Đầu tuần này, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã có cuộc gặp gỡ báo chí nhân dịp đoàn doanh nghiệp Mỹ sang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, với sự góp mặt của 29 tập đoàn hàng đầu hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ công nghệ, tài chính đến nông nghiệp, hàng tiêu dùng, thực phẩm như Apple, Coca Cola, Ford, GE…
“Kết quả điều tra từ 150 tập đoàn của Mỹ mới đây về mức độ hấp dẫn của các cơ hội đầu tư vào các nước trong khu vực ASEAN cho thấy, Việt Nam luôn xếp vị trí thứ nhất hoặc thứ hai...”, ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết như vậy.
Dẫu vậy, các doanh nghiệp đến từ Mỹ cũng nhìn nhận, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang triển khai một loạt biện pháp vừa mang tính khuyến khích, vừa mang tính thúc ép như: cắt giảm thuế, đầu tư lớn vào hệ thống hạ tầng… nhằm thu hút cả dòng vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp, gây áp lực khiến nhà đầu tư Mỹ đang đầu tư trên toàn cầu quay trở về Mỹ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh.
“Tuy chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang có những động thái thúc ép giới đầu tư Mỹ chuyển các hoạt động đầu tư trên toàn cầu về Mỹ, nhưng tiếng nói từ thị trường mới có tính quyết định. Căn cứ để nhà đầu tư Mỹ đưa ra quyết định chọn Việt Nam hay Mỹ để triển khai các hoạt động đầu tư là tùy thuộc vào mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh mỗi nước”, ông Michael Michalak nói.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong cạnh tranh với Mỹ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để không chỉ giữ chân các nhà đầu tư đang làm ăn tại Việt Nam, mà còn thu hút thêm dòng vốn đầu tư mới từ Mỹ, ông Michael Michalak cho biết, trong chuyến đi này, giới kinh doanh Mỹ sẽ tư vấn cho Chính phủ Việt Nam nhiều giải pháp nhằm cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư. Thực hiện thành công những khuyến nghị này không chỉ thu hút có hiệu quả hơn các nhà đầu tư từ Mỹ, mà còn từ các nhà đầu tư khác trên toàn cầu.
Theo khuyến nghị của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Việt Nam cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các cải cách mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai, nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, giải phóng sức sáng tạo của người dân và doanh nghiệp, nâng cao tính hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế. Một điểm Việt Nam cần lưu ý là để chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Việt, Việt Nam cần có những động thái để cùng với những tiếng nói ủng hộ Việt Nam tại Mỹ trong việc vận động chính quyền của Tổng thống Donald Trump thông qua những điều khoản có lợi cho Việt Nam…
“Tuy Mỹ đã rút khỏi Hiệp định TPP, nhưng với 11 thành viên còn lại, họ đang có kế hoạch bàn thảo ở Chile để thảo luận về tương lai của TPP. Ngay cả khi TPP không được triển khai, cũng có những lựa chọn tốt cho các nước triển khai các thỏa thuận tích cực đã đạt được trong quá trình thảo luận vừa qua, nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại. Giới đầu tư Mỹ đang theo dõi để tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào Việt Nam từ diễn biến này…”, ông Marc Mealy nói.
Trả lời câu hỏi của báo giới về nghi vấn Coca-Cola có hành vi chuyển giá trong thời gian qua, ông Vamsi Mohan, Tổng giám đốc Coca-Cola Việt Nam và Campuchia cho biết, cho đến thời điểm này chưa có một kết luận chính thức nào từ phía cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc Coca-Cola Việt Nam chuyển giá. Năm 2016, Coca-Cola Việt Nam đã đóng 37,5 triệu USD tiền thuế các loại cho Việt Nam, trong đó phần lớn là thuế thu nhập doanh nghiệp. Coca-Cola vừa rót thêm 285 triệu USD đầu tư vào Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lên 1 tỷ USD.