Thu nhập khác “cứu” tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng lợi nhuận ở một số tổ chức trong quý đầu năm dựa nhiều vào các khoản lãi đột biến, thay vì hoạt động kinh doanh chính.
Vinaconex ghi nhận khoản lãi do mua rẻ công ty con 597,5 tỷ đồng vào doanh thu tài chính

Vinaconex ghi nhận khoản lãi do mua rẻ công ty con 597,5 tỷ đồng vào doanh thu tài chính

Tăng trưởng nhờ lãi đột biến

Thống kê tại hơn 1.100 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý I (không gồm các tổ chức tín dụng) cho thấy, quy mô doanh thu đã tăng 27,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 45%, một phần nhờ biên lợi nhuận cải thiện ở nhiều ngành kinh doanh.

Tuy vậy, không ít doanh nghiệp trên sàn đạt được tăng trưởng là nhờ các khoản thu nhập khác ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, chủ yếu từ các khoản thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, thoái vốn đầu tư, hay phần lãi từ mua rẻ trong các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A), mua cổ phần đạt trên tỷ lệ sở hữu chi phối.

Hãng bánh kẹo Bibica (mã BBC) lãi gần 162 tỷ đồng từ hoạt động khác, phần lớn đến từ hoạt động chuyển nhượng tài sản gồm máy móc, thiết bị, nhà xưởng đã khấu hao đến 85%. Nếu không kể khoản lãi trên, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Bibica quý I chỉ đạt 3,7 tỷ đồng, giảm 56,5% so với cùng kỳ. Giao dịch trên cũng giúp công ty sản xuất bánh kẹo này ghi nhận khoản lãi kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn.

Tương tự, tiền bồi thường khi bàn giao đất Dự án Khu công nghiệp VSIP III là động lực chính giúp Cao su Phước Hòa (mã PHR) duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong quý đầu năm. Dù doanh thu tăng 30%, nhưng biên lợi nhuận mảng cao su sụt giảm mạnh từ 22% xuống 15,6%, kéo lợi nhuận hoạt động kinh doanh giảm 15,7 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức giảm trên chỉ tương đương phần nhỏ so với khoản 289 tỷ đồng thu về từ giao dịch bàn giao đất.

Một số doanh nghiệp ghi nhận sự hồi phục ấn tượng từ hoạt động kinh doanh chính, khoản lãi đột biến tiếp tục giúp con số tài chính tăng vọt. PTSC (mã PVS) thu về 62,5 tỷ đồng từ nhượng bán tài sản cố định. Song hoạt động kinh doanh chính như cung ứng kho chứa, xử lý dầu thô, dịch vụ căn cứ cảng tăng trưởng mạnh, cùng việc tiết giảm chi phí cũng góp phần giúp PTSC báo lãi gần gấp rưỡi cùng kỳ (250 tỷ đồng).

Vinalines bán các tàu, phương tiện vận tải có nguyên giá hơn 700 tỷ đồng đã khấu hao gần hết với giá hời. Lợi nhuận khác nhờ đó vọt lên 139 tỷ đồng, góp 18% trong tổng lợi nhuận trước thuế gần 774 tỷ đồng của Tổng công ty, cao hơn mức 340 tỷ đồng cùng kỳ.

Khoản thu đột biến không phát sinh dòng tiền

Việc nhượng bán tài sản, hay thu tiền bồi thường ngoài mang về khoản lãi đột biến, còn đem về lượng tiền lớn cho các doanh nghiệp trên. Tại Cao su Phước Hoà, tổng lượng tiền và các khoản tiền gửi ngân hàng đã tăng lên gần 2.240 tỷ đồng vào cuối quý I, chiếm 36% tổng tài sản. Các kế hoạch đầu tư đề ra như góp 20% vốn vào Dự án VSIP III, hay xa hơn là Dự án Khu công nghiệp Tân Bình giai đoạn II đã sẵn nguồn lực để thực hiện.

Tuy nhiên, cũng có một số khoản lãi đột biến giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng vọt trên sổ sách, nhưng không trực tiếp phát sinh dòng tiền. Lãi từ giao dịch mua rẻ trong các thương vụ mua cổ phần xuất hiện khá nhiều trong quý vừa qua. Điểm chung của các khoản lãi đột biến này là đến từ thương vụ M&A, dẫn đến tỷ lệ sở hữu chi phối tại doanh nghiệp mục tiêu. Chênh lệch giữa giá trị tài sản thuần và giá mua tương ứng với lượng cổ phần nắm giữ tại công ty con mới được ghi nhận vào doanh thu theo quy định kế toán.

Chẳng hạn, sau giao dịch mua 60% vốn Bất động sản Phước Nguyên, bên cạnh việc hợp nhất tài sản (chủ yếu là tồn kho bất động sản) cùng nguồn vốn của công ty con mới, Nhà Khang Điền (mã KDH) còn ghi nhận thêm khoản lãi 308 tỷ đồng nhờ mua rẻ. Phần lợi nhuận này tương đương 99,4% lãi trước thuế của Công ty. Khoản đầu tư mua 72,6% vốn Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley cũng góp 1.269,7 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh của Novaland.

Trong khi đó, Vinaconex ghi nhận khoản lãi do mua rẻ công ty con 597,5 tỷ đồng vào doanh thu tài chính, chiếm gần 29% tổng doanh thu và 76% lợi nhuận trước thuế. Trong quý I, công ty này thực hiện duy nhất thương vụ mua thêm đối với 57,82 triệu cổ phiếu VCR, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinaconex ITC từ 23,47% lên 51%.

Theo báo cáo tài chính quý I, Vinaconex đã chi 1.133 tỷ đồng để mua lại số cổ phần trên, giá bình quân 19.600 đồng/cổ phiếu, qua đó nâng giá vốn khoản đầu tư lên 1.626 tỷ đồng. Giá trị hợp lý của khoản đầu tư được xác định là hơn 5.269 tỷ đồng, tính theo giá cổ phiếu VCR ngày 31/3 (khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu).

Từ ngày chốt sổ quý I, Vinaconex ITC một lần nữa trở thành công ty con của Vinaconex. Trước đó, việc từ chối tham gia đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cuối năm 2020, khi Vinaconex ITC tăng vốn điều lệ thêm 1.440 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng đã khiến Công ty không còn sở hữu chi phối Vinaconex ITC. Giá chào bán cổ phần khi đó chỉ là 10.000 đồng. Khoản lãi do mua rẻ công ty phần lớn nhờ giá vốn lượng cổ phần VCR do Vinaconex sở hữu từ trước chỉ bằng mệnh giá cổ phiếu.

Lãi từ các giao dịch mua rẻ các thương vụ M&A không phát sinh dòng tiền vào, thậm chí, để thực hiện giao dịch, doanh nghiệp còn cần chi một lượng tiền lớn. Tuy nhiên, trong tương lai, việc hợp nhất có thể hỗ trợ cho tăng trưởng lâu dài của doanh nghiệp cả về quy mô tài sản và hoạt động kinh doanh, phụ thuộc vào tiềm năng tăng trưởng của công ty con mới, hay hiệu quả sử dụng của các tài sản mà công ty con đang sở hữu, như khối tồn kho của Bất động sản Phước Nguyên hay Dự án Cát Bà - Amatina - tài sản chính của Vinaconex ITC.

Tin bài liên quan