Sự trở lại của liên doanh
Thông tin cho biết, nhiều khả năng, tháng 10 tới, Dự án Thành phố thông minh, quy mô vốn đầu tư 4,138 tỷ USD, sẽ bắt đầu được triển khai thực hiện.
Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn nhất được cấp chứng nhận đầu tư kể từ đầu năm tới nay. Và điều quan trọng, dự án này do Liên doanh BRG và Sumitomo phát triển, trước mắt, giai đoạn I có quy mô hơn 73 ha, tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.
Có lẽ, đã từ lâu, Việt Nam mới có một dự án FDI theo hình thức liên doanh có quy mô lớn như vậy. Dù chưa rõ ràng và dù vẫn còn khá ít ỏi so với hình thức 100% vốn nước ngoài, song Dự án Thành phố thông minh như một cột mốc đánh dấu xu hướng trở lại của hình thức liên doanh trong thời gian gần đây.
Trung tuần tháng 6 vừa qua, Công ty AAPICO Hitech (Thái Lan) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc thành lập một liên doanh dập và hàn các chi tiết thân vỏ xe với Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VINFAST (Việt Nam).
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD, trong đó AAPICO nắm 51% vốn, VINFAST nắm 49%.
Ngoài hai dự án này, có thể kể hàng loạt liên doanh lớn được thành lập trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức - Thuduc House (DWTD) thỏa thuận lập công ty liên doanh với Công ty TNHH Chế tạo công nghiệp và Gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (VMEP) để đầu tư một dự án phức hợp tại quận Hà Đông (Hà Nội), với quy mô vốn 115 triệu USD.
Cuối năm ngoái, Mitsubishi Corporation và Phuc Khang Corporation đã liên doanh để đầu tư, phát triển dòng sản phẩm Diamond Lotus. Cũng Mitsubishi hồi giữa năm 2016 đã liên doanh với Bitexco để phát triển dự án nhà ở tại Hà Nội.
Xu hướng này đã từng được ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG nhấn mạnh, chưa bao giờ ông cảm nhận rõ sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam cao như những tháng gần đây.
Và điều đáng nói là, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến tư vấn đều quan tâm đến hình thức thành lập liên doanh, mua cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động.
“Liên doanh này là thực chất chứ không phải vì nhà đầu tư muốn tránh né các quy định pháp luật hoặc cơ chế, chính sách. Họ muốn tranh thủ sự hiểu biết về thị trường, khả năng kết nối khách hàng, nguồn nhân lực… của các đối tác Việt Nam trong liên doanh”, ông Ái nói.
Việt Nam sẽ được hưởng lợi?
Trao đổi với Báo Đầu tư, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cũng nhắc tới xu hướng quay trở lại của liên doanh.
Theo GS. Nguyễn Mại, 30 năm trước đây, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa thu hút FDI, dù pháp luật Việt Nam vẫn cho phép hình thức 100% vốn nước ngoài, song hầu hết nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đều lựa chọn hình thức liên doanh cho an toàn vào thời điểm còn “lạ nước, lạ cái”.
Vào thời điểm đó, hầu hết đối tác liên doanh trong nước đều góp vốn bằng đất và đã từng có nhiều trường hợp, sau một thời gian liên doanh, kinh doanh thua lỗ thì đối tác Việt Nam đành buông bỏ, đối tác nước ngoài nắm trọn dự án.
Sau thời gian đầu “bỡ ngỡ”, thì sau này, phần lớn các dự án FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam đều theo hình thức 100% vốn nước ngoài.
Thế nên mới có chuyện, tính đến hết tháng 6/2018, lũy kế Việt Nam có 25.953 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 331 tỷ USD, song trong số này chỉ có 3.873 dự án liên doanh, với tổng vốn đăng ký trên 74 tỷ USD, chiếm 22,3% về số vốn, nhưng lại chỉ chiếm chưa đến 15% về số dự án.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, xu hướng liên doanh đã bắt đầu trở lại, cùng với sự bùng nổ của đầu tư theo hình thức mua bán - sáp nhập (M&A).
“Sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, với những tên tuổi lớn như Vingroup, BRG, TH… là lý do khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn liên doanh với các doanh nghiệp trong nước để cùng hưởng lợi”, GS. Nguyễn Mại nói.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, từ đầu năm tới nay, đã có 98 công ty liên doanh được cấp chứng nhận đầu tư. Trong khi đó, con số của năm 2017 là 140, năm 2016 là 315, còn của 2 năm 2013 - 2014 là 544 liên doanh.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm, cả nước có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp gần 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Đây là con số rất đáng chú ý, bởi theo ông Don Lam, Chủ tịch VinaCapital Group, đã đến lúc cần thay đổi về quan niệm đầu tư nước ngoài, không chỉ “bó hẹp” khái niệm FDI như trước đây.
Mặc dù được gọi là vốn đầu tư gián tiếp, song đầu tư qua M&A cũng là cách để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn vào chính các doanh nghiệp Việt Nam và có tác động lan tỏa tới các doanh nghiệp này, bao gồm cả có thêm nguồn lực để đầu tư kinh doanh, học hỏi được kinh nghiệm quản trị tiên tiến lẫn chuyển giao công nghệ…
“Nếu hình thức liên doanh quay trở lại, thì tác động lan tỏa từ doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp trong nước sẽ tốt hơn”, GS. Nguyễn Mại nói.
Đó cũng chính là lý do mà thời gian gần đây, khi chuẩn bị cho tổng kết 30 năm thu hút FDI, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, cần khuyến khích hình thức liên doanh và cân nhắc loại hình 100% vốn nước ngoài.