Luật sư Trần Minh Hải

Luật sư Trần Minh Hải

Thu tài sản đảm bảo: Luật pháp vẫn bảo vệ… con nợ

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, hệ thống pháp luật, các cơ quan quản lý hành chính vẫn còn theo tư duy bảo vệ con nợ. Có vay có trả là nguyên lý công bằng, nhưng trong con mắt của cộng đồng, chúng ta vẫn có yếu tố bênh vực những người sa cơ lỡ vận, trước hình ảnh ngân hàng lắm tiền nhiều của.

Thông tư liên tịch số 16/2014 được đánh giá là bước đột phá trong hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Thông tư 16 là thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên môi trường và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm. Thông tư quy định cách thức xử lý nhiều loại tài sản bảo đảm khác nhau, xử lý tài sản là bất động sản, động sản, tài sản hình thành trong tương lai.

Với mỗi dạng tài sản, Thông tư đều hướng dẫn chi tiết các thủ tục cần thiết, chẳng hạn như khi bên nhận thế chấp quyết định xử lý tài sản bảo đảm thì gửi thông báo đến chính quyền địa phương trước khi tiến hành, quy định quyền của bên nhận tài sản khi xử lý như lập phương án, thu giữ tài sản như thế nào.

Tinh thần của thông tư này là đề ra thủ tục cần thiết và trình tự cho việc thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm, quy định một số trách nhiệm của cơ quan liên quan như UBND phường, xã, nơi cư trú, trách nhiệm tổ chức cá nhân liên quan trong việc xử lý tài sản bảo đảm.

Thực ra, trước khi Thông tư liên tịch số 16/2014 được ban hành, các ngân hàng cũng đã làm theo trình tự tương tự như gửi thông báo đến cơ quan địa phương trước khi xử lý. Nhưng với thông tư này, một số vấn đề được quy định cụ thể hơn như thời hạn tiến hành từng bước hay quy định liên quan đến các công việc quản lý hành chính Nhà nước và quyền lợi bên nhận tài sản.

Trường hợp đất đai bị thu hồi thì có tính đến quyền lợi của bên nhận tài sản bảo đảm, quy định bên giải phóng mặt bằng, tổ hỗ trợ giải phóng mặt bằng có trách nhiệm liên lạc với bên nhận tài sản, xác định người thụ hưởng. Nhìn chung, đây là bước đột phá về hành lang pháp lý trong xử lý tài sản đảm bảo cho các ngân hàng. 

Dù Thông tư đã có hiệu lực, nhưng theo phản ánh của nhiều ngân hàng, việc xử lý tài sản đảm bảo vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng này?

Thông tư liên tịch số 16/2014 dù đã đưa ra các quy định về thủ tục xử lý cho từng loại tài sản đảm bảo, nhưng không mang nhiều ý nghĩa trong việc xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng. Bởi Thông tư không lường được các loại rủi ro về tài sản bảo đảm trong quá trình ngân hàng nhận và xử lý.

Ví dụ như nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho đang luân chuyển, rủi ro bất thường ở đây không phải là không bán được hàng hóa, bên thế chấp không giao hàng mà thường do số lượng giả tạo, trùng hàng, tranh chấp giữa ngân hàng và bên bán hàng do bên thế chấp chưa thanh toán hết tiền hàng.

Thông tư không thể giải quyết được những vấn đề này. Đây lại là thực tiễn vẫn phát sinh hàng ngày và gây khó khăn cho các ngân hàng.

Với đất đai, liên quan đến bán đấu giá, trường hợp hai bên không thỏa thuận được giá bán thì khách hàng được quyền chỉ định tổ chức định giá tài sản, nếu khách hàng không chỉ định thì ngân hàng mới được quyền chỉ định và nếu sau 3 lần hạ giá vẫn không bán được thì ngân hàng được nhận tài sản đó để thay thế nghĩa vụ trả nợ.

