Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ngươi dân cắt giảm chi tiêu...

Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ngươi dân cắt giảm chi tiêu...

Thu thuế bằng cổ phiếu: Không dễ!

(ĐTCK) Sau khi ĐTCK đã đăng tải bài báo "Thu thuế bằng cổ phiếu: Lối thoát thời khó khăn", toà soạn đã nhận được phản hồi từ nhiều độc giả đề nghị thông tin thêm về vấn đề này. Đồng thời, theo nguồn tin của ĐTCK, vấn đề nộp thuế bằng cổ phiếu mới chỉ dừng lại dưới góc độ những đánh giá của đoàn khảo sát Việt Nam tại Công ty Kamco (Hàn Quốc); các cơ quan quản lý chưa có bất cứ một động thái nào về việc ban hành các cơ chế chính sách liên quan như một số cơ quan truyền thông đã đề cập.

Đánh giá của một thành viên đoàn khảo sát cũng cho rằng, đây là một kinh nghiệm không dễ áp dụng tại Việt Nam, bởi không chỉ vướng về chính sách, mà cơ sở hạ tầng của cơ quan hành thu cũng như đối tượng nộp thuế rất khó đáp ứng hình thức thu thuế này. Đánh giá trên cũng trùng hợp với những ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp mà chúng tôi có dịp trao đổi.

Ông Lê Hồng Phúc, Trưởng đại diện Công ty Luật hợp danh Luật Việt tại Hà Nội

Về nguyên tắc, đứng ở góc độ pháp lý mà nói, Luật Quản lý thuế hiện hành được thiết kế và ban hành là để áp dụng chung cho các loại thuế (ví dụ: thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu…) mà doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách nhà nước. Các luật thuế hiện hành, ví dụ Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất nhập khẩu được thiết kế và thông qua là để điều chỉnh về chính sách thuế áp dụng cho đối tượng nộp thuế là các doanh nghiệp.

Do đó, nếu Chính phủ muốn triển khai thực hiện chương trình cải cách thuế cho phép doanh nghiệp được nộp thuế bằng đồng Việt Nam hoặc bằng cổ phiếu của doanh nghiệp thì về nguyên tắc, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế (không cần sửa đổi, bổ sung các luật thuế nói trên) vì luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế (doanh nghiệp) cũng như quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Việc sửa đổi, bổ sung này phải được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, thông qua và Chính phủ phải giải trình với Quốc hội về sự cần thiết của việc mở rộng hình thức nộp thuế so với quy định hiện hành. Chỉ khi được Quốc hội thông qua cho phép doanh nghiệp được nộp thuế bằng cổ phiếu thì mới có thể có căn cứ pháp lý để hiện thực hóa chính sách này. Nếu luật hiện hành chưa quy định thì không có căn cứ để thực hiện chương trình này, kể cả thực hiện thí điểm.

Về mặt kinh tế, có thể áp dụng được kế hoạch này, nhưng đây là vấn đề quá mới và tương đối nhạy cảm nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của những nước có điều kiện kinh tế - xã hội gần giống Việt Nam và họ đã cho phép nộp thuế bằng cổ phiếu.

Tôi cho rằng, nếu chỉ tham khảo mô hình của Hàn Quốc thì chưa đủ, vì Hàn Quốc có rất nhiều điểm khác biệt với Việt Nam. Sau khi đã nghiên cứu kỹ thông qua việc phân tích chi phí và lợi ích (cost and benefit analysis) của chương trình này và kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu áp dụng chương trình này sẽ giải được nhiều bài toán kinh tế thì cơ quan chủ quản (Bộ Tài chính) trình Chính phủ để luật hóa chương trình này.

Khi áp dụng cũng phải vừa làm, vừa điều chỉnh kịp thời trên cơ sở khoanh vùng các doanh nghiệp để cho phép áp dụng theo lộ trình cụ thể và khoa học theo nguyên tắc cho phép các doanh nghiệp có hệ thống báo cáo tài chính minh bạch, các công ty niêm yết và có hệ thống quản trị tốt được áp dụng trước. Sau đó, mới cho phép áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.

Như trên đã phân tích, phải có một nghiên cứu kinh tế khoa học và nghiêm túc thì mới có thể đưa ra nhận định là chương trình cho phép doanh nghiệp được nộp thuế bằng cổ phiếu có thực sự là giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp (đối tượng nộp thuế) và ngân sách nhà nước hay không?

Ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NHQuang&Cộng sự

Ngay cả khi đây là mô hình thí điểm thì cũng khó có thể áp dụng vào thực tiễn. Bởi lẽ, dù cổ phiếu có đem lại lợi nhuận cao nhưng vẫn được coi là một dòng tiền rủi ro, ngân sách nhà nước không thể thu bằng một yếu tố rủi ro như thế, mà chỉ nên thu bằng tiền mặt. Nếu là thí điểm thì phải chọn mẫu (dựa trên nhiều đối tượng khác nhau như doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp không hiệu quả, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vùng sâu, doanh nghiệp đồng bằng…) để biết có thể áp dụng cho đại trà hay không, chứ không thể chỉ chọn khối doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả được. Hơn thế, tính hiệu quả của doanh nghiệp sẽ được hiểu thế nào khi khả năng minh bạch, trung thực trong công bố thông tin tại doanh nghiệp hiện còn hạn chế.

