Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Đ.T
Đầu tư mới bứt tốc
Không nằm ngoài dự đoán, sau hàng loạt dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong tháng 2/2024, như dự án 454 triệu USD của Trina Solar Cell tại Thái Nguyên, hay dự án 275 triệu USD của Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh..., vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đã có sự bứt tốc khá mạnh mẽ.
Cụ thể, theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/2/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này trái ngược hoàn toàn với xu hướng của 2 tháng đầu năm ngoái.
Thời điểm này năm ngoái, các nhà quản lý không khỏi lo ngại khi vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm tới 38% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng giờ, tình hình đã xoay chuyển. Vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam đã tăng mạnh. Trong đó, riêng vốn đăng ký mới đạt gần 3,6 tỷ USD, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 36,9 điểm phần trăm so với mức tăng của tháng 1/2024. Số lượng dự án đăng ký mới cũng tăng tới 55,2%, đạt 405 dự án.
“Đầu tư mới tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói và lý giải, sự tăng tốc mạnh mẽ này không chỉ nhờ tăng mạnh số lượng dự án, mà còn ở sự xuất hiện của các dự án quy mô lớn, tầm 400-600 triệu USD.
Lớn nhất ở thời điểm hiện tại có lẽ vẫn là dự án 662 triệu USD của CapitaLand, đầu tư xây dựng khu đô thị ở khu vực Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park Hà Nội. Hiện tại, dự án này là tâm điểm chú ý của thị trường bất động sản Hà Nội, trong bối cảnh nguồn cung các dự án căn hộ chậm lại đáng kể trong thời gian gần đây, khiến giá chung cư tăng sốc.
Tuy vậy, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trái ngược với xu hướng tăng mạnh của vốn đăng ký mới, thì cả vốn đầu tư điều chỉnh và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều giảm, tương ứng đạt 442,1 triệu USD (giảm 17,4%) và 255,4 triệu USD (giảm 68% so với cùng kỳ).
Mặc dù vậy, Cục Đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan cho rằng, việc tốc độ giảm của vốn điều chỉnh được cải thiện so với tháng 1/2024 (vốn điều chỉnh của 2 tháng đầu năm 2024 tăng 5,7 điểm phần trăm so với tháng 1/2024 - PV) đã cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng và mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Khoản đầu tư 454 triệu USD của Trina Solar Cell tại Thái Nguyên có thể chứng minh niềm tin này. Bởi lẽ, trước dự án này, Trina Solar đã đầu tư 2 dự án khác tại Thái Nguyên, với vốn đầu tư 478 triệu USD.
Tương tự, tin tưởng vào tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, Nestlé cũng đã đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng nhà máy ở Đồng Nai. Cộng thêm khoản vốn này, tổng vốn đầu tư của Nestlé tại Đồng Nai đã lên tới hơn 500 triệu USD.
“Dự án này là minh chứng cho cam kết đầu tư dài hạn của Nestlé tại Việt Nam”, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam nói.
Chờ nhà đầu tư Âu - Mỹ
Không khó để nhận ra, dù thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn rất tích cực, song phần lớn nguồn vốn này đến từ các đối tác truyền thống, mà chưa có sự bứt phá từ nhà đầu tư Âu - Mỹ.
Báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 2 tháng đầu năm 2024, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, các đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam đều là các đối tác truyền thống và đến từ châu Á. Riêng 5 đối tác dẫn đầu (Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) chiếm tới 77% số dự án đầu tư mới và gần 85,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Trong khi đó, vốn đầu tư của các đối tác Âu - Mỹ vẫn rất khiêm tốn.
Nhìn trên “bảng tổng sắp” về tình hình thu hút đầu tư của Việt Nam, dù các nhà đầu tư Mỹ đăng ký đầu tư mới vào Việt Nam 12 dự án, nhưng tổng vốn đăng ký lại chỉ đạt 3,22 triệu USD - một con số rất nhỏ. Tổng vốn đầu tư của Mỹ đăng ký vào Việt Nam trong 2 tháng qua chỉ là 5,6 triệu USD. Nhà đầu tư Mỹ, lẽ ra phải là “nhà đầu tư số 1”, thì hiện tại đứng vị trí thứ 18.
Trong khi đó, Anh đăng ký đầu tư vào Việt Nam 36,2 triệu USD. Con số của Hà Lan là 29,24 triệu USD; của Đức là 5,86 triệu USD; Pháp là 7,7 triệu USD…
Tuy mới 2 tháng đầu năm, con số trong thời điểm hiện tại chưa thể phản ánh hết xu thế, nhưng rõ ràng, vốn đầu tư từ Âu - Mỹ vào Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng. Sau hàng loạt đánh giá cao và những khẳng định về mối quan tâm đầu tư đối với thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư Mỹ - Âu hồi năm ngoái, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)…, dư luận đang kỳ vọng sự tăng tốc mạnh mẽ hơn của dòng vốn này, cũng như chờ đợi các tập đoàn lớn như Intel, Nvidia, Marvell… dốc hầu bao đầu tư vào Việt Nam.
Năm ngoái, khi tới thăm Việt Nam, tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch, CEO Tập đoàn bán dẫn Nvidia đã cam kết sẽ hết sức để “biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia”. Ông Jensen Huang cũng cho biết, Nvidia sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam.
Mức vốn hóa của hãng chip AI hàng đầu thế giới này vừa chạm mốc 2.000 tỷ USD, tăng gấp đôi con số 1.000 tỷ USD hồi tháng 5/2023. Nvidia, với tốc độ tăng trưởng chóng mặt, đang khiến nhiều đối tác trên toàn cầu muốn được bắt tay hợp tác đầu tư. Chúng ta chắc chắn cũng đang chờ đợi những mối quan tâm của ông Jensen Huang tại Việt Nam được hiện thực hóa. Các cam kết của các đối tác Âu - Mỹ khác cũng tương tự…