“Điều tôi suy nghĩ nhiều nhất lúc này, nếu thu xưa (mùa thu 1945) là Thu Cách mạng, thì thu nay là lúc phải thay đổi như một cuộc cách mạng, dù không có súng đạn. Đại dịch Covid-19 chẳng khác gì cuộc đại chiến thế giới, Việt Nam không tách ra khỏi thế giới, nên phải thay đổi trong một thế giới đang thay đổi”, Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã có những quyết định quan trọng về ngân sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch |
Không thể máy móc, rập khuôn
Thưa ông, mùa thu 75 năm trước, Việt Nam tuyên bố trước thế giới về nền độc lập của mình. Ngay sau đó, nhà nước non trẻ Việt Nam đã đối diện với “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Bằng sự nhạy cảm, mẫn tiệp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân giải quyết từng loại giặc để từ đó đưa nước ta ra khỏi thế ngàn cân treo sợi tóc. Đã có rất nhiều bài học, kinh nghiệm được đúc kết từ mùa thu ấy. Hiện nay, đất nước cũng đang căng mình chống "giặc" Covid-19 vô hình, quái ác, tinh thần đó, kinh nghiệm đó cần được phát huy thế nào?
Nói về bài học kinh nghiệm thì có rất nhiều, từ nghệ thuật lãnh đạo đến trọng dụng nhân tài, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân..., nhưng việc vận dụng, theo tôi, không thể rập khuôn, máy móc.
Nói về trọng dụng nhân tài, Cụ Hồ quan niệm, dụng nhân như dụng mộc, biết dùng người mới là quan trọng nhất của người lãnh đạo, vì thế mới có thể làm cách mạng toàn dân, chiến tranh nhân dân. Mỗi người dân đều có cái tài riêng của mình, phát huy được thì sẽ thành cái tài chung.
Khi Cách mạng tháng Tám thành công, trọng dụng hiền tài là đặc thù của lịch sử. Thời kỳ Bác Hồ là lãnh tụ của đất nước là thời kỳ có giá trị lớn hơn cả tiền bạc, đó lòng yêu nước, cho nên phần lớn những người Bác dùng là những người được đào tạo ở chế độ cũ, nhưng sẵn sàng hy sinh tất cả những giá trị vật chất để thực hiện mục tiêu yêu nước của mình.
Nhưng bây giờ thì khác, không thể trọng dụng nhân tài chỉ bằng lòng yêu nước, mà phải bằng chế độ đãi ngộ, bằng cạnh tranh lành mạnh. Hiện nay, nếu có mời tất cả những người tài năng nhất về nước, cũng chưa chắc họ đã làm việc được, quan trọng là xây dựng sinh thái, môi trường để họ đóng góp cho đất nước, dù ở bất kỳ chỗ nào.
Bên cạnh trọng dụng nhân tài, chúng ta cũng hay nhắc tới bài học về đoàn kết, nhưng đoàn kết cũng phải được đặt trên nền tảng mới, làm sao phải thuyết phục được người dân.
Nhà sử học đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. |
Ông có thể nói rõ hơn về phát huy tinh thần đoàn kết trong bối cảnh mới hiện nay?
Cách mạng, nói cho cùng, khó nhất là thay đổi nhận thức, nhận thức của con người sẽ quyết định sự thay đổi bền vững của xã hội. Rõ ràng, trong những năm vừa qua, từ khi công cuộc Đổi mới được khởi xướng, xã hội đã có sự chuyển biến về chất.
Gần đây, vai trò của kinh tế tư nhân được nhấn mạnh. Chỉ riêng việc này cũng cho thấy chúng ta phải trải qua thời gian rất dài mới có thể có được những thay đổi nhận thức theo hướng đúng đắn hơn. Nó kéo dài từ thời tiến hành cải tạo thương nghiệp đến việc chấp nhận kinh tế tư nhân và càng ngày càng đặt khu vực kinh tế vào vị trí xứng đáng.
Rõ ràng, nội hàm đại đoàn kết phải đáp ứng những yêu cầu ấy. Đại đoàn kết không phải là một khái niệm chung chung. Đại đoàn kết thay đổi theo từng thời đại trên nền tảng làm sao thuyết phục được người dân.
