Hệ thống điện mặt trời áp mái tại một khu công nghiệp của Long Hậu. Ảnh: Thành Nguyễn

Hệ thống điện mặt trời áp mái tại một khu công nghiệp của Long Hậu. Ảnh: Thành Nguyễn

Thu hút vốn FDI và nỗi lo thiếu điện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi quy mô dòng vốn FDI ngày càng lớn, mối quan tâm tới nguồn cung năng lượng theo đó được “đặt nặng” hơn.

Nhà đầu tư lo thiếu điện

Theo chia sẻ của đại diện một đơn vị xúc tiến đầu tư, trước đây, nhà đầu tư nước ngoài trước khi vào Việt Nam hay hỏi về cơ chế, chính sách, ưu đãi…, nhưng nay, nhiều bên dành sự quan tâm đặc biệt tới câu chuyện năng lượng.

“Cái thời kinh tế còn khó khăn, dù đã mắc điện lưới, nhiều nhà tối tối vẫn thắp đèn dầu để tiết kiệm, nhưng mỗi bận có khách vẫn bật cái bóng 50 W cho sáng choang. Ấy mà giờ, đón bao nhà đầu tư lớn, điện đôi khi lại thành thứ xa xỉ”, vị này ví von.

Trò chuyện cùng doanh nghiệp/đại diện doanh nghiệp nước ngoài mới thấy nỗi lo về việc thiếu điện ở Việt Nam ngày càng lớn.

Tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp FDI, trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2024), đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) gọi sự cố cắt điện ở miền Bắc năm ngoái là nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch sản xuất, dự báo ngày giao hàng. Điều này khiến mô hình “just in time” - cốt lõi của chuỗi cung ứng bị tác động rất lớn. Thậm chí, một số đơn vị thành viên JCCI đang cân nhắc xem xét lại hệ thống sản xuất toàn cầu của họ.

Còn theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) tại Việt Nam, điện là điều kiện để các doanh nghiệp FDI, gồm các công ty Hàn Quốc, duy trì hoạt động ổn định. Không đủ điện hiện là yếu tố lớn khiến nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt công ty công nghệ cao, chần chừ khi rót vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Trò chuyện cùng người viết, ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam cho hay, ông tiếp nhận nhiều ý kiến lo ngại về việc thiếu điện khi tư vấn địa điểm cho các nhà đầu tư nước ngoài có ý định thuê đất công nghiệp.

Theo ông David Jackson, mối quan tâm của các nhà đầu tư về câu chuyện điện năng là điều có thể hiểu được, vì các ngành sản xuất, nhất là lắp ráp linh kiện điện tử đòi hỏi nguồn điện công suất lớn và liên tục để vận hành máy móc.

Cùng chung nỗi lo thiếu điện, bà Vân Nguyễn, Giám đốc cấp cao Khối thị trường giao dịch phía Bắc, JLL Việt Nam cho hay, với việc gia tăng nhanh chóng về quy mô dòng vốn, nhất là sự tham gia thị trường của các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực điện tử, bán dẫn hay trung tâm dữ liệu (data center), kho lạnh, nhu cầu về điện sẽ ngày càng lớn.

“Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến nguồn cung điện, bởi nếu gián đoạn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất”, bà Vân nói.

Khuyến nghị được ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và Khối bất động sản nhà ở, Frasers Property Vietnam đưa ra, Chính phủ có chủ trương thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ô tô, điện tử, bán dẫn, các ngành khác như data center, kho lạnh cũng sẽ ngày càng phát triển. Các ngành nói trên đều có yêu cầu cao về điện, viễn thông, do đó, đây sẽ là thách thức lớn phải vượt qua nếu muốn thu hút nhiều FDI hơn.

Điện mặt trời áp mái là lời giải

Ghi nhận thực tế thị trường, đại diện Khu công nghiệp Long Hậu cho rằng, kể cả không bị đe dọa về việc thiếu điện, nhiều khách thuê vẫn muốn lắp điện mặt trời áp mái để chủ động nguồn điện, đồng thời phát triển theo hướng xanh hơn.

