Sau khi tạm dừng thu phí, lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương tăng đột biến
Không chậm trễ, gây thất thoát
Đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký Công văn số 9929/BTC-CST về việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tuần này.
Tiến độ triển khai công việc của Bộ Tài chính bị trễ 5 ngày so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại buổi kiểm tra Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hôm 31/7 và sau đó được cụ thể hóa tại Thông báo số 275/TB-VPCP ngày 6/8/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Tại Thông báo số 275, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc triển khai thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là hết sức cần thiết và yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 1100/VPCP-CN ngày 23/4/2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12/8/2020, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định của pháp luật có liên quan.
“Bộ nào để chậm trễ, gây thất thoát ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Thông báo số 1100, Thủ tướng đã từng chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ GTVT xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung khoản phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo đúng quy định của Luật Phí và lệ phí.
Trước đó, vào ngày 12/8, Bộ GTVT đã có Công văn số 7921/BGTVT-TC gửi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đề xuất phương án thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Trong bản đề xuất được xây dựng khá công phu, với 30 trang, gồm cả phụ lục, tài liệu tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí vào Danh mục phí, lệ phí tại Luật Phí và lệ phí.
Các nguyên tắc thu phí đường cao tốc được Bộ GTVT xác định là chỉ thu phí đối với các đường cao tốc khi đường cao tốc này nối 2 điểm mà có đường quốc lộ do ngân sách nhà nước đầu tư để người dân có quyền lựa chọn; việc thu phí được thực hiện tại trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc. Mức phí phải phù hợp với chất lượng dịch vụ, nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc.
Ngay từ giữa năm 2018, Bộ GTVT đã tiến hành nghiên cứu xây dựng Đề án Khai thác đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và nhiều lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề án này. Từ tháng 5/2020, Đề án được chính thức mở rộng với đề xuất thu phí đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên toàn bộ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, thay vì chỉ bó hẹp trong phạm vi tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Nguồn thu lớn
Tại Đề án gửi Bộ Tài chính vào ngày 12/8, Bộ GTVT cho biết, trong hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay, chỉ có tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã từng thực hiện thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc giai đoạn từ năm 2011 đến ngày 31/12/2018. Từ ngày 1/1/2019 đến nay, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã tạm dừng thu phí.
Sau khi tạm dừng thu phí, lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng đột biến, nên nhiều phương tiện vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Vận tốc trung bình lưu thông trên tuyến giảm xuống còn 60 - 70 km/h, trong khi theo thiết kế, vận tốc tối đa là 120 km/h, vận tốc trung bình khi thu phí là 100 km/h.
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam (VARSI), việc không tiếp tục tổ chức thu phí đã gây lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước, mất nguồn thu ngân sách phục vụ công tác quản lý vận hành, duy tu, bảo trì thường xuyên tuyến TP.HCM - Trung Lương, cũng như mất nguồn thu đóng góp ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong khi đó, hiện số tiền phí sử dụng đường bộ thu được hàng năm khoảng 9.000 tỷ đồng và ngân sách nhà nước cấp thêm khoảng 3.000 tỷ đồng chưa đủ đáp ứng nhu cầu bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý; không có kinh phí cho đầu tư xây dựng mới đường bộ. Với định mức bảo trì rất cao, việc bảo trì 123 km cao tốc miễn phí (thời điểm tháng 9/2019) và khoảng 200 km (sau khi tuyến La Sơn - Túy Loan đưa vào khai thác cuối năm 2020) đang là một gánh nặng lớn đối với ngân sách nhà nước.
Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, nếu tiếp tục tổ chức thu phí sử dụng đường bộ trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, số phí dự kiến thu được trong năm 2020 là 880 tỷ đồng, chi phí tổ chức thu dự kiến là 6% số phí thu được (khoảng 52,8 tỷ đồng, với giả định giữ nguyên mức phí 1.000 đồng/km/PCU, tăng trưởng doanh thu 10%/năm, dự báo trên cơ sở số thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 2014 - 2018).
Như vậy, giá trị dự kiến còn lại nộp ngân sách nhà nước tại tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 40 km là 827,2 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 20,6 tỷ đồng/km đường cao tốc/năm.