Khi nhận chính tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ, Thông tư quy định các thủ tục để có thể tiến hành xử lý tài sản bảo đảm, như việc sang tên chủ quyền chỉ cần căn cứ hợp đồng bảo đảm và các giấy tờ liên quan. Những quy định này đã tạo thuận lợi hơn cho ngân hàng khi muốn xử lý tài sản bảo đảm.

Dù trao quyền cho ngân hàng rất rộng như vậy, nhưng Thông tư cũng đưa quy định bên nhận tài sản có hành vi gây thiệt hại thì phải bồi thường và bên chủ tài sản vẫn có nhiều quyền để bảo vệ mình.

Thực tiễn, một ngôi nhà bình thường chỉ cần có tranh chấp lúc đang làm thủ tục sang tên chủ quyền, thì khó mà giải quyết dứt điểm được, chưa nói đến tài sản bảo đảm. Bất cứ yếu tố nào cũng dẫn đến tranh chấp như xác định giá, hạ giá, chi phí xử lý tài sản bị khấu trừ…

Chỉ cần chủ tài sản không đồng ý, họ có thể gửi đơn thư khiếu nại đến các cơ quan quản lý sang tên chủ quyền bất động sản. Chủ tài sản còn có thể khởi kiện và đề nghị tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp. Chỉ đơn giản là chủ tài sản gửi đơn thư khiếu nại khắp nơi, ngân hàng đã mệt rồi. 

Theo ông, những hạn chế nào khiến cho việc xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng vẫn bị ách tắc?

Theo tôi, không phải thiếu quy định pháp lý mà là vướng mắc ở cách hiểu và vận dụng quy định pháp luật khác liên quan như quy định về hộ tịch, cư trú, sở hữu nhà, sang tên đăng ký sở hữu. Chẳng hạn, khi ngân hàng định thu giữ nhà đất thế chấp sẽ vướng quy định của pháp luật về quyền cư trú và các vấn đề liên quan. Thậm chí, còn có ý kiến cho rằng, ngân hàng quyết liệt thu giữ nhà đất thế chấp có thể là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Cho đến khi ngân hàng hoàn tất thủ tục sang tên nhà đất, theo pháp luật về hộ tịch thì bên có tài sản đang là người cư trú, hợp pháp tại chỗ ở đó và có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Vì vậy, ngân hàng muốn xử lý theo Thông tư 16 có thể bị vướng bởi các quy định nơi cư trú, hộ tịch. Đáng lẽ, có thể hiểu đơn giản rằng, nếu không có quyền tài sản thì các quyền phái sinh theo tài sản đó đương nhiên cũng mất theo.

Về quản lý hành chính Nhà nước, nếu hồ sơ sang tên chủ quyền đang có khiếu kiện, tranh chấp thì sẽ bị ách tắc và chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc chờ tới khi đơn khiếu nại được rút. 

Thông tư 16 đã cố gắng tạo hướng thoát ra cho công tác xử lý nợ cho ngân hàng nhưng có một vấn đề mà văn bản này cũng như hệ thống pháp luật, các cơ quan quản lý hành chính chưa vượt qua được. Đó là tư duy bảo vệ con nợ. Có vay có trả là nguyên lý công bằng, nhưng trong con mắt của cộng đồng, chúng ta vẫn có yếu tố bênh vực những người sa cơ lỡ vận, trước hình ảnh ngân hàng lắm tiền nhiều của. Suy nghĩ này là rào cản rất lớn cho công tác xử lý nợ.

Rào cản về khâu thực thi quản lý hành chính Nhà nước và rào cản từ tâm lý, nhận thức trái chiều của cộng đồng về các vấn đề pháp lý và kinh tế gây nhiều hạn chế tiêu cực trong xử lý tài sản bảo đảm cho ngành ngân hàng. Tất cả đều dẫn đến quá trình xử lý tài sản bảo đảm đi vào bế tắc, cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn ngân hàng dường như tồn tại sự không hành động.

Tin bài liên quan