Tuy không nêu lý do cụ thể, song nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi này là do kết quả kinh doanh sa sút của Tesco trong 3 năm qua, nhất là năm 2013, khi lợi nhuận thuần của Tesco chỉ đạt hơn 120 triệu bảng Anh (200 triệu USD), giảm tới 95,7% so với năm 2012 và là mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập đến nay (năm 1919), Tesco mới có CEO đầu tiên là người bên ngoài 100%. Từ trước đến nay, lãnh đạo Tesco đều được chọn từ những nhân viên ưu tú của Tập đoàn.
Giá cổ phiếu của Tesco tại Sở GDCK London (Anh) đã tăng ngay 1,6% trong phiên giao dịch sau đó.
Ông Richard Broadbent, Chủ tịch Tesco phát biểu, Tesco kỳ vọng ông Dave Lewis sẽ mang lại luồng sinh khí mới, điều mà ông Philip Clarke không thể làm được qua hơn 3 năm trị vì (từ tháng 3/2011).
Thực ra, cá nhân ông Philip Clarke cũng cảm thấy chạnh buồn, vì sự ra đi có phần chưa được như ý. Hơn 40 năm gắn bó với Tesco, trưởng thành từ nhân viên bán hàng, ông hình dung ra cuộc chia tay trong bối cảnh trang trọng hơn nhiều. Ông đã lên kế hoạch tổ chức bữa tiệc kỷ niệm mừng 40 năm làm việc cho Tesco dự kiến vào cuối tuần này, song sau khi có quyết định mất chức trên, ông đã huỷ cuộc vui.
Trong 3 năm lãnh đạo của ông, thị phần của Tesco ngay tại thị trường nội địa (Anh) giảm từ 30,2% xuống còn 28,9%. Kế hoạch đầu tư 1 tỷ bảng Anh vào Mỹ cũng bị đổ bể, khiến Tesco phải thoái lui khỏi thị trường này. Thêm vào đó, Tesco cũng phải rút khỏi thị trường Nhật Bản. Gần đây nhất, cuối tháng 5 vừa qua, Tesco đã phải quay về liên doanh với China Resources Enterprise (CRE -Trung Quốc) trên thế yếu. Trong Liên doanh, Tesco chỉ góp 20% vốn điều lệ, 80% vốn còn lại thuộc về CRE. Đây được coi là một bước lùi, bởi sau 10 năm có mặt tại thị trường Trung Quốc (từ năm 2004), Tesco không thể phát triển khi độc lập tác chiến, nên buộc phải liên doanh với CRE.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tesco tổ chức ngày 27/6 vừa qua, trước đề nghị của một số cổ đông yêu cầu bãi miễn chức vụ CEO, ông còn dám đối chọi lại bằng lời tuyên bố khá cứng rắn là: “Tôi sẽ không đi đâu cả”.
Song thực tế là rất nghiệt ngã. Khi CEO không đáp ứng được các chỉ tiêu đã cam kết với Ban lãnh đạo và các cổ đông, thì kết cục khó lòng có thể khác được. Ông Philip Clarke sẽ được nhận tiền đền bù là 1 năm lương cơ bản.
Còn với CEO mới, lương cơ bản sẽ là 1,25 triệu bảng Anh/năm. Do chưa hết hợp đồng với Unilever, nên hai bên cùng thoả thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà không có khoản tiền đền bù lớn; Unilever dành cho ông Dave Lewis khoản tiền chia tay hữu nghị trị giá 525.000 bảng Anh.
Ở Unilever, ông Dave Lewis cũng là thuộc dạng “cây đa, cây đề” có uy tín lớn, với bảng thành tích rất đáng nể. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Trent, Nottingham (Anh), năm 1987, ông gia nhập đội ngũ Unilever. Ông được giao nhiêm vụ tham gia vào đội phát triển sản phẩm mang tên Dove (nay đã nổi tiếng toàn cầu). Ông đã làm việc rất hăng hái, đam mê và được ghi nhận là nhân viên rất năng nổ, sáng tạo.
Trong hơn 27 năm làm việc cho Unilever, ông đã lăn lộn tại nhiều thị trường châu Âu, châu Á (Indonesia), châu Mỹ. Ông đã từng là Chủ tịch Chi nhánh Anh và Ireland; Chủ tịch Chi nhánh Mỹ và Giám đốc toàn cầu phụ trách mảng chăm sóc cá nhân.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, trên cương vị mới, bất kể thành tích trước đây của ông ra sao, thì nay ông phải vừa làm vừa học và không được phép mắc sai sót lớn. Đây là thách thức rất lớn với ông. Có 2 trường hợp tương tự đã đều không thành công, khi đang làm quản lý hàng tiêu dùng chuyển sang quản lý mạng lưới bán lẻ tầm cỡ toàn cầu.
Đó là ông Lars Olofsson, quốc tịch Thuỵ Điển, nguyên Giám đốc Marketing của Tập đoàn Nestlé (Thuỵ Sỹ) chuyển sang làm quản lý cao cấp cho Carrefour, tập đoàn quản lý và kinh doanh chuỗi siêu thị lớn thứ 3 thế giới của Pháp và đang bị sa lầy. Còn ông Marc Bolland, từng là Chủ tịch Hãng bia Heineken (Hà Lan), nhưng cũng chưa gặt hái thành công đáng kể nào ở Marks & Spencer, đối thủ lớn của Tesco ở Anh.
Tesco hiện có gần 600.000 nhân viên làm việc tại 6.784 cửa hàng, siêu thị tại 12 quốc gia ở châu Âu, châu Á, trong đó có Thái Lan, Malaysia.