Thu hút FDI - Một năm đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021 là một năm đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, khi mà bất chấp đại dịch Covid-19, vẫn có những dự án tỷ USD được cam kết...
Tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

“Bản giao hưởng” cuối năm

Buổi chiều ngày làm việc áp chót của năm 2021, trụ sở UBND tỉnh Nghệ An dường như đông vui hơn thường lệ. Hôm ấy, lãnh đạo UBND tỉnh này đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Excel Smart Global Limited (Samoa) để triển khai xây dựng Nhà máy Sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1, với vốn đầu tư lên tới 200 triệu USD.

“Đây là một trong những dự án trọng điểm ở phía Bắc Nghệ An”, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh này hồ hởi nói và cho biết, thời gian qua, tỉnh không ngừng đổi mới môi trường đầu tư, cải cách mạnh mẽ thủ tục để thu hút các dự án lớn, tạo sức lan tỏa, thu hút các dự án vệ tinh, từ đó hình thành môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư hợp tác cùng phát triển.

Dự án Ju Teng có thể nói là một trong những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cuối cùng được cấp chứng nhận đầu tư trong năm 2021 và được trao khi số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài cả năm đã được công bố. Bởi thế, Dự án chẳng khác nào một nốt “thăng” vừa được thêm vào bản giao hưởng với nhiều nét nhạc vui mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa xướng lên.

Một sự tình cờ thú vị, Nghệ An gần như là tỉnh “mở hàng” cho một năm 2021 thu hút đầu tư nước ngoài thành công của Việt Nam. Ngày 7/1/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án cấu kiện điện tử của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam, với vốn đầu tư cũng là 200 triệu USD.

Có lẽ, nhờ sự “xuôi chèo mát mái” ngay từ đầu năm, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2021 đã giành được những thành tựu đáng ghi nhận. Tính đến ngày 20/12, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 31,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 9,2% so với năm 2020. Khi con số này được công bố, niềm vui như vỡ òa, bởi sau những buồn lo, dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam.

Ngày 20/12, Cục Đầu tư nước ngoài “chốt sổ” số liệu thu hút đầu tư nước ngoài cả năm, thì ngày 21/12, MoMo chính thức công bố đã gọi vốn thành công ở vòng thứ 5 (Series E). Lần này, MoMo nhận số tiền đầu tư khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu, gồm Mizuho - ngân hàng toàn cầu Nhật Bản, đơn vị đóng vai trò dẫn dắt và Ward Ferry, Goodwater Capital, Kora Management.

Và sau đó là dự án ở Nghệ An. Những nốt thăng đó khiến “bản giao hưởng” thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2021 thêm sôi động.

Bộn bề những âu lo

Trước khi có những nốt “thăng”, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2021 cũng đã có những giai đoạn bộn bề âu lo. Liên tục những tháng đầu năm, dù đã mở màn bằng dự án 200 triệu USD ở Nghệ An, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn liên tục giảm so với cùng kỳ, bất chấp việc năm 2020, luồng vốn vào Việt Nam đã suy giảm khá mạnh so với kỷ lục của năm 2019.

Niềm vui lớn nhất khi đó có lẽ là trung tuần tháng 1/2021, Bắc Giang đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Foxconn Singapore Pte Ltd để đầu tư Nhà máy Fukang Technology ở Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang). Dự án không quá lớn, chỉ 270 triệu USD, nhưng quan trọng, đây là dự án sản xuất iPad và Macbook cho Apple.

Apple là cái tên mà Việt Nam mong đợi, dù “ông lớn” này không trực tiếp đầu tư sản xuất, mà đều thông qua nhà các đối tác gia công, như Foxconn, Luxshare… Tất cả các nhà sản xuất này, gồm cả Pegatron, Winston, Goertek… đều đã có nhà máy ở Việt Nam, song phần nhiều chỉ sản xuất linh kiện, chứ thành phẩm, cũng mới chỉ có iPods. Nhiều người nói, chuyện Apple cho sản xuất iPhone, hay iPad, Macbook ở Việt Nam chỉ là một giấc mơ, nhưng cuối cùng, Việt Nam đã bắt đầu chạm tay được vào giấc mơ đó.

Còn gì tốt hơn thế!

Nhưng Apple chỉ là một chuyện, chuyện vui khác là sau đó, các “cuộc chơi” tỷ USD đã tiếp tục ở Việt Nam. Lần lượt 3 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư. Chưa hết, liên tiếp các thương vụ “khủng” được thực hiện. Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã chi 410 triệu USD mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce. Cuối năm, thêm một lần nữa, SK đã chi 340 triệu USD để mua cổ phần công ty con của Tập đoàn Masan… Nhưng “khủng” nhất phải kể đến thương vụ Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui đã chi 1,37 tỷ USD mua 49% vốn của FE Credit qua Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC...

Thương vụ khủng, dự án tỷ USD đã khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam có bước xoay chuyển ngoạn mục, ban đầu là giảm, sau đó qua từng tháng, tăng dần, bước qua đà giảm để thực sự có bước tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng niềm vui chưa trọn, bởi vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần vẫn giảm mạnh. Và bởi, khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát dữ dội ở Việt Nam, các biện pháp phong tỏa, giãn cách được áp dụng trên diện rộng, đã có nỗi lo rằng, Việt Nam sẽ mất đơn hàng, mất cả nhà đầu tư.

Nỗi lo đó là có thật, đến nỗi, suốt từ thời điểm tháng 8, trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài luôn nhấn mạnh, do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất, nên nhiều đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Và rằng, tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu tình trạng này kéo dài, thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác.

