Nhiều địa phương diễn ra sốt đất cục bộ và có dấu hiệu làm giá từ các cò đất. Ảnh: Thành Nguyễn.

Nhiều địa phương diễn ra sốt đất cục bộ và có dấu hiệu làm giá từ các cò đất. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thủ phạm của các đợt sốt đất là giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước tình trạng sốt đất diễn ra cục bộ ở nhiều địa phương, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất nhiều giải pháp cắt sốt.

Theo HoREA, thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá - thổi giá, lợi dụng “tâm lý đám đông - hám lợi”, cài “chim mồi” giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội “đục nước béo cò”, trục lợi bất chính và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, “chống lưng” của cán bộ cơ sở.

Bên cạnh tình trạng sốt đất, còn có tình trạng giá nhà tăng vọt, mà nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm mạnh nguồn cung dự án nhà ở, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là rất thiếu căn hộ có giá vừa túi tiền (tầm trên dưới 35 triệu đồng/m2; giá căn hộ 2 phòng ngủ khoảng trên dưới 2 tỷ đồng), hoặc nhà ở thương mại giá thấp (tầm 20 - 25 triệu đồng/m2; giá căn hộ 2 phòng ngủ khoảng trên dưới 1,5 tỷ đồng), nhất là rất thiếu loại căn hộ nhà ở xã hội.

Trước tình trạng này, HoREA đã đưa ra nhiều đề xuất để hạn chế tình trạng sốt đất, tránh đầu cơ cũng như lãng phí tài nguyên đất đai, một trong số đó là cần ban hành thuế chống đầu cơ nhà, đất.

Theo đó, HoREA đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của nhà đầu tư “lướt sóng”.

Với người sở hữu nhiều nhà đất, HoREA đề xuất nguyên tắc người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh, thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu.

Với các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, theo Hiệp hội, cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý chí “găm giữ” đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai.

Ngoài ra, HoREA còn đề xuất ban hành “thuế bất động sản” theo tiêu chí đảm bảo phù hợp với thu nhập phổ biến của số đông cá nhân, hộ gia đình là người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng “thuế chồng thuế”, HoREA cho rằng, cần thay thế thu “tiền sử dụng đất” bằng “Thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở” với thuế suất rõ ràng, vừa góp phần làm giảm giá thành dẫn đến làm giảm giá bán nhà, vừa minh bạch và loại trừ cơ chế “xin-cho” hiện nay.

Với công cụ thuế, theo HoREA, Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng nhưng chưa có cơ chế để thực thi hiệu quả, nhất là việc sử dụng công cụ thuế. Bởi lẽ, khi thị trường bất động sản có biến động thì không thể chờ đến kỳ họp của Quốc hội để xem xét quyết định.

Do đó, HoREA đề nghị Quốc hội giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định thuế suất chống đầu cơ, để kịp thời xử lý và bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động.

Tin bài liên quan