“Đối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn tham gia giao thông trên đường song hành là Quốc lộ 1 (không phải trả phí sử dụng đường cao tốc) hoặc trả thêm phí sử dụng đường cao tốc để tham gia giao thông trên đường cao tốc để được hưởng dịch vụ sử dụng đường bộ chất lượng cao hơn. Do đó, việc thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí không bị trùng với phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Bên cạnh đó, theo Bộ GTVT, nếu thực hiện thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí đối với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (64 km) và tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (40 km), hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng.
Trong tương lai, khi các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng và được triển khai thu phí, thì số thu được sẽ rất lớn. Cụ thể, nếu thực hiện thu phí trên các tuyến Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị (43 km), Mỹ Thuận - Cần Thơ (24 km), La Sơn - Túy Loan (66 km), Cam Lộ - La Sơn (102 km), dự kiến hàng năm thu thêm được tổng số phí là 4.841 tỷ đồng.
Cấn cá phí hay giá
Trong Công văn số 9929, ngoài việc “chê” phí sử dụng đường cao tốc được đề cập tại Đề án do Bộ GTVT xây dựng chưa có sự phân biệt rõ ràng với phí sử dụng đường bộ đang thu theo đầu phương tiện hiện nay; không minh bạch về thời gian thu phí để làm cơ sở xác định mức thu phí phù hợp, Bộ Tài chính cho rằng, đề xuất bổ sung phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vào Danh mục phí được nêu trong Đề án sẽ khó nhận được sự đồng thuận của người dân, cũng như các cơ quan của Quốc hội.
Bên cạnh đó, đề xuất này cũng không khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ. Lý do, cùng sử dụng dịch vụ sử dụng đường cao tốc như nhau, chủ phương tiện trả phí sẽ thấp hơn mức giá dịch vụ.
“Như vậy, việc quy định thu phí đường cao tốc hoàn vốn do Nhà nước đầu tư có thể gây khó khăn cho việc thu hút vốn đầu tư theo hình thức PPP đã được quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư”, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Bộ Tài chính nghiêng về phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thu theo cơ chế giá dịch vụ. Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, nếu triển khai theo phương án này sẽ thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ. Việc thu theo cơ chế giá dịch vụ sẽ đồng bộ về mức thu các dự án BOT liền kề; tạo thuận lợi cho việc khai thác đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo các hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn liên doanh.
Theo phân tích của Bộ Tài chính, nếu quy định thu phí, thì mức thu phí sẽ thấp hơn mức giá dịch vụ, do theo quy định tại Điều 3, Luật Phí và lệ phí, mức phí nhằm cơ bản bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ, trong khi đó, giá dịch vụ lại cho phép bù đắp chi phí và đảm bảo lợi nhuận của nhà đầu tư. Các dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam có các đoạn, tuyến đầu tư xen kẽ giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Mức thu phí/giá khác nhau sẽ dẫn đến phản ứng của chủ phương tiện. Đặc biệt là dự án đầu tư theo hình thức PPP, thì không thể đồng thời vừa thu phí (hoàn vốn Nhà nước đầu tư), vừa thu giá dịch vụ (hoàn vốn phần doanh nghiệp đầu tư).
“Việc áp dụng cơ chế giá dịch vụ còn giúp cơ quan quản lý tránh được sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp và dư luận xã hội cho rằng “phí chồng phí”, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân như hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VARSI, việc áp dụng cơ chế phí hay giá không quá quan trọng. Vấn đề là cần sớm triển khai thu phí sử dụng các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư để không tiếp tục lãng phí một nguồn lực lớn.
“Do các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đều là nguồn vốn vay, lại có thêm những tuyến đường song hành, nên cần cân nhắc phương án thu phí sử dụng đường bộ để có thêm nguồn lực trả nợ sớm và giúp điều hòa, phân bố lại giao thông tại các khu vực, tránh gây quá tải dẫn tới hư hỏng công trình. Nếu mức thu hợp lý, tổ chức thu minh bạch, nhất định người dân sẽ ủng hộ”, ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI đề xuất.
Các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, không thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí, quản lý, bảo trì từ nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ hoặc Ngân sách nhà nước:
- Đường Láng - Hoà Lạc, dài 30 km;
- Đường Hà Nội - Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới) dài 64 km;
- Đường Nội Bài - Nhật Tân, dài 15 km;
- Đường Mai Dịch - Thanh Trì (vành đai III - TP. Hà Nội), dài 28 km;
- Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dài 40 km;
- Đường Lào Cai - cầu Kim Thành (trên biên giới Việt - Trung), dài 19 km.