Biên lãi ròng bình quân ngành ngân hàng trong quý II/2023 là 3,43%. Ảnh: Dũng Minh

Biên lãi ròng bình quân ngành ngân hàng trong quý II/2023 là 3,43%. Ảnh: Dũng Minh

Thu nhập từ lãi của các ngân hàng suy yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất liên tục hạ và tăng trưởng tín dụng khó khăn đã phản ánh rõ nét vào lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm nay.

NIM quý II/2023 giảm 1 - 1,5% so với cùng kỳ

Ông Trần Ngọc Báu, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành WiGroup cho biết, lợi nhuận sau thuế các ngân hàng trên sàn chứng khoán trong quý II/2023 đạt 50.134 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, mức độ suy giảm lợi nhuận thấp hơn so với quý liền trước.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB phân tích, tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng giảm 1,3% trong quý II/2023, cải thiện so với mức giảm 4,4% của quý I. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận sau thuế các ngân hàng giảm 2,9%, nhưng nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước ghi nhận mức tăng trưởng 18,5%, trong khi các ngân hàng thương mại tư nhân suy giảm 11,7%.

Tổng thu nhập hoạt động của toàn ngành trong quý II/2023 tăng 2,2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần và thu nhập thuần ngoài lãi tăng lần lượt 2,1% và 2,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng lần lượt 76,4% và 23,6% tổng thu nhập hoạt động. Luỹ kế 6 tháng năm 2023, tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng tăng 3,4% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 8% và thu nhập thuần ngoài lãi giảm 10,1%. Thu nhập thuần ngoài lãi suy giảm do các hoạt động chính như thu từ thẻ và mảng phân phối bảo hiểm đều suy yếu khi nhu cầu tín dụng bán lẻ giảm mạnh trong nửa đầu năm.

“Trong khi đó, chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 9,4% so với cùng kỳ, trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước giảm 18% và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng 26,4%. Điều này cũng phản ánh sự phân hoá trong chất lượng tài sản của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay. Việc chi phí trích lập dự phòng gia tăng trong 6 tháng không nằm ngoài dự báo, do áp lực nợ xấu tăng là hệ quả của tình trạng kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xuất khẩu, bán lẻ”, bà Hiền nói.

Cùng với đó, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng thương mại tiếp tục xu hướng giảm trong quý II/2023. Điều này phần nào đã được dự báo trước khi lãi suất huy động giảm, song vẫn neo ở mức cao so với trước dịch Covid-19, trong khi lãi suất cho vay liên tục giảm trong bối cảnh cầu tín dụng thấp cũng như theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính quý II/2023 các ngân hàng cho thấy, NIM giảm bình quân từ 100 - 150 điểm cơ bản (con số tuyệt đối là 1 - 1,5%) so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngân hàng có NIM giảm mạnh nhất bao gồm VPBank và Techcombank, chủ yếu do nhu cầu các mảng cho vay chủ lực như tiêu dùng hay bất động sản sụt giảm. Ở chiều ngược lại, Sacombank, VIB, SHB ghi nhận tăng trưởng trong thời gian qua, bởi thanh khoản của những ngân hàng này không quá căng thẳng, do cấu trúc danh mục cho vay tương đối lành mạnh và không chịu áp lực tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo thanh khoản.

Bóc tách thu nhập lãi thuần thì NIM toàn ngành giảm từ mức 3,59% trong quý I/2023 xuống 3,43% trong quý II/2023, do tỷ lệ lợi tức trên tài sản sinh lãi giảm, trong khi chi phí vốn huy động tăng. Mặc dù lãi suất huy động trong quý I/2023 bắt đầu giảm, nhưng vẫn chưa phản ánh vào chi phí hoạt động của ngân hàng, do độ trễ của kỳ hạn. Cùng với đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) duy trì ở mức thấp trong bối cảnh lãi suất huy động sụt giảm, khách hàng có xu hướng tối ưu dòng vốn bằng cách tìm đến kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn. Ảnh hưởng bởi hai yếu tố này đã tác động đến thu nhập lãi thuần toàn ngành.

“Mệnh lệnh” giảm lãi suất cho vay

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.

Ông Trần Ngọc Báu cho rằng, NIM trượt 4 quý của hệ thống ngân hàng có thể sẽ lập đáy vào quý III và chậm nhất là quý IV/2023, bởi tỷ lệ lợi tức trên tài sản sinh lãi nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ, trong khi chi phí vốn huy động trượt 4 quý của hệ thống tăng nhẹ hoặc đi ngang trong quý III. Thực tế, chi phí vốn bình quân của hệ thống tạo nền cao vào đầu năm 2023, nên có thể chi phí vốn hai quý cuối năm giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với năm 2022. Mặt khác, từ 1/10/2023, các ngân hàng thương mại phải giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 34% xuống 30%, điều này sẽ gây áp lực không nhỏ lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng.

“Theo quan sát của tôi, một số ngân hàng đã tiến hành cấu trúc kỳ hạn huy động trong 1 - 2 quý gần đây. Một yếu tố quan trọng khác là với bối cảnh kinh tế hiện tại, nhiều khả năng CASA của hệ thống sẽ không phục hồi mạnh, bởi CASA thặng dư đóng góp không nhỏ từ lương và tài khoản thanh toán của các doanh nghiệp”, ông Báu nói.

Bà Trần Thị Khánh Hiền kỳ vọng, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm 2023, nhờ lãi suất điều hành có thể giảm thêm một lần nữa (khoảng 0,5%/năm), đưa lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu về mức ngang bằng với đáy giai đoạn dịch Covid-19 (lần lượt là 4%/năm và 2,5%/năm), từ đó điều chỉnh lãi suất huy động trên cả thị trường 1 và 2.

Câu chuyện giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và bổ sung tiền gửi Kho bạc Nhà nước vào cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi được bà Hiền đề cập nhằm giúp các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất huy động. Lãi suất huy động giảm sẽ giảm áp lực lên chi phí vốn, từ đó giúp các ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay, nhằm kích cầu tín dụng.

Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn hiện chưa thật sự phục hồi, các doanh nghiệp còn chần chừ trong việc mở rộng sản xuất - kinh doanh do lo ngại về tăng trưởng kinh tế, cạnh tranh về thị phần tín dụng. Vì vậy, việc cạnh tranh để cho vay các doanh nghiệp tốt sẽ là cuộc đua giữa các ngân hàng. Trên cơ sở đó, những ngân hàng cung cấp lãi suất hấp dẫn do có chi phí vốn thấp hơn sẽ có lợi thế.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 14/8/2023, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 6385 gửi các tổ chức tín dụng về việc giảm lãi suất cho vay. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm). Đồng thời, báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới trước ngày 25/8/2023. Báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới trước ngày 8/1/2024.

Một số liệu đáng chú ý từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 7/2023, dư nợ tín dụng toàn ngành đạt xấp xỉ 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này chưa bằng một nửa so với con số tăng trưởng 9,4% của cùng kỳ năm ngoái, cũng như còn cách khá xa so với mục tiêu tăng 14 - 15% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho cả năm. Trong khi đó, không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng từ nay đến cuối năm nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng.

Theo đó, NIM của các ngân hàng sẽ có những biến động khác nhau như BIDV được kỳ vọng tăng trong hai quý cuối năm 2023, đạt 2,97%, trong khi Techcombank được dự báo giảm từ mức 5,5% năm 2022 về 4,4%.

Tin bài liên quan