Thứ trưởng Bộ Công thương: Biết rằng doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất bức xúc, nhưng không phải là lúc đôi co đấu khẩu

Thứ trưởng Bộ Công thương: Biết rằng doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất bức xúc, nhưng không phải là lúc đôi co đấu khẩu

(ĐTCK) “Tôi biết các doanh nghiệp đang rất bức xúc về vấn đề xuất khẩu gạo thời gian qua, nhưng bây giờ không phải lúc đôi co đấu khẩu, hãy nhìn về phía trước, đưa ra phương án xử lý".

Đó là ý kiến của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ công thương đưa ra trong cuộc họp với doanh nghiệp, hiệp hội và bộ, ngành về điều hành xuất khẩu gạo diễn ra sáng nay (ngày 22/4) tại TP.HCM.

Muốn hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường...

Phát biểu tại cuộc họp, ông Khánh cho rằng, vấn đề cần xử lý bây giờ là trong tháng 5/2020 sẽ xuất khẩu gạo như thế nào? Vấn đề này, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp phải bàn để trình Chính phủ, bởi Chính phủ cũng chưa quyết định tháng 5 sẽ xuất theo hạn ngạch.

"Chúng ta sẵn sàng xuất khẩu bình thường, nhưng phải nêu ra được lý do vì sao và muốn thế, lại phải quay lại các lý do khiến chúng ta đưa ra quyết định hạn chế xuất khẩu vào cuối tháng 3/2020”, ông Khánh nói. 

Trong khi đó, theo đại diện tỉnh Long An, việc xuất 400.000 tấn theo hạn ngạch tháng 4/2020 có vi phạm, hay lỗi gì, ở đâu và do ai thì sẽ do Thanh tra làm rõ, còn cái quan tâm hiện nay là các bên nên bàn giải pháp nguồn cung, an ninh lương thực và lượng tồn kho trước mắt.

"Hiện tại, gạo nếp đã được xuất không tính hạn ngạch, còn gạo tẻ có nên xuất bình thường hay không?", đại diện tỉnh Long An đặt câu hỏi và cho biết, hiện giờ chúng ta đã cơ bản đảm bảo an ninh lương thực, nên có thể cho xuất khẩu gạo bình thường.

Mọi người đề nghị cho xuất khẩu bình thường, nhưng phải nêu lý do tại sao, nhìn vào những lý do chúng ta hạn chế xuất khẩu, thì bây giờ còn đúng hay không?   

- Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh

Theo vị này, từ đầu năm, việc xuất khẩu gạo diễn ra bình thường và nên để mọi như thế.  Trong 1 tháng qua, tình hình xuất khẩu gạo không bình thường, nên thị trường mới trở lên lộn xộn.

"Về an ninh lương thực, chúng ta cần bao nhiều giao cho từng địa phương mua vào kho tích trữ để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực quốc gia, phân bổ cho từng đia phương và mỗi địa phương phải chịu trách nhiệm về số lượng gạo dự trữ này", đại diện tỉnh Long An nói.

Kiến nghị với các bộ, ngành về lượng gạo đang còn tồn của các doanh nghiệp đã ký hợp đồng, đại diện tỉnh Long An đề xuất, cho doanh nghiệp được xuất hết, đặc biệt là gạo nếp, vì nếp chủ yếu sản xuất để xuất khẩu, thị trường trong nước không tiêu thụ nhiều nếp.

“Chúng ta đã từng rất vất vả đi tìm thị trường tiêu thụ lúa gạo, bây giờ thị trường có nhu cầu lại đặt ra vấn đề hạn ngạch?", đại diện tỉnh có lương gạo nếp xuất khẩu lớn nhất nước đặt câu hỏi.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cho rằng, sau khi dừng xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp cũng đã báo cáo về các đơn hàng đã ký về lượng hàng tổn kho, lượng lúa gạo chờ thu hoạch… những số liệu cũng đã cho thấy chúng ta có đủ lượng gạo dự trữ cho an ninh lương thực trong khi vẫn tiếp tục xuất khẩu được. Vấn đề bây giờ là giải quyết cho các doanh nghiệp xong hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4 và tiếp tục bàn hạn ngạch 100.000 tấn trong tháng 5 và tháng 6.

“Trong khi các doanh nghiệp cũng như nhiều bộ, ngành phải vất vả xúc tiến thương mại tìm nguồn ra cho xuất khẩu gạo, thì nay chúng ta lại cấm. Tất nhiên, an ninh lương thực quốc gia là vấn đề quan trọng phải có dự trữ, nhưng phải cân đối lại lượng hàng đang tồn kho của doanh nghiệp các hợp đồng đã ký, chứ không xuất khẩu được là chi phí rất lớn và doanh nghiệp sẽ phải gánh”, đại diện doanh nghiệp trên nói.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tháng 5/2020, hạn ngạch xuất khẩu chỉ có 100.000 tấn, nhưng lại dành cho các đơn xuất khẩu đã giải ngân, còn hàng đang tồn đọng trong kho không biết giải quyết như thế nào.

Hiệp hội kiến nghị, không nên áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo, mà nên để doanh nghiệp đã đăng ký xuất khẩu gạo làm theo Nghị định 107 và yêu cầu dự trữ quốc gia nên tăng lên 10 - 15% cho mỗi doanh nghiệp xuất khẩu. Chính phủ và Bộ Công thương có thể đi kiểm tra đột xuất bất kỳ doanh nghiệp nào về lượng dự trữ này. 

