Thu ngoài lãi làm dày lợi nhuận ngân hàng

Thu ngoài lãi làm dày lợi nhuận ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc các khoản thu nhập từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, kinh doanh chứng khoán, đầu tư chứng khoán và các hoạt động dịch vụ khác cải thiện đã góp phần tích cực vào lợi nhuận của các ngân hàng năm qua.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra ngày 10/1/2024 vừa qua, Ban lãnh đạo Vietcombank cho biết, lợi nhuận trước thuế tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm 2024, ước vượt mức kế hoạch 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2023 và dẫn đầu toàn ngành.

Để đạt được kết quả này, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank (mã VCB) cho hay, bên cạnh sự khởi sắc của hoạt động tín dụng, Ngân hàng đã tích cực cắt giảm chi phí, tiết kiệm 1.000 tỷ đồng chi phí hoạt động trong năm 2024, đồng thời nguồn thu ngoài lãi cũng gia tăng. Doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại của Vietcombank tăng 20%, hoàn thành 108% kế hoạch và chiếm thị phần 19,82% - cao nhất ngành. Doanh số thanh toán và sử dụng thẻ tăng 58%, hoàn thành 140% kế hoạch. Số lượng khách hàng mới tăng trưởng 2 con số so với năm 2023: Khách hàng tín dụng mới tăng 17%, khách hàng VCB Digibiz tăng 50%, khách hàng Priority tăng 48%...

Tại VietinBank (mã CTG), dù con số lợi nhuận cả năm 2024 chưa được tiết lộ, nhưng trước đó, đầu tháng 10/2024, ngân hàng này đã công bố các chỉ tiêu dự kiến đạt được trong năm qua như lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ là 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023; dư nợ tín dụng tăng 16,88%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%...

Tuy nhiên, không chỉ tín dụng tăng đóng góp tích cực nhất vào lợi nhuận trong năm qua của VietinBank, khoản thu ngoài lãi cũng đóng góp gần 27% tổng thu nhập hoạt động với động lực chính từ các nghiệp vụ lõi bao gồm thu phí bảo lãnh, thanh toán..., với tốc độ tăng trưởng phí bảo lãnh dẫn đầu toàn thị trường, đạt 35%.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, kết thúc năm 2024, LPBank công bố lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỷ đồng, hoàn thành 116% kế hoạch lợi nhuận năm, chính thức bước chân vào nhóm các doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán. Lợi nhuận của LPBank tăng trưởng tốt một phần nhờ đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu, nổi bật là doanh thu từ thu phí dịch vụ đóng góp hơn 16% tổng thu nhập, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh xuống còn 29%. Kết quả nổi bật này có được nhờ định hướng chiến lược tập trung vào phân khúc bán lẻ được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao và rủi ro thấp hơn các phân khúc khác.

Sacombank (mã STB) cho biết, lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay và vượt kế hoạch đề ra. Trong năm 2024, kênh ngân hàng số tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng khách hàng mới và số lượng giao dịch, ước tăng lần lượt là 6,9% và 34,8% so với năm trước. Qua đó, giúp Sacombank mở rộng quy mô khách hàng lên đến 20 triệu người, trải nghiệm khách hàng được nâng cao với tỷ lệ hài lòng trên 90%. Sacombank kiểm soát và nâng cao chất lượng tài sản, trong đó tỷ trọng tài sản có sinh lời ước tăng 95%.

Với ACB (mã ACB), mặc dù chưa đưa ra con số lợi nhuận đạt được cả năm 2024, song với mục tiêu 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, ngân hàng này cho biết sẽ đạt được. Với hơn 90% danh mục cho vay thuộc về khách hàng bán lẻ, ACB thực hiện chiến lược phân tán rủi ro hiệu quả, tạo sự khác biệt so với nhiều ngân hàng khác trong ngành. Tín dụng doanh nghiệp tăng đến 25% trong năm 2024, giúp ACB đảm bảo cân bằng giữa phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Đồng thời, nguồn thu ngoài lãi đóng góp tích cực vào lợi nhuận, trong đó có mảng bán chéo sản phẩm bảo hiểm. ACB đã ký hợp tác độc quyền với Bảo hiểm Sun Life Việt Nam trong 15 năm, với mức phí trả trước ước tính 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng).

Nhiều ngân hàng khác cũng kỳ vọng doanh thu mảng bán chéo bảo hiểm dần khởi sắc và thực tế, doanh thu mảng này bắt đầu tăng trưởng trở lại. Các ngân hàng KienlongBank (mã KLB), VPBank (mã VPB), Techcombank (mã TCB) và SeABank (mã SSB) là những cái tên nổi bật khi nguồn thu từ bán chéo bảo hiểm đều tăng trưởng 2 con số: KienlongBank tăng gần 73%, VPBank tăng gần 52%, Techcombank tăng gần 30%...

Bước sang năm 2025, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra ở mức 16% - cao hơn so với năm 2024 và giới phân tích tài chính dự báo, tín dụng có thể duy trì mức tăng trưởng 15-16% năm nay. Một khi tín dụng tiếp tục tăng cao sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng trong việc gia tăng nguồn thu ngoài lãi từ phí, dịch vụ.

Tin bài liên quan