Thứ trưởng Bộ Công Thương: Nhập siêu chưa đáng ngại

0:00 / 0:00
0:00
Nhập siêu hàng hóa trong tháng 5 lên tới 2 tỷ USD, nhưng chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, và tiêu dùng trong nước nên chưa có gì đáng ngại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải khẳng định, nhập siêu chủ yếu do doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất nên không đáng ngại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải khẳng định, nhập siêu chủ yếu do doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất nên không đáng ngại.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải tại Họp báo thường kỳ 5 tháng đầu năm 2021 chiều 17/6.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất khẩu 5 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN..

5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4%. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 369 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,87 tỷ USD). Riêng trong tháng 5, nhập siêu lên tới 2 tỷ USD.

"Nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ nhờ sản xuất phục hồi, từ đó nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng và xuất khẩu. Mức nhập siêu 369 triệu USD là chưa đáng lo ngại, nhưng vẫn phải theo dõi sát để đánh giá tiếp", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích.

Nhập siêu quay trở lại không khó hiểu, bởi 5 tháng qua hầu hết các ngành hàng xuất khẩu lớn đều có tóc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu dệt may; giày dép; xơ, sợi dệt các loại đều đạt mức tăng trưởng khả quan, với mức tăng lần lượt là 3,7%; 13,4% và 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Đổi lại, nhập khẩu nguyên liệu nhóm hàng kể trên cũng tăng mạnh, trong đó nhập bông 5 tháng tăng gần 20%, trị giá 1,297 tỷ USD, nhập xơ sợi dệt tăng 34,4%, trị giá 1,117 tỷ USD, chi nhập vải xấp xỉ 6 tỷ USD, tăng 33%, nhập nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 32,5%...

Riêng nhóm hàng xuất khẩu TOP đầu, gồm điện thoại, linh kiện, dẫu kim ngạch xuất khẩu sụt giảm do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, khiến đện thoại các loại và linh kiện giảm 3%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 5%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 11,8%, nhưng nhập nguyên liệu vẫn tăng rất mạnh, trong đó chi nhập máy tính, điện tử, linh kiện tăng 24,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 51,3%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 44,9%...

Trong bức tranh sản xuất công nghiệp và thương mại 5 tháng cơ bản đều bám sát kế hoạch đặt ra, điều ấn tượng được Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhắc tới mà là trong khó khăn nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tăng 11%, 5 tháng tăng 9,9%, cao hơn kế hoạch đặt ra là 8%, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, tăng trưởng trên 30,7%

"Dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến khó lường, do vậy, kiên định thực hiện mục tiêu kép là nhiêm vụ lớn của ngành Công thương từ nay đến cuối năm, cố gắng đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, đảm bảo cung cầu thị trường, chống đầu cơ găm hàng tích trữ, nhất là với nguyên vật liệu sản xuất và hàng tiêu dùng, không để đứt gãy chuỗi cung ứng...", Thứ trưởng lưu ý.

Ngoài ra, tính toán để tái khởi động lại các nhà máy đã đáp ứng được tiêu chí về an toàn phòng dịch, thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, gỡ các rào cản thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu về thị trường, đặc biệt phải theo dõi để kiểm soát nhập khẩu đối với nhóm hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu, giữ cho cán cân thương mại lành mạnh.

Lưu ý của Thứ trưởng Bộ Công Thương về giữ cho cán cân thương mại hàng hóa lành mạnh thông qua kiểm soát nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu càng dễ hiểu, bởi 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát đã tăng 41% so với cùng kỳ, đạt 8,49 tỷ USD. Trong nhóm hàng này, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng 21%, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 41,9%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 40,7% về kim ngạch.

Tin bài liên quan