... Phải nêu được lý do 

 Tại cuộc họp, trao đổi một nữa với các doanh nghiệp cũng như Hiệp hội và các tỉnh, thành về quyết định ngừng xuất khẩu gạo trong tháng 3/2020, Thứ trưởng Bộ Công thương giải thích, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước có những lúc buộc phải ra những quyết định có khả năng gây ra tác động tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Kể từ khi có dịch bệnh, đã có khá nhiều quyết định tình huống như vậy, như dừng lưu thông qua cửa khẩu, dừng khai thác bay nội địa, quốc tế, giãn cách xã hội, dừng lưu thông các tỉnh, cũng có tác động nhiều đến các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng đó là những quyết định cần thiết để đảm bảo an toàn cho tất cả người dân.

Cũng như vậy, quyết định sử dụng hạn ngạch trong xuất khẩu gạo cũng sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp phải cùng chung tay với Chính phủ để đảm bảo an ninh lương thực. Tất cả các ngành hàng khi thực hiện quyết định mới trong bối cảnh dịch bệnh đều bị thiệt hại nghiêm trọng không kém gì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

“Trong quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo, Bộ Công thương thừa nhận trách nhiệm với nhân dân trong điều hành công tác này có chuyện này chuyện khác, các bộ ngành khác cũng vậy. Tuy nhiên, các đồng chí cũng phải thông cảm trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta mới có quyết định ngừng xuất khẩu. Hơn 10 năm qua, chúng ta chưa có quyết định nào như vậy”, ông Khánh phân trần và nói rằng, những vấn đề vướng mắc doanh nghiệp nêu, Chính phủ đã có những quyết định kịp thời để xử lý, còn bây giờ cũng ta phải bàn xử lý các vấn tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ công thương cho biết, đối với lượng hạn ngạch còn của tháng 4/2020, ngày 22/4, ông đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Hải quan thống kê toàn bộ số hàng đang tồn tại ngoài cảng đưa vào cảng ngày nào, có xác nhận của doanh nghiệp, của cảng, của hải quan, trên cơ sở đó 100.000 tấn xuất khẩu sẽ ưu tiên những doanh nghiệp đã vào cảng trước 24/3.

Tiếp theo là thống kê toàn bộ các tờ khai hải quan có biểu hiện khai khống xí chỗ, nếu xác nhận khai khống giữ chỗ, sẽ bị thu hồi, bổ ngân trở lại tổng hạn ngạch xuất khẩu tháng 4/2020 để xả hết các lô hàng tồn tại cảng theo thứ tự.

Ngoài ra, gạo nếp không tính theo hạn ngạch tháng 4 sẽ lấy toàn bộ số lượng thực khai đã mở trên web cộng ngược trở lại số lượng xuất khẩu tổng để ưu tiên giải quyết cho các lô hàng đã ở cảng .

“Mọi người đề nghị cho xuất khẩu bình thường, nhưng phải nêu lý do tại sao, nhìn vào những lý do chúng ta hạn chế xuất khẩu, thì bây giờ còn đúng hay không? Chẳng hạn, thời điểm cuối tháng 3/2020, chúng ta biết chỉ còn 1,5 triệu tấn gạo cho 3 tháng tiếp theo và nguy cơ ảnh hưởng an ninh lương thực rất rõ, còn bây giờ chúng ta còn 1,9 triệu tấn và chỉ còn 1,5 tháng nữa để bước vào vụ thu hoạch mới. Tâm lý người dân cuối tháng 3 và cuối tháng 4 cũng thay đổi họ còn lo lắng tích trữ không?... “, ông Khánh đặt vấn đề.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, nếu những lý do để quyết định xuất khẩu theo hạn ngạch không còn đúng, thì tổng hợp để báo cáo Chính phủ.

Cụ thể, các tỉnh, thành cần phải tổng hợp số liệu, cho ý kiến về sản lượng thu hoạch lúa gạo vụ đông xuân năm 2020, sản lượng lúa gạo còn tồn và kiến nghị phương án điều hành xuất khẩu kinh doanh xuất nhập khẩu lúa gạo năm 2020.

Về phía các doanh nghiệp, phải báo cáo tình hình xuất khẩu thực tế, cũng như hàng tồn chưa được mở tờ khai hải quan, các doanh nghiệp cũng đưa ra kiến nghị với Chính phủ, cũng như Bộ Công thương về cơ chế điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5/2020.

Về phía đại diện cơ quan tham gia điều hành xuất khẩu gạo như Bộ Tài chính, hải quan, nông nghiệp, đề nghị báo cáo các thông tin trong lĩnh vực phụ trách như sản lượng cung cầu và tình hình làm thủ tục hải quan, làm đăng ký tờ khai, tình hình gạo tồn đọng… Và đề xuất xây dựng phương án điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5/2020.

"Cần thống nhất lượng gạo tồn tại cảng"

Ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Từ trước đến nay, chúng tôi vẫn là đơn vị đầu tiên mà doanh nghiệp trút cơn thịnh nộ. Nhưng vấn đề cần làm rõ, báo cáo về lượng gạo tồn tại cảng của Hiệp hội Lương thực, Bộ Công thương không thống nhất. Hôm thì 144.000 tấn, hôm thì 300.000 tấn, hôm qua lại báo là 173.000 tấn.

Bây giờ chúng tôi phải dựa vào số liệu nào? Đề nghị Hiệp hội Lương thực nhanh chóng cung cấp chính xác số lượng gạo tồn kho.

Về tạm ứng hạn ngạch 100.000 tấn, chúng tôi cũng để xuất áp dụng ngay từ bây giờ, thay vì đợi đến 1/5. Còn tình trạng tờ khai, chiều nay (22/4), muộn nhất là sáng mai (ngày 23/4) sẽ giải quyết cho các doanh nghiệp nào đã có mà không xuất.

Tin bài liên quan