Trên sàn, nhà đầu tư bàn luận đến việc Deutsche Bank tái cấu trúc các mảng hoạt động, cắt giảm nhân sự. Cụ thể, nhà băng lớn nhất châu Âu này sẽ rút hoàn toàn khỏi mảng thị trường cổ phiếu toàn cầu, đồng thời giảm dần lượng vốn dành cho thị trường trái phiếu khoảng 40% so với mức hiện tại. Mảng thị trường cổ phiếu toàn cầu sẽ được tiếp quản bởi Tập đoàn BNP Paribas của Pháp.
Thứ hai, Deutsche Bank sẽ hình thành đơn vị ngân hàng doanh nghiệp để phục vụ các doanh nghiệp, sa thải 18.000 nhân viên. Thứ ba, tiếp tục củng cố mở rộng mảng ngân hàng tư nhân, đặc biệt là dịch vụ quản lý tài sản cho khách hàng cá nhân tại khu vực châu Á. Thứ tư, thúc đẩy phát triển mảng quản lý quỹ DWS với mục tiêu lọt vào Top 10 công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới.
Cùng với đó, việc Morgan Stanley hạ tỷ trọng đầu tư vào chứng khoán xuống thấp nhất 5 năm đã tạo ra lo ngại cho giới đầu tư về tình hình của thị trường tài chính toàn cầu. Các hoạt động tái cơ cấu này có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế giới trong ngắn hạn và Việt Nam không là ngoại lệ.
Trong ngày đầu tiên đón nhận những thông tin không lấy làm tích cực kể trên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm điểm theo xu thế chung của thị trường châu Á, nhất là khi các luồng tin bất lợi liên tục xuất hiện, như những dự báo giá vàng có thể lên 2.000 USD/ounce vào cuối năm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương có xu hướng chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng để đối phó với bất ổn kinh tế.
Trong bối cảnh trên, một số thông tin tích cực về các doanh nghiệp niêm yết đang bị lu mờ. Chẳng hạn, Hoàng Anh Gia Lai và Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh thanh toán được các khoản trái phiếu trước hạn hàng nghìn tỷ đồng hay Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) công bố kết quả kinh doanh quý II khả quan.
Theo bảng ước tính xu hướng lợi nhuận quý II/2019 từ SSI Institutional Research với 25 công ty trong danh sách theo dõi, ghi nhận 19 công ty sẽ có tăng trưởng lợi nhuận tích cực bao gồm AAA, ACB, ACV, DHG, FCN, FPT, FRT, GAS, IMP, KBC, MWG, PVD, PVS, PVT, STK, TPB, VCB, VEA và VGC.
Việc DGW đạt kết quả khả quan đã giúp cổ phiếu bật tăng trở lại từ mức giá đáy hơn 20.000 đồng/cổ phiếu, trở lại mặt bằng giá của 2 tháng trước đó. Mặc dù TTCK Việt Nam không cưỡng lại được xu thế giảm chung trên TTCK châu Á, nhưng quan sát sâu hơn sẽ thấy có không ít cổ phiếu có diễn biến tương tự DGW.
Tức là giá cổ phiếu đang bật tăng trở lại khi chạm đáy nhờ kết quả kinh doanh khả quan hay có thông tin tốt về triển vọng kinh doanh. Những cái tên có thể kể tới như MWG, KBC, FPT, TNG... Theo giới phân tích, kịch bản này có thể lặp lại với một số cổ phiếu khác mà đồ thị giá đang cho thấy tín hiệu sắp chạm đáy hỗ trợ mạnh nhất sau quá trình đi xuống trong 3 tháng qua.
Thị trường chứng khoán chịu thêm nhiều áp lực, cũng là lúc thử sức chịu đựng tâm lý của nhà đầu tư, tạo cơ hội cho những nhà đầu tư biết kết hợp cả hai trường phái phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản để ra quyết định đúng thời điểm.