Hạ tầng cảng biển tại TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Lê Toàn

Hạ tầng cảng biển tại TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Lê Toàn

Thu phí hạ tầng cảng biển: Doanh nghiệp bức xúc, TP.HCM nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ trước phản ứng của nhiều doanh nghiệp trước việc, từ ngày 1/4/2022, địa phương này thu phí hạ tầng cảng biển.

Việc TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển, theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đã làm gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, “ngược dòng” chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch. Liên quan vấn đề này, TP.HCM vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ.

Đi ngược chủ trương giúp doanh nghiệp phục hồi?

Từ ngày 1/4/2022, TP.HCM triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển (thu phí hạ tầng cảng biển) với tính toán mức thu trung bình sẽ đạt 8,32 tỷ đồng/ngày và 3.036 tỷ đồng trong năm 2022.

Chỉ 1 ngày sau khi triển khai, cơ quan liên quan “hân hoan” báo cáo, từ 0 giờ ngày 1/4/2022 đến 10 giờ ngày 2/4/2022 đã thu được hơn 9,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngày 4/4/2022, Ban IV có Công văn số 05 gửi Thủ tướng Chính phủ cho rằng, với khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu đi qua các cảng biển trên địa bàn TP.HCM như hiện nay, số lượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và hệ lụy từ quyết định thu phí hạ tầng của TP.HCM là đặc biệt lớn. Hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội, bao gồm cả khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước ở các tỉnh giáp ranh TP.HCM cũng đã gửi văn bản tới các cấp để phản ánh những vấn đề bất cập.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mức thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM cao, thời điểm thu phí không phù hợp làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch.

Bên cạnh đó, TP.HCM thu phí không đúng đối tượng với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, qua đó cản trở sự phát triển vận tải đường thủy nội địa, làm mất nguồn thu từ hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất và không đúng với quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đó là chưa nói, có sự chênh lệnh trong mức thu giữa việc mở tờ khai thông quan tại TP.HCM và mở tờ khai tại các tỉnh lân cận.

Sau khi tiếp nhận những phản ánh này, ngày 27/5/2022, Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND TP.HCM báo cáo về cơ sở pháp lý, đối tượng thu, mức thu… để làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

“Thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân”

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, UBND TP.HCM giải thích, việc thu phí hạ tầng cảng biển và mức thu, đối tượng thu được thực hiện theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026).

Về đối tượng thu, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TP.HCM căn cứ vào Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.

Cụ thể: “Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu (bao gồm khu vực cửa khẩu biên giới đất liền và khu vực cửa khẩu cảng biển) là khoản thu đối với các đối tượng sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu để bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ hoặc tái tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, ngày 20/5/2022, Bộ Tài chính đã đề nghị UBND TP.HCM đề xuất Hội đồng Nhân dân TP.HCM điều chỉnh mức thu phí đối với hàng hóa xuất nhập khấu mở tờ khai trong và ngoài Thành phố như nhau.

Về vấn đề này, UBND TP.HCM cho rằng, do Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND mới triển khai (từ ngày 1/4/2022), nên cần có thời gian để đánh giá đầy đủ về hiệu quả, tác động của Nghị quyết đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thế nên, theo UBND TP.HCM, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng nhập khẩu, xuất khẩu… sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM đều phải nộp phí và quy định về đối tượng nộp phí tại Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND là phù hợp quy định.

Về mức thu phí, cũng trên cơ sở của Luật Phí và lệ phí, TP.HCM không chọn phương pháp chi phí để tính mức phí, vì nếu tính theo phương pháp này, thì mức thu sẽ vượt quá khả năng đóng phí của các doanh nghiệp cũng như vượt quá mức thu đang áp dụng của TP. Hải Phòng.

TP.HCM kết hợp sử dụng phương pháp so sánh để áp dụng mức thu của TP. Hải Phòng, đồng thời căn cứ điều kiện cụ thể cùng chính sách phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM trong giai đoạn hiện nay, tham khảo mức thu phí của các địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền hoặc cửa khẩu cảng biển trong khu vực để xây dựng mức thu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM và mở tờ khai ngoài TP.HCM.