“Hiện, với nhiều nhà kho, nhà xưởng cho thuê giai đoạn mới, chúng tôi đã lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, bởi các phản hồi cho thấy nhu cầu này đang ngày càng lớn”, đại diện Khu công nghiệp Long Hậu cho hay.

Ông David Jackson cũng cho rằng, phát triển điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời áp mái (tại các nhà xưởng tại khu công nghiệp) có thể là giải pháp tốt để giảm áp lực nguồn cung năng lượng tại Việt Nam hiện nay.

Theo CEO Avison Young Việt Nam, hiện nhiều nhà phát triển khu công nghiệp đã chủ động đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và trạm biến áp để tiết kiệm chi phí sử dụng điện và phần nào tự chủ nguồn điện. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định cho phép mua bán trực tiếp điện năng lượng tái tạo không qua EVN (thông qua đường dây riêng), góp phần khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào việc lắp đặt điện mặt trời áp mái.

Về dài hạn, năng lượng sạch là xu thế phát triển tất yếu để Việt Nam thu hút các ngành công nghệ cao như bán dẫn. Ngày càng nhiều dự án nhà máy, nhà xưởng hướng đến chứng chỉ xanh như LEED để đủ điều kiện nhận đơn đặt hàng từ các tập đoàn công nghệ lớn.

Đồng quan điểm, đại diện JCCI cho rằng, Việt Nam cần có các chính sách khuyến khích phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo quy mô lớn, nhất là điện gió ngoài khơi, điện mặt trời mái nhà, bởi theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tổn thất khoảng 1,4 tỷ USD do thiếu điện, tương đương 0,3% GDP.

Đại diện các hiệp hội cũng cho rằng, thiếu điện sẽ ảnh hưởng tới quyết định đầu tư mới vào Việt Nam.

Ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (Amcham) tại Hà Nội khuyến cáo, nhiều mục tiêu Việt Nam sẽ khó đạt được nếu không có nguồn điện ổn định và giá phải chăng.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) tại Việt Nam đề nghị Chính phủ có phương án đảm bảo nguồn cung điện cho các khu công nghiệp trong mùa nắng nóng năm nay. Cùng với đó, Bộ Công thương cần có cơ chế khuyến khích các công ty tiết kiệm và phát triển sản xuất năng lượng.

Đánh giá cao lợi ích của điện mặt trời áp mái, ông Phan Thành Trung, Giám đốc điều hành Công ty KTG Energy cho rằng, với các khu công nghiệp, khu chế xuất, việc phát triển điện mặt trời áp mái sẽ giúp giảm tiền điện trực tiếp, giảm thiểu nhiệt độ bên dưới xưởng, đồng thời tăng tuổi thọ mái tôn. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có cơ hội đạt được chứng chỉ LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh) cho các nhà máy của mình nếu sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió trong sản xuất.

Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trần Hường - đơn vị chuyên thi công, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho biết, điện mặt trời áp mái sẽ là giải pháp hiệu quả cho mô hình hoạt động của các khách thuê trong khu công nghiệp.

Về thời gian hoàn vốn đầu tư cho nguồn điện sạch này, theo bà Hường, tùy vào công suất, khu vực địa lý nơi lắp đặt hệ thống, mà thời gian hoàn vốn sẽ khác nhau. Chẳng hạn, khu công nghiệp tại phía Nam lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 1 MWP thì sau khoảng 5 năm là hoàn vốn, trong khi với hệ thống tương tự lắp đặt tại khu công nghiệp ở miền Bắc thì thời gian vào khoảng 6 năm.

“Mặt khác, nếu các khu công nghiệp hoặc các trang trại điện không bị cắt giảm công suất lên lưới điện quốc gia, hoặc sau khi lượng điện sử dụng tại chỗ còn dư thừa được đẩy lên lưới được thanh toán thì việc hoàn lại số vốn đầu tư lắp đặt hệ thống sẽ không dài”, bà Hường nhấn mạnh.

Tin bài liên quan