May thay, nỗi lo đó đã không xảy ra. Bởi đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19. Không còn chuyện ngăn sông, cấm chợ. Không có chuyện mỗi nơi áp dụng biện pháp chống dịch một kiểu…

Khi chuỗi cung ứng được “hàn gắn”, hoạt động sản xuất quay lại trạng thái bình thường mới, nhà đầu tư đã ở lại. Nike, nhà đầu tư được cho là đã chuyển một phần đơn hàng sang nước khác, đã rất nhanh chóng khôi phục hoàn toàn các hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Các hiệp hội đầu tư nước ngoài khẳng định, chưa có dự án nào chuyển đi, họ đã và sẽ tiếp tục ở lại, vì niềm tin với Việt Nam.

Niềm tin đó dường như đang từng bước được nhân lên, bởi ngay sau khi ký ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lên đường sang châu Âu, sau đó là sang Nhật Bản và sau mỗi chuyến đi, rất nhiều cam kết tỷ USD được ký kết. Tất cả hứa hẹn nhiều dự án ngàn tỷ sẽ đổ vào Việt Nam trong nay mai.

Không phải chờ quá lâu, “đại bàng” thực sự đã đến. Không chỉ là những tên tuổi cũ, mà nay có Amkor, có LEGO…, với những dự án tỷ USD đang chờ được cấp phép. Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, nhà đầu tư vẫn tới tận Việt Nam để tìm hiểu và đưa ra cam kết lớn, thì hẳn quyết tâm đó là lớn lắm. Dự án sẽ sớm thành hình, sớm triển khai và đóng góp cho kinh tế - xã hội Việt Nam, như 35 năm Đổi mới vừa qua, khu vực đầu tư nước ngoài đã từng…

Năm mới, kỳ vọng mới

Thêm một năm Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài thành công. Không chỉ về lượng, mà cả về chất. Trong rủi có may, Covid-19 là cuộc sàng lọc các dự án quy mô nhỏ và cả các dự án chỉ đến để “giữ chỗ”. Năm 2021, số lượng dự án quy mô nhỏ dưới 5 triệu USD giảm 33,9%, các dự án có quy mô nhỏ dưới 1 triệu USD giảm 33,2% so với năm 2020.

Cũng không quá khó để nhận ra, các dự án trong các lĩnh vực công nghệ, chế biến, chế tạo chiếm ưu thế khá lớn. Thế nên, trong một báo cáo gần đây, Savills Việt Nam đã khẳng định, bất chấp một năm 2021 đầy thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục chuyển đổi từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp có giá trị cao.

“Các ngành công nghiệp giá trị thấp dần dần hình thành ở những khu vực khác tại Đông Nam Á. Nguyên nhân là Việt Nam không còn áp dụng các chính sách ưu đãi như trước, nên việc tìm kiếm nguồn lao động cũng như đất đai giá rẻ tại Việt Nam trở nên khá khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư của những ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”, ông John Campbell, Quản lý Bộ phận Bất động sản công nghiệp (Savills Việt Nam) nói.

Cứ nhìn các dự án mà Nghệ An, Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm nay, hay các cam kết đầu tư mới của LG Display, rồi Intel… là đủ thấy điều này. Hơn thế, dự án tỷ USD mà Lego vừa cam kết đầu tư, có thể nói, đã tạo ra bước ngoặt quan trọng về xu hướng đầu tư thế hệ mới, thời của kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

Hôm thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án này được ký kết, ông Carsten Rasmussen, Giám đốc vận hành của Lego đã cho biết, đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn. Sẽ là những tấm pin năng lượng mặt trời được đặt trên mái nhà máy và tiếp theo, một nhà máy năng lượng mặt trời sẽ được xây dựng kế bên, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng hàng năm của Dự án... Đây chính là dòng đầu tư thế hệ mới mà Việt Nam đang hướng tới.

Dự án này dường như đang mở ra những kỳ vọng mới về thu hút FDI của Việt Nam trong tương lai, không chỉ tăng về chất, mà cả về lượng. Càng tin chắc vào điều đó khi nghe ông Nguyễn Quang Thành, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh chia sẻ, thời gian qua, Bắc Ninh kiên định thực hiện tiêu chí “2 ít và 3 cao” (ít sử dụng lao động, ít sử dụng đất; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao) để thu hút đầu tư. Đồng thời, thực hiện “5 sẵn sàng”, gồm sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch. Ngoài ra, Bắc Ninh còn có cơ chế, chính sách nhằm giữ chân và tạo niềm tin với nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nếu địa phương nào cũng làm được thế, vốn đầu tư sẽ tiếp tục chảy vào…

Những ngày cuối năm 2021, nghe tin các đường bay quốc tế sắp được mở, lại kỳ vọng và tin tưởng, sẽ có những chuyên cơ chở tỷ phú tiếp tục đến Việt Nam. Và nghe đâu, cả giấc mơ iPhone sẽ được sản xuất tại Việt Nam cũng không còn xa…

Các dấu ấn thu hút đầu tư nước ngoài năm 2021

Tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, có 3 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư, gồm Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD tại Long An; Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, tại Cần Thơ; Dự án tăng vốn của LG Display Hải Phòng, với 2 lần điều chỉnh, tổng vốn tăng thêm là 2,15 tỷ USD.

Để thu hút đầu tư, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng. Một trong số đó là cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn. Bên cạnh đó, Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn đến năm 2030 cũng đã được ban hành.

Tin bài liên quan