“Do đó, mức thu phí hạ tầng cảng biển theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND là phù hợp theo quy định. Cụ thể: mức thu phí xây dựng trên nguyên tắc phù hợp khả năng đóng góp của người nộp, thuận lợi cho người thu phí và người nộp phí; mức thu phí xây dựng phù hợp việc sử dụng kết cấu hạ tầng cũng như việc đóng góp các khoản phí, thuế cho ngân sách, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của TP.HCM”, báo cáo của UBND TP.HCM nêu.

Chênh lệch mức phí để giảm tải hạ tầng?

Trước những bức xúc của doanh nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về chênh lệch mức thu phí giữa hàng hóa mở tờ khai tại TP.HCM và địa phương khác, UBND TP.HCM dẫn số liệu, sản lượng hàng hóa qua cảng biển TP.HCM năm 2019 là 168,756 triệu tấn (vượt xa so với số liệu dự báo của Bộ Giao thông - Vận tải vào năm 2030 là 159,98 triệu tấn).

Đồng thời, theo Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải lập, báo cáo tháng 10/2020), dự báo lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM đến năm 2030 đạt 236,9 triệu tấn, trong đó, riêng lượng hàng container khoảng 9,14 triệu TEU.

TP.HCM cho rằng, lưu lượng hàng hóa như trên đã gây áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các khu bến cảng, vốn đã thiếu và quy mô nhỏ.

Cụ thể, tuyến giao thông đường bộ kết nối trực tiếp đến khu bến cảng Cát Lái, bến cảng Hiệp Phước vẫn chưa được cải tạo hoàn chỉnh, đồng bộ theo quy hoạch. Điều này dẫn đến vận tốc lưu thông của các loại phương tiện trên một số tuyến đường chính ra vào cảng còn chậm, đặc biệt tại các nút giao thông, vào những thời điểm lượng hàng hóa tăng hoặc khi có sự cố giao thông xảy ra.

Phần lớn cảng biển đều nằm trong khu vực nội đô (bến cảng Cát Lái, bến cảng Tân Thuận, bến cảng Hiệp Phước, bến cảng Phú Hữu, bến cảng Phước Long...). Hệ thống đường giao thông kết nối ra vào bến cảng sử dụng chung với đường đô thị (không có đường chuyên dùng), nên tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường ra vào bến cảng.

TP.HCM còn viện dẫn kết quả khảo sát của Thành phố: do tình trạng ùn tắc giao thông, 76% người dân bị lãng phí 30 phút/ngày, 13% lãng phí 2 tiếng/ngày, toàn Thành phố lãng phí khoảng 160 triệu giờ/năm. Ùn tắc giao thông gây thiệt hại về kinh tế trên 1 tỷ USD/năm cho Thành phố.

Bên cạnh đó, do hệ thống hạ tầng giao thông quá tải, hạ tầng khu vực cảng biển chưa được cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh, chưa có làn đường chuyên dụng, dẫn tới con số quay vòng xe khá thấp (xe tải là 2 chuyến/ngày và xe container là 1,5 chuyến/ngày) so với chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

Vì vậy, UBND TP.HCM lý giải, mức thu phí hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM cao hơn so với mở tờ khai tại TP.HCM nhằm mục đích để các doanh nghiệp ở địa phương khác lựa chọn vận chuyển hàng hóa đến các bến cảng biển như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Theo thống kê, trong tổng lượng hàng qua cảng biển TP.HCM hiện chỉ còn khoảng 40% là hàng hóa làm thủ tục thông quan tại TP.HCM; 5% là hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu; còn lại 55% hàng hóa thuộc các địa phương khác đã chuyển sang làm thủ tục thông quan tại các tỉnh lân cận.

Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư cho hay, cùng thời điểm gửi văn bản tới Văn phòng Chính phủ, UBND TP.HCM đồng thời chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải chuẩn bị hồ sơ để làm việc với Phó thủ tướng Lê Minh Khái về vấn đề liên quan.

Mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển quy định tại Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng Nhân dân TP.HCM:

Đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/container với container 40 feet (ft) và 2,2 triệu đồng/container với container 20 ft.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, áp dụng mức thu 500.000 đồng/container đối với container 20 ft; 1 triệu đồng/container đối với container 40 ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, áp dụng mức thu 250.000 đồng/container 20 ft; 500.000 đồng/container 40 ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

TP.HCM sẽ miễn thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Tin bài liên quan