Việc cải cách môi trường kinh doanh đang gặp rào cản bởi sự trì trệ của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương

Việc cải cách môi trường kinh doanh đang gặp rào cản bởi sự trì trệ của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương

Thu ngân sách và chuyện “làm lớn” doanh nghiệp

(ĐTCK) Với kịch bản thu ngân sách nhà nước năm 2017 được Quốc hội thông qua vào cuối tuần qua, áp lực tăng thu ngân sách so với dự toán năm 2016 là khá lớn. Trong bối cảnh đó, làm thế nào để nuôi dưỡng nguồn thu, với trọng tâm là “làm lớn” doanh nghiệp, đang cần lời giải đột phá.

Áp lực thu

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 vừa được Quốc hội thông qua, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.212.180 tỷ đồng (tăng đáng kể so với dự toán tổng thu năm 2016 là 1.019.200 tỷ đồng); tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.390.480 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 178.300 tỷ đồng, tương đương 3,5% GDP (năm 2015 là 4,95% GDP).

Để thực hiện thành công dự thu ngân sách năm 2017 là thách thức không nhỏ, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước đang đối mặt với nhiều khó khăn.

10 tháng đầu năm ước thu từ xuất khẩu dầu thô mới được 32.460 tỷ đồng, bằng 59,6% dự toán năm, giảm tới 42,4% so cùng kỳ 2015.

Theo Bộ Tài chính, 10 tháng đầu năm nay, bên cạnh những tín hiệu tích cực, thu ngân sách đối mặt với không ít thách thức do một số khoản thu có tiến độ đạt thấp như: thu phí, lệ phí đạt 75,5% dự toán năm; thu khác ngân sách đạt 69,1% dự toán năm. Đặc biệt, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được cải thiện, khi lũy kế 10 tháng qua chỉ đạt 74,8% dự toán, giảm 11% so với cùng kỳ 2015.

Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành (khai thác, chế biến dầu, khí, than...) gặp khó khăn, số thu nộp ngân sách giảm; số thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại phát sinh thấp.

Một khó khăn lớn đối với thu ngân sách năm nay là thu từ xuất khẩu dầu thô, khi 10 tháng đầu năm mới ước thu được 32.460 tỷ đồng, bằng 59,6% dự toán năm, giảm tới 42,4% so cùng kỳ 2015. Lũy kế 10 tháng qua, tổng số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Dưỡng nguồn thu, cách nào?

Nếu hoạt động thu từ các lĩnh vực đang giảm như trên, nhất là từ xuất khẩu dầu thô và doanh nghiệp nhà nước, không được cải thiện trong thời gian tới, đó sẽ là thách thức đáng kể với bài toán hoàn thành thu ngân sách nhà nước năm 2017.

"Chỉ khi các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh thực sự đi vào cuộc sống thì mới giúp cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh"

- Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Thực tiễn bức tranh thu ngân sách nhà nước cho thấy, thu nội địa có vai trò quyết định đến hoàn thành các chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm. Do đó, cải thiện lĩnh vực thu này, mà trọng tâm là chống thất thu, nợ đọng thuế và đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh, đang là cách thức nuôi dưỡng nguồn thu bền vững và hiệu quả hơn cả. Bởi vậy, một giải pháp quan trọng tại Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 là Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh…

Trên thực tế, Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các giải pháp để tạo môi trường hoạt động thông thoáng, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, qua đó không chỉ tăng lượng để hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, mà quan trọng hơn là tăng “chất” doanh nghiệp.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang dồn sức cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Điều này được thể hiện nhất quán giữa nói và làm, với việc Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định lấy ngày 10/11 hàng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại, ở Việt Nam, chỉ có giới doanh nhân là có tới 2 ngày được tôn vinh (ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam). Điều đó cho thấy sự quan tâm lớn mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang dành cho giới doanh nhân trong công cuộc kiến thiết quốc gia…”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận.

Tuy nhiên, một vấn đề các doanh nghiệp, cũng như giới chuyên gia quan ngại hiện nay là việc triển khai các quyết sách đột phá của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp rào cản bởi hệ thống bộ máy chính quyền địa phương còn nhiều trì trệ. Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp lớn ở địa phương phản ánh, doanh nghiệp vẫn phải “chung chi”, “bôi trơn” cho cán bộ các sở ngành địa phương trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Tổ Công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành khá hiệu quả việc kiểm tra thời gian qua, nhưng nếu cách kiểm tra chỉ dừng lại ở “nghe báo cáo” của các bộ, địa phương, thì chưa thể sâu sát. Cần có các hình thức kiểm tra đột xuất, trực tiếp lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thì mới gỡ khó cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

“Chỉ khi các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh thực sự đi vào cuộc sống thì mới giúp cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh”, ông Long nói. 

Tin bài liên quan