44/10.000 thương nhân kêu khó
Cho rằng các quy định trong Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí là “luẩn quẩn, đánh đố doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Thu Trang đến từ Khánh Hòa, đại diện cho 44 doanh nghiệp kinh doanh gas cùng nỗi bức xúc cho hay, nhiều quy định đặt ra hết sức phi lý và vượt quá khả năng doanh nghiệp.
Cũng kêu khó với Nghị định 19/2016/NĐ-CP, ông Trần Trung Nhật, doanh nghiệp kinh doanh gas cũng nhận xét, quy định khiến đẻ ra nhiều giấy phép, khổ lắm.
Bức xúc của các doanh nghiệp kinh doanh gas này là ở chỗ, Nghị định 19 quy định, thương nhân phân phối khí là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật phải có bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3. Đối với thương nhân phân phối khí, kinh doanh bình gas ngoài quy định trên còn phải đáp ứng thêm các điều kiện về số lượng bình gas (loại bình 12 kg) đủ điều kiện lưu thông thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2,62 triệu lít.
Đồng thời có trạm nạp gas vào bình hoặc có hợp đồng thuê nạp gas vào bình với thương nhân kinh doanh gas đầu mối khác. Thương nhân phải có hệ thống phân phối bán gas. Sau 2 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối gas thì phải có trạm nạp gas vào bình.
Theo bà Trang và ông Nhật, chỉ 2 điều kiện về trạm chiết và số lượng vỏ bình cũng ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh. Điều kiện thương nhân phải có tối thiểu số vỏ bình tương đương 2,62 triệu lít là quá lớn và không phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi muốn có số vỏ bình này họ phải đầu tư khoảng 45 tỉ đồng. Đối với điều kiện bồn chứa 300 m3, buộc phải đầu tư thêm 6 tỉ đồng nữa. Tổng cộng 2 điều kiện trên, thương nhân phải đầu tư hơn 50 tỉ đồng; đó là chưa kể các chi phí về hệ thống chiết nạp, kho chứa và đất đai nhà xưởng. Đây là mức chi phí quá lớn với doanh nghiệp nhỏ.
Đối với điều kiện doanh nghiệp phải thành lập tổng đại lý mới được bán cho các thương nhân phân phối khác, doanh nghiệp cũng cho rằng “không cần thiết, rườm rà, làm tăng chi phí kinh doanh. Chưa kể, doanh nghiệp phải ra tận Bộ Công thương để xin giấy phép trong khi vấn đề này nên giao cho các sở Công thương của địa phương là được”.
Ông Trần Trung Nhật cũng đặt câu hỏi, không biết doanh nghiệp đi kinh doanh gas hay cơ quan soạn thảo đi kinh doanh? Khi được Thứ trưởng Trần Quốc Khánh hỏi về việc đã bao giờ có đóng góp ý kiến khi Dự thảo Nghị định 19 được lấy ý kiến hay chưa, ông Nhật cho biết, đã gửi văn bản góp ý tới Sở Công thương Tây Ninh, còn văn bản góp ý có lên tới Bộ không thì không biết!
Tuy nhiên, con số 10.000 thương nhân đang kinh doanh gas tại Việt Nam cũng khiến nhiều người không khỏi giật mình khi được so sánh với 44 thương nhân có ý kiến. Cho biết có 44 thương nhân có ý kiến trên tổng số 10.000 thương nhân kinh doanh mặt hàng này, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhận xét, bối cảnh ra đời của Nghị định 19 có dựa nhiều vào thực tiễn và cũng đã nhận được yêu cầu của Hiệp hội kinh doanh Gas trong việc có nhiều mặt hàng gas giả, nhiều doanh nghiệp đầu tư không bài bản, lấn át doanh nghiệp nghiêm túc.
“Trước khi được ban hành, Dự thảo Nghị định 19 có 60 ngày được đăng trên website của Chính phủ để lấy ý kiến nhưng không thấy có các ý kiến góp ý. Sau khi được ban hành, Nghị định 19 lại có thêm 49 ngày mới có hiệu lực nhưng cũng không thấy ai góp ý kiến”, bà Nga nói.
Chia sẻ thực tế làm luật với cụ thể là mặt hàng khí, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho hay, thực ra Nghị định 107/2009/NĐ-CP trước đó còn quy định ngặt nghèo hơn Nghị định 19/2016/NĐ-CP hiện nay. Với mong muốn thiết lập trật tự trên thị trường kinh doanh khí, ý tưởng của các đơn vị soạn thảo là không sai, nhưng có thể các quy định gây ra tác dụng phụ hạn chế kinh doanh của doanh nghiệp. “Xin đừng nghĩ người soạn thảo nghị định có ý tưởng bóp doanh nghiệp để hạn chế kinh doanh”, ông Khánh nói.
Quy định quy mô không khuyến khích khởi nghiệp
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Trưởng Ban Tư vấn & Phản biện chính sách Hội các nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương đang đặt ra những quy định về quy mô, số lượng ở nhiều ngành nghề khiến cho không ít doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia được thị trường. Không chỉ ngành ô tô hay khí gas, lĩnh vực khác như gạo, phân bón, xăng dầu… cũng đặt ra những yêu cầu tương tự, khiến không ít doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia.
“Kinh doanh ở quy mô nào là do doanh nghiệp tự quyết định. Đơn cử như xuất khẩu gạo, có những doanh nghiệp làm gạo hữu cơ thì quy mô sản xuất nhỏ nhưng nếu đủ điều kiện về tiêu chuẩn, môi trường thì họ vẫn phải được xuất khẩu chứ không phải khó tham gia vì hạn chế quy mô sản lượng”, ông Đức nói.
Đó cũng là chưa kể khi đặt ra những quy mô cụ thể sẽ dẫn tới thực tế có những địa phương do điều kiện dân số, địa lý không thể đạt được các quy mô yêu cầu như quy định, nếu đầu tư cho đủ thì rất lãng phí, tốn kém trong khi nhu cầu thực tế tại địa bàn không cần lớn vậy.
Thừa nhận vấn đề này, Thứ trưởng Khánh cho hay, nếu còn quy định những điều kiện mang tính quy mô như vậy sẽ không bao giờ có những con người startup. Sẽ không có những cô cậu sinh viên giỏi marketing, biết tính toán, biết đi thuê cơ sở chiết nạp, thuê bình, thuê người bán hàng, còn mình làm marketing và vận hành để thu lợi.
Kêu gọi doanh nghiệp tham gia nhiệt tình vào công tác soạn thảo văn bản để có những quy định hợp lý, ông Khánh cũng cho hay, tâm của người soạn thảo không có ý gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Chúng tôi đã kiểm tra vấn đề này. Mục tiêu là bảo đảm thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng đồng thời phải bảo đảm thị trường ổn định, an toàn cho người tiêu dùng. Có thể vì nhiều mục tiêu cùng lúc và khi soạn thảo lại thiên về mục tiêu khác nhiều hơn nên có những doanh nghiệp gặp khó khăn. Với trường hợp Nghị định 19, Bộ đã nhận thấy vấn đề này qua các ý kiến của doanh nghiệp nên khi sửa Nghị định 19 sẽ cân bằng lại", ông Khánh cho biết.