FDI có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế
Sáng nay (4/10), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành địa phương tổ chức Hội nghị "30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam - Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những thành tựu nổi bật của việc thu hút FDI trong 30 năm qua.
Theo Bộ trưởng, đường lối đổi mới, mở cửa được Đảng khởi xướng từ năm 1986 và được cụ thể hóa vào Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987. Đây là quyết sách mang tính lịch sử, thể hiện tư duy của Đảng và Nhà nước trong quan hệ đối ngoại trong công cuộc phát triển dất nước.
FDI giúp đưa Việt Nam từ 1 nước kém phát triển trở thành 1 nước có thu nhập trung bình. Trong những năm đầu, FDI đã góp phần xóa bỏ bao vây cấm vận, thúc đẩy tiến trình hội nhập và khơi dậy nguồn lực trong nước, đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tính đến tháng 8/2018, đã có hơn 26.590 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD còn hiệu lực.
FDI có đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, số thu nộp ngân sách của khu vực FDI tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước.
Hội nghị 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam thu hút hơn 3.500 đại diện các bộ, ngành, địa phương, Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học, các hiệp hội và nhà đầu tư tham dự - Ảnh: Dũng Minh
Về kinh tế, FDI đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức đóng góp của khu vực FDI trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017.
FDI cũng góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với tỷ trọng 58,2% vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Đầu tư nước ngoài còn góp phần phát triển khu vực công nghiệp, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: Viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin,… tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn.
Khu vực FDI đã có đóng góp đáng kể vào việc phát triển một ngành dịch vụ chất lượng cao ở Việt Nam trong những năm qua, như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, giáo dục đào tạo, y tế, du lịch…
Đồng thời, còn là nhân tố góp phần chuyển đổi không gian phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Ngoài ra, đầu tư nước ngoài còn tạo thuận lợi cho Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong 30 năm qua, nhiều dự án đầu tư nước ngoài đã chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến ở một số ngành, lĩnh vực; tác động lan tỏa nhất định tới khu vực dn trong nước, qua đó góp phần nâng cao trình độ công nghệ và quản trị của nền kinh tế.
Việc thu hút và sử dụng FDI đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng khu vực FDI cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục.
Cụ thể, mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng. Thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI còn khiêm tốn. Thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế, còn hiện tượng một số dn chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường. Hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao.
Hiện Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm khắc phục các vấn đề này thời gian tới.
Kỳ vọng mới kỷ nguyên mới
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao tiên tiến, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Việt Nam sẽ ưu tiên các ngành công nghiệp cao, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, y tế - giáo dục đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kết cấu hạ tầng, các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0. Đồng thời, nhất trí không thu hút những dự án có công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường từ tất cả các thị trường, đối tác.
Bộ trưởng cũng cảm ơn và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp đến với Việt Nam trong tâm thế của những nhà đầu tư có thiện chí có trách nhiệm để đầu tư lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị - Ảnh: Dũng Minh
Phát biểu tại Hội nghị, ông Michael Kelly, Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam) khẳng định, hướng tới 30 năm tiếp theo, Việt Nam có những cơ hội tuyệt vời trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Kelly, cộng đồng các doanh nghiệp Hoa Kỳ mới có mặt ở đây 24 năm, nhưng cũng có nhứng tác động tích cực. Hiện nhà đầu tư từ Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên quan điểm lạc quan về tương lai khi vào Việt Nam, tuy nhiên Chính phủ Việt Nam cũng cần đảm bảo tính công bằng, khách quan, Luật Đầu tư kèm theo những điều khoản rõ ràng để đảm quyền lợi cho nhà đầu tư.
"Một sân chơi bình đẳng không chỉ để thu hút, mà còn để giữ chân nhà đầu tư", ông Kelly nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đánh giá, với môi trường đầu tư ưu đãi của Việt Nam và sự cạnh tranh trong chi phí sản xuất, tầng lớp trung lưu phát triển…, Việt Nam thực sự là một điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại leo thang chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
Ông Audier bày tỏ kỳ vọng lớn vào Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp Việt Nam được tiếp cận thị trường 500 triệu người của châu Âu mà không có rào cản thuế quan.
Việt Nam có tiềm năng trở thành 1 trung tâm trung chuyển về thương mại và đầu tư trong khu vực, điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế và sự cởi mở của đất nước.
Trong tương lai, nguồn vốn sẽ đến từ cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ cao, Việt Nam cần xem xét mở cửa thị trường cho các lĩnh vực tài chính, logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành này.