Những người ở vùng ngũ Quảng, vì nhiều mục đích khác nhau, xuôi về phương Nam để tìm phương kế sống, đã đặt chân đến vùng Rạch Giá ngày nay. Họ thấy nơi ven biển có 2 con rạch ăn thông với nhau và chạy gần như song song ôm lấy một cù lao rồi trổ ra biển.
Vì là vùng cửa sông, nên trên cù lao mọc nhiều cây giá (một loại thực vật thân gỗ cùng họ với mắm, đước). Thấy mặt đặt tên, những người đến trước đã đặt tên cho khu vực này là Cù Lao giá, con rạch bám riết cù lao là Rạch cây giá. Lâu dần để thuận lợi trong giao tiếp, con cháu sau này mới chính thức đặt tên cho mảnh đất ấy là Rạch Giá, còn những thày Nho quen dùng từ Hán gọi là Giá Khê.
Tên gọi Rạch Giá rất đơn giản và đậm chất dân gian Nam Bộ. Về sau, dân cư nơi này sinh sống ngày càng đông đúc, phát triển thành chợ, thành phố, thành thị tư và Rạch Giá trở thành trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh Rạch Giá, sau này là tỉnh Kiên Giang. Nhà văn Sơn Nam, người con của quê hương Rạch Giá đã từng phát biểu: “Xứ quê của tôi là con rạch, mà nơi cửa biển mọc nhiều cây giá nguyên sinh. Cây giá giờ đã biến mất, nhưng đã để lại một địa danh, một thành phố hiện đại - Rạch Giá”.