Thu hút nguồn lực trên mọi phương diện hiện thức hóa mục tiêu phát triển xanh, tăng trưởng bền vững

Thu hút nguồn lực trên mọi phương diện hiện thức hóa mục tiêu phát triển xanh, tăng trưởng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang dần trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại thì việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi thiên nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển kinh tế của nước.

Hôm qua (16/8), Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Nhóm Công tác ngân hàng đã tổ chức Hội nghị “Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu và phát triển xanh và phát triển bền vững”.

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, Việt Nam và thế giới đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có và cùng với cả nước, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp...

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

“Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với một loạt những hoạt động, kết quả quan trọng như phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng Thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh…”, Thống đốc nói.

Được biết, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ cũng đã đồng ý loại bỏ điện than vào giai đoạn 2040 hoặc sớm hơn nếu có thể. Trong kế hoạch Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 8 giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (hay còn gọi là Quy hoạch điện 8), tổng công suất phát điện của Việt Nam năm 2045 sẽ là 333GW, trong đó 42% sẽ là điện gió và điện năng lượng mặt trời. Tổng mức đầu tư cần có là 127,5 tỷ USD.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định: “Chính phủ đã đưa ra kế hoạch thúc đẩy các chương trình xanh của Việt Nam, với trọng tâm đặc biệt là mảng năng lượng tái tạo. Chuyển đổi năng lượng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức”.

Bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, để đạt được các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững, tài chính được đánh giá là yếu tố cốt lõi quyết định quá trình chuyển đổi này. Sự hỗ trợ của chính phủ cần được củng cố bằng sự tham gia và các hành động thiết thực của khu vực tư nhân trong nước và thông qua các nguồn tài chính từ khu vực công và tư nhân.

Để đạt được tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong đầu tư, trong khi đó việc phát hiện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là các thách thức lớn đối với các chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức đang tìm kiếm cách thức thực hiện các chiến lược, các kế hoạch và các dự án các-bon thấp.

“Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là sứ mệnh quan trọng hướng tới phát triển bền vững và cần có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường”, bà Michele Wee nói.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam

Nhằm giải quyết những thách thức, đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Tim Evans đề xuất hai ý kiến có thể giúp khơi thông nguồn vốn quốc tế dành cho năng lượng tái tạo.

Thứ nhất, rủi ro cắt giảm sản lượng điện theo Hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện nay gây khó khăn cho các tổ chức tài chính quốc tế trong việc đưa ra những giải pháp tài trợ dự án hiệu quả. Rủi ro EVN có thể không thu mua nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo gây ra những bất ổn đối với dòng tiền của các dự án. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách kết hợp các giải pháp, bao gồm nhưng không giới hạn ở cơ chế “nhận điện hoặc trả tiền” (take or pay) được đưa vào trong PPA đồng thời có thời gian gián đoạn tối đa trong giai đoạn mua điện.

Thứ hai, trái phiếu xanh Chính phủ sẽ thiết lập một tiêu chuẩn cho khối tư nhân khi tiếp cận với các thị trường vốn quốc tế, cụ thể là về chuyển đổi năng lượng. Trái phiếu ESG đóng góp 19,6% vào tổng phát hành Trái phiếu Chính phủ, Trái phiếu của tổ chức đa quốc gia và Trái phiếu được chính phủ bảo lãnh (SSA) trong giai đoạn 2021 đến hết quý 1/2022.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này là một thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho Việt Nam thực hiện những cải cách mạnh mẽ, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, tăng dần tỷ trọng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế.

“Trong tiến trình này, sự đồng hành, chia sẻ của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các ngân hàng nước ngoài không chỉ ở góc độ tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước, mà còn ở việc hỗ trợ nguồn lực tài chính, vốn trực tiếp cho các chủ đầu tư dự án xanh, phát triển bền vững”, Phó Thống đốc nói.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Phó Thống đốc kỳ vọng, các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, các ngân hàng nước ngoài sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, ngành ngân hàng để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án xanh, chuyển đổi xanh, tiếp cận được đầy đủ nguồn vốn tín dụng. Đặc biệt là các nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài do chính các Ngân hàng nước ngoài đang hiện diện tại Việt Nam thực hiện…

Tin bài liên quan