Vẫn biết kế hoạch này sẽ giúp doanh nghiệp không mất đi một lượng tiền mặt để có thể sử dụng lượng tiền đó trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Nhà nước sẽ trở thành cổ đông của doanh nghiệp, nhưng liệu về lâu dài có trái với chủ trương Nhà nước nắm giữ nhiều vốn tại các công ty cổ phần hay không?

Nếu coi khủng hoảng kinh tế là một cuộc chiến tranh thì theo tôi, biện pháp hữu hiệu nhất là nên cho phép hoãn, giãn thuế hay nộp thuế bằng nhiều đợt (theo vụ mùa, theo năm), giống như các đời vua chúa trong lịch sử thường làm sau mỗi cuộc chiến tranh bên cạnh chính sách "thắt lưng buộc bụng".

Bà Phan Vân Hà, Tổng giám đốc CTCK Artex

Nếu thu thuế bằng cổ phiếu, Nhà nước sẽ phải đối diện với nguy cơ lời ăn lỗ chịu, vì không ai dám khẳng định chắc chắn doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả ngày hôm nay không thể đổ vỡ trong năm sau. Chưa kể, cổ phiếu các công ty niêm yết thì tính thanh khoản còn cao, nhiều cổ phiếu tự do, cả năm trời cũng gần như không có giao dịch thì chẳng nhẽ Nhà nước sẽ chờ… thu cổ tức! Trong khi đó, để doanh nghiệp nộp thuế theo hình thức này, vấn đề thủ tục cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp là không nhỏ.

Trước hết, doanh nghiệp phải mất thời gian làm thủ tục để tăng vốn điều lệ, sẽ là mất thời gian hơn đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết. Với cơ quan quản lý, nếu thu thuế bằng cổ phiếu, sẽ phải tốn thêm nhân sự để thu thuế, quản lý và chuyển thành tiền… Đâu phải chỉ có một vài doanh nghiệp, chúng ta có tới hàng trăm ngàn doanh nghiệp, nên vấn đề quản lý sẽ không hề đơn giản. Chúng ta không thể chắc chắn rằng, việc thu thuế doanh nghiệp bằng cổ phiếu sẽ không khiến bộ máy Nhà nước thêm cồng kềnh, trong khi cái chúng ta đang cần là nâng cao tính hiệu quả!

Thứ hai, nếu nói rằng thu thuế bằng cổ phiếu để hỗ trợ doanh nghiệp đang trong lúc khó khăn thì đâu phải cơ quan quản lý không còn biện pháp khác! Đằng nào việc thu thuế bằng cổ phiếu cũng không tạo ra tiền mặt cho cơ quan quản lý, trong khi dự kiến chỉ áp dụng với những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì tại sao không thực hiện giãn thuế cho doanh nghiệp?

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD)

Thực hiện chương trình cải cách thuế để động viên nguồn thu cho ngân sách nhà nước là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Tuy vậy, dưới góc độ là một doanh nghiệp, tôi không ủng hộ quan điểm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách nộp thuế bằng cổ phiếu, đây là một việc khó có thể thực thi. Nếu như đây là một trong nhiều hình thức doanh nghiệp được quyền lựa chọn để đóng thuế thì có thể được. Thực tế, tại một số nước trên thế giới đã từng áp dụng phương pháp nộp thuế bằng hình thức cổ phiếu. Tuy nhiên, giá trị cổ phiếu đem đóng thuế căn cứ trên giá thị trường và toàn bộ số cổ phiếu này có thể bán chuyển đổi thành tiền, tương đương với giá trị doanh nghiệp phải đóng thuế cho Nhà nước. Nếu áp dụng nộp thuế mà lại tính theo mệnh giá thì phần nào sẽ làm pha loãng giá cổ phiếu trên thị trường. Về cách làm này, bản thân các doanh nghiệp có thị giá thấp hơn mệnh giá có thể ủng hộ, nhưng đối với các doanh nghiệp có thị giá cao hơn mệnh giá thì sẽ không ủng hộ. Hơn nữa, hiện nay, bản thân SCIC đang quản lý nguồn vốn nhà nước của hàng nghìn doanh nghiệp cũng "mệt mỏi" rồi, huống gì lại quản lý "lắt nhắt" nhóm cổ phiếu "thuế". Tóm lại, để triển khai được nghiệp vụ này đòi hỏi nhiều công sức, chi phí… mà Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm với loại hình mới này nên khả năng thành công là không cao.

Ông Ninh Văn Hiến, Giám đốc thuế, Công ty Kiểm toán KPMG

Theo tôi được biết, tại các nước, nếu doanh nghiệp nợ thuế thì nhà nước phong toả tài khoản và bán đấu giá tài sản để thu hồi.

Việc nộp thuế bằng cổ phiếu là rất phức tạp và thiếu tính khả thi. Đó là chưa kể ở Việt Nam, số lượng công ty đại chúng là rất lớn, trong đó có vài trăm công ty niêm yết, tính thanh khoản thấp nên việc chuyển đổi số cổ phiếu này rất khó khăn. Việc định giá cổ phiếu như thế nào để đảm bảo các doanh nghiệp nộp thuế bằng cổ phiếu được công bằng cũng là vấn đề không nhỏ.

Vừa rồi, nằm trong gói tài chính cứu trợ doanh nghiệp, Chính phủ Mỹ thực hiện việc rót tiền vào doanh nghiệp nhằm thanh toán các khoản nợ, trong đó có thuế nhưng đây lại là cách làm khác hẳn.

Vì những lý do trên, nên việc nộp thuế bằng cổ phiếu là không hợp lý và rất khó để thực hiện thành công.