lan hơn 57%, Indonesia 40,5%.
Ngoài ra, trong số các doanh nghiệp cung cấp cho doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam, có tới 58,9% lại là DN FDI, chỉ 13% là doanh nghiệp 100% vốn trong nước.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp FDI cũng không đáng kể và hết sức hạn chế. Đơn cử, trong ngành công nghiệp ô tô, hiện có 2 doanh nghiệp lắp ráp lớn đang hoạt động, nhưng ta chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2 và 3. Nhìn sang Thái Lan, quốc gia này có 16 doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn, họ có tới 690 nhà cung cấp cấp 1, 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3".
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và sự cần thiết vào sự liên kết ngành, các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát triển bền vững. Ngược lại, các doanh nghiệp FDI thường có sẵn hệ sinh thái riêng, có chuỗi cung ứng luôn sẵn sàng nên chưa tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Do quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên trình độ công nghệ, quản lý của doanh nghiệp Việt chưa cao, nguồn nhân lực thấp, dẫn đến khó khăn về đầu tư nâng cấp công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các đối tác.