Người dân mong muốn sự thay đổi nhanh hơn, mạnh hơn, chủ động hơn, chứ không phải để tình thế lôi kéo mình. Đã đành, Covid-19 hay biến đổi khí hậu - Việt Nam là một trong những nơi bị tác động bởi thay đổi khí hậu một cách khắc nghiệt nhất - đặt ra vấn đề phải giải quyết tình thế, nhưng cũng phải nhìn nó như là cơ hội để chủ động thay đổi một cách cơ bản.
Khó nhất là bài toán lợi ích
Vậy ông cho rằng, vấn đề quan trọng nhất để có được sự thay đổi cơ bản là gì?
Tôi nghĩ bài toán khó nhất là lợi ích. Trong kháng chiến, người giàu và người nghèo đều cùng chung suy nghĩ: đất nước độc lập thì mình mới được sống làm người, mới làm ăn được.
Ngày 13/10/1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời được hơn một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi giới công thương Việt Nam, trong đó có đoạn: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.
Dân giàu, nước sẽ mạnh, giải phóng sức mạnh cho dân thì sẽ tích tụ sức mạnh cho nhà nước. Nhưng hai chữ lợi ích lâu nay nhiều người ngại nhắc đến, nên bài toán lợi ích không được quan tâm đúng mức. Bài toán xã hội là bài toán tổng hòa các lợi ích của các nhóm lợi ích khác nhau. Anh đưa ra lợi ích nào đáp ứng lợi ích tối đa cho mỗi người mà không phương hại tới lợi ích của toàn xã hội, thì đó là bài toán đúng.
Ở trên, ta đã nói đến bài học đoàn kết. Theo tôi, đại đoàn kết dân tộc là hài hòa lợi ích của các tầng lớp trong xã hội, trong đó có lợi ích quốc gia, độc lập dân tộc, danh dự dân tộc, sự thịnh vượng của dân tộc, nhưng cũng có lợi ích của từng tầng lớp xã hội và vì thế, lợi ích có tính đa dạng của nó.
Trong tình huống cụ thể, có thể có tổ chức này, cá nhân kia hy sinh lợi ích của mình, còn về tổng thể thì phải hài hoà. Người giỏi không làm trong cơ quan nhà nước không phải họ không yêu nước, mà vì thể chế không mang lại lợi ích chính đáng cho họ.
Nhìn thẳng vào thực tế, chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức như hiện nay thì rất khó để giữ cho họ đừng sa ngã vào những hành vi được gọi là phi pháp, vì thế, giải bài toán lợi ích là cực kỳ quan trọng. Tôi cho rằng, chống tham nhũng là cần thiết, nhưng nếu quên bài toán lợi ích là siêu hình.
Cũng cần phải nói thêm, câu “dĩ hòa vi quý” lâu nay bị nhiều người hiểu sai. Câu nói này chứa đựng một tư tưởng rất lớn, chữ hòa ở đấy lớn lắm, chữ hòa không có nghĩa là hòa cả làng, mà hòa là tìm được sự hài hòa, sự hợp lý và hướng tới cái đó, chứ không phải việc thắng thua. Câu này rất phù hợp với quan niệm thời hiện đại là win - win, ngay cả trong quan hệ kinh tế, đó là cùng thắng, là cân bằng lợi ích, là lợi ích hài hòa từ trong dân chúng cho đến quan hệ quốc tế. Chữ hòa đó cực hay.
Để dân cô đơn là rất đáng buồn
Theo nhận định của ông, đại dịch Covid-19 chẳng khác gì cuộc đại chiến thế giới. Tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ V vừa diễn ra, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Gabriela Cuevas Barron cũng dẫn số liệu cho thấy, cuộc khủng hoảng vì Covid-19 đã khiến nửa tỷ người rơi vào cảnh đói nghèo và nhấn mạnh rằng, các đại biểu Quốc hội cần phải lắng nghe mong muốn của họ và theo sát họ từng bước. Là đại biểu Quốc hội liên tục 4 khoá, ông nhìn nhận thế nào về vai trò của Quốc hội Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19?
