Nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng do TTCK đi xuống

Nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng do TTCK đi xuống

Thu thuế chứng khoán: Tính cua trong lỗ?

Qua phương tiện thông tin đại chúng, một vài quan chức của Bộ Tài chính khẳng định, vẫn triển khai thu thuế chứng khoán kể từ ngày 1/1/2009. Thông tin này thể hiện quan điểm cứng rắn của cơ quan quản lý trong việc "tận thu" thuế chứng khoán. Nhưng hãy thử xem nguồn thu này có thật sự đáng kể trong thời điểm hiện nay hay không?

Thống kê từ trang web của Sở GDCK TP. HCM và TTGDCK Hà Nội, tổng giá trị giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết (cả giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận) ở hai sàn giao dịch trong năm 2007 là 286.557 tỷ đồng và từ 1/1/2008 đến 21/11/2008 là 170.072 tỷ đồng. Nếu tính thuế 0,1% trên giá trị giao dịch với giả định là toàn bộ các giao dịch thuộc về nhà đầu tư cá nhân và thuế thu nhập với chứng khoán áp dụng từ 1/1/2007 thì cơ quan thuế có thể thu về cho ngân sách 286,5 tỷ đồng trong năm 2007 và 170 tỷ đồng trong năm 2008 (tính đến 20/11/2008).

Tuy nhiên, giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân chỉ là một phần của thị trường và có một số nhà đầu tư cá nhân thua lỗ áp dụng phương pháp tính thuế 20% lợi nhuận kinh doanh chứng khoán, nên số thuế thu về cho ngân sách sẽ nhỏ hơn rất nhiều hai con số nêu trên.

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước có nhiều khó khăn và kinh tế thế giới đang suy thoái, những người lạc quan nhất cũng không dám hy vọng giá trị giao dịch của thị trường năm 2009 sẽ đạt tương đương hoặc hơn năm 2007. Vì vậy, khoản thu cho ngân sách từ thuế chứng khoán trong năm 2009 còn thấp hơn nữa.

Về nguồn thu thuế kinh doanh chứng khoán trên thị trường OTC, do số liệu trên thị trường OTC không được thống kê nên khó có thể đưa ra một con số chính xác về tổng giá trị giao dịch. Nhưng theo tình hình năm 2008, thị trường OTC đóng băng, tính thanh khoản chỉ có ở một số cổ phiếu ngân hàng và một số cổ phiếu chuẩn bị niêm yết, nên giá trị giao dịch OTC có thể nói là không lớn, số thu ngân sách từ thị trường này là không đáng kể.

Cộng lại số thu ngân sách từ hai thị trường niêm yết và OTC, con số lạc quan nhất cũng chỉ vào khoảng vài trăm tỷ đồng. Con số này chỉ là muối bỏ bể so khoản thu từ việc cổ phần hóa Vietcombank.

Hiện tại, thời điểm áp dụng thuế thu nhập cá nhân với chứng khoán đang đến gần. Thái độ tiêu cực đối với luật thuế này đã và đang được thể hiện một cách công khai hay ngấm ngầm. Nhiều công ty niêm yết chạy đua theo trào lưu trả cổ tức sớm trong năm 2008 để tránh thuế cho cổ đông. Một bộ phận nhà đầu tư cá nhân hình thành tâm lý chờ thời điểm thích hợp bán hết cổ phiếu trước ngày 1/1/2009 nhằm "chạy" thuế, chuyển vốn sang những kênh đầu tư khác… Nếu các nhà đầu tư quay lưng lại với thị trường chứng khoán như giai đoạn 2002 - 2005 thì khả năng thành công của các đợt cổ phần hóa trong thời gian tới như Vietinbank, MobiFone... là rất nhỏ. Tổn thất do không bán được cổ phần của những doanh nghiệp này hoặc bán được với giá thấp so với khoản thu thuế từ kinh doanh chứng khoán chắc hẳn bạn đọc biết rõ bên nặng, bên nhẹ.