Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) chưa hài lòng với câu trả lời từ Bộ trưởng trước câu hỏi về "điểm kích nổ" trong chính sách giúp KH&CN Việt Nam bứt phá.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, yếu tố quan trọng để KH&CN bứt phá là nhân tài. "Chỉ có nhân tài KH&CN mới có thể làm thay đổi diện mạo công nghệ Việt Nam. Và nếu không có công nghệ hiện đại, chúng ta sẽ thua xa các nước bên cạnh".
Đại biểu gợi ý Bộ trưởng về thứ tự ưu tiên lựa chọn chính sách để kích nổ trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm nhân tài trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật dụng mới...
Liên quan đến vấn đề này, tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, Việt Nam đã có mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo. Ông đề nghị Bộ trưởng chia sẻ về việc quản lý mô hình này 4 năm qua (từ 2019) rút ra kinh nghiệm gì, ứng dụng trong ba trung tâm mới ra sao? Định hướng phát triển nhân tài thực hiện rất khó khăn, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp chiêu mộ nhân tài về Bộ làm việc.
Trước tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng KH&CN cảm ơn gợi ý của đại biểu Lê Thanh Vân về "điểm kích nổ" trong chính sách giúp KH&CN Việt Nam bứt phá.
Bộ trưởng cho biết liên quan tới vấn đề con người, Bộ KH&CN đã có kế hoạch trình lên Quốc hội đề án về đội ngũ trí thức trong giai đoạn từ nay đến 2030, được thực hiện trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về thu hút nhân tài, ông Đạt nói đây là điều rất trăn trở khi ông nhận công tác ở Bộ, cũng như trước đây ở cơ sở giáo dục đại học. "Có chủ trương, nhưng khi triển khai rất loay hoay do vướng quy định, luật công chức, viên chức, quy định về tài chính", Bộ trưởng nói.
Vừa qua, Bộ HHCN triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ tri thức, Bộ đang xây dựng đề án, cố gắng để thật sự thu hút được nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc, cống hiến hiệu quả nhất. Bộ sẽ lấy ý kiến cơ quan quản lý, địa phương và các nhà khoa học, mong đại biểu Quốc hội đóng góp cho đề án này.