Kỳ họp thứ 9 vừa rồi, Quốc hội đã có những quyết định quan trọng về ngân sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch, như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp...
Nhưng với đặc thù của Việt Nam (Quốc hội vẫn mang dáng vẻ của bộ máy hành chính, đa số đại biểu không chuyên trách), thì đại biểu có muốn thực hiện hết vai trò của mình cũng rất khó.
Chẳng hạn, đại biểu đi dọc đường thấy dân tụ tập phản đối, đại biểu phải xuống gặp. Nếu họ sai thì phân tích cho họ thấy cái sai, nếu họ đúng thì giúp họ. Nhưng mấy ai làm được?
Để dân cô đơn là rất đáng buồn. Nếu đại biểu đi sát với dân hơn thì sẽ bớt đi những việc đáng buồn, kể cả lúc có dịch hay không có dịch.
Bản thân tôi làm đại biểu Quốc hội gần 4 nhiệm kỳ rồi, vẫn có cử tri thường xuyên chê tôi vô tích sự, vì ông ấy gửi cả tập đơn kiện, đề nghị tôi phải chuyển cho Thủ tướng, nhưng tôi không làm thế được khi chưa tìm hiểu thông tin qua cơ quan chức năng của địa phương và Trung ương. Mà làm đại biểu kiêm nhiệm, không có bộ máy giúp việc như tôi thì không chỉ không có đủ thông tin, mà tiếp nhận, xử lý đơn thư của dân cho đúng quy trình là việc gần như không thể làm được. Gần đây, tôi có hỏi vị đó là ông tìm được người tích sự chưa, ông ấy không nói gì nữa.
Mô hình nghị viện trên thế giới không giống nhau, song các vị Chủ tịch Quốc hội đều thống nhất rằng, không thể bỏ qua vai trò dẫn dắt của Quốc hội, không thể để các Chính phủ đưa ra các quyết sách sai lầm, dân túy tại giai đoạn quan trọng này. Ông nghĩ sao về thông điệp đó?
Theo quan sát của tôi, mấy nhiệm kỳ gần đây, quan hệ giữa đại biểu Quốc hội và cơ quan hành pháp đã thay đổi nhiều, tiếng nói của đại biểu đã mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, để Quốc hội thể hiện được vai trò dẫn dắt, theo tôi, cần đổi mới hơn nữa.
Một trong những chức năng quan trọng nhất của đại biểu Quốc hội là quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Thế nhưng, hiện nay, cử tri không giám sát được đại biểu mình đã bầu ra thể hiện chính kiến thế nào với những vấn đề quan trọng ấy, vì biểu quyết vẫn ẩn danh. Việc công khai danh sách ai đồng ý/không đồng ý mỗi khi Quốc hội biểu quyết trước kia đã làm, sau này khi chuyển sang biểu quyết bằng bấm nút điện tử, thì có thể tên đại biểu không hiển thị ngay, nhưng chính kiến của đại biểu vẫn có thể công khai được.
Trong khi hoạt động của Quốc hội cần minh bạch, thì cử tri lại không giám sát được việc đại biểu bấm nút những vấn đề quan trọng của đất nước như thế nào. Điều này dẫn đến cả việc bấm nút biểu quyết hộ, thiếu nghiêm túc của một số vị đại biểu Quốc hội.
Quốc hội nào, Chính phủ nấy
Đặc trưng thể chế chính trị của Việt Nam là có sự phân công rõ ràng về lập pháp, hành pháp, tư pháp để phối hợp hành động trong một mục tiêu chung. Do vậy, Quốc hội nào thì Chính phủ nấy. Một Quốc hội năng lực tốt thì sẽ có một Chính phủ chất lượng cao.
Vì vậy, không thể không nhìn nhận vai trò của Quốc hội trong những thành công, thất bại của Chính phủ. Trong báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội, cần dành một phần về Quốc hội, Chính phủ không chỉ tuân thủ, chịu sự giám sát thực hiện nghị quyết của Quốc hội, mà còn cần đòi hỏi Quốc hội những gì để Chính phủ làm tốt hơn, ít sai phạm hơn.