Chuyện của 30 năm thu hút FDI
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Quốc gia cấp cao Việt Nam, Campuchia và Lào của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) gọi hành trình này là một “câu chuyện thành công”.
Với xuất phát điểm khởi xướng từ công cuộc đổi mới cách đây 30 năm đánh dấu bởi sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào năm 1988, FDI đã trở thành một trong những động lực chính của phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Với giá nhân công cạnh tranh, môi trường kinh tế và chính trị ổn định, hệ thống hạ tầng tương đối tốt và vị trí địa lý thuận lợi, khuôn khổ chính sách thương mại và đầu tư năng động, tất cả đã góp phần tạo nên mức tăng trưởng FDI kỷ lục trong các năm qua, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của dòng vốn FDI trong khu vực và trên thế giới.
Theo UNTCTAD, năm 2016, vốn FDI vào Việt Nam cao hơn dòng FDI vào các nước ASEAN khác, trừ Singapore. Tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, dòng FDI vào Việt Nam đã vượt dòng FDI vào Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như vào các nước ASEAN lớn, trừ Malaysia. Năm 2017, Việt Nam có mức giải ngân FDI kỷ lục, đạt 17,5 tỷ USD trong bối cảnh dòng FDI trên toàn cầu sụt giảm 23%.
Tính đến ngày 20/8/2018, cả nước có 26.500 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18-25% trong giai đoạn 1991 – 2017.
Vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017.
Bên cạnh đó, năng suất lao động của khu vực đầu tư nước ngoài luôn ở mức cao, đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế. Năm 2017, năng suất lao động của khu vực này đã cao hơn 3,7 lần năng suất bình quân chung của cả nước.
Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. 10 địa phương có nguồn thu ngân sách nhà nước lớn, 16 địa phương tự cân đối được ngân sách đều là những địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài.
Tầm nhìn chiến lược để viết tiếp câu chuyện thành công
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước vừa theo chiều hướng tích cực, nhưng cũng chứa đựng rủi ro, thách thức, cũng đang đặt ra yêu cầu phải có những thay đổi trong định hướng chiến lược về thu hút FDI giai đoạn tới.
Theo Bộ trưởng, thu hút và sử dụng vốn FDI phải thực chất hơn, cả về số lượng và chất lượng, theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng chiều sâu; đảm bảo phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và trình độ, năng lực sáng tạo của lực lượng lao động Việt Nam.
Về định hướng ngành, Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Về chủ thể, quan điểm của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Cùng với đó, sẽ tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày..., nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Về thị trường và đối tác, Bộ trưởng cho rằng, cần đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng, bên cạnh coi trọng các thị trường, đối tác hiện tại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Đức, Anh...
Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.
Với tầm nhìn mới và cách làm mới, dòng vốn FDI giai đoạn tới được nhà quản lý và các chuyên gia kỳ vọng sẽ tiếp tục góp sức, viết nên câu chuyện thành công trong nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam thực hiện chủ trương hợp tác FDI có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm nền kinh tế
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trong bối cảnh nền thế giới đang có nhiều biến động, cạnh tranh gay gắt, đan xen cả cơ hội và thách thức, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa mạnh mẽ tới từng doanh nghiệp, người dân, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tập trung làm tốt 6 nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điều không dễ, đòi hỏi phải thống nhất tư tưởng, nhận thức về hợp tác FDI và triển khai đồng bộ, sáng tạo các biện pháp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Thứ hai, hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, đảm bảo sự tương thích, đồng bộ pháp luật giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan với các cam kết quốc tế. Trong đó, thực hiện chủ trương hợp tác FDI có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ.
Không xem xét mở rộng quy mô và gia hạn thời hạn hoạt động đối với các dự án FDI khai thác tài nguyên, khoáng sản không gắn với chế biến sâu; dự án sử dụng công nghệ thấp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; dự án thâm dụng lao động ở các thành phố đã có trình độ phát triển cao. Kiên quyết thu hồi diện tích đất được giao, cho thuê và sử dụng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật. Giải quyết dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp FDI, ngăn ngừa và hạn chế khả năng xảy ra tranh chấp đầu tư quốc tế.
Thứ ba, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp FDI trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ...
Thứ tư, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.
Thứ năm, tạo cơ chế kết nối các hoạt động xúc tiến về đầu tư, thương mại, du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến.
Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý nhà nước về FDI giữa các cơ quan trung ương và địa phương, ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước về FDI.
Tôi tin rằng, với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, sự chỉ đạo triển khai quyết liệt của các cơ quan Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ không ngừng được cải thiện mang tính cạnh tranh với khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển quốc gia và bảo đảm hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Nhiều nguồn vốn ngoại sẽ đổ vào Việt Nam
Việt Nam đang tham gia vào 12 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với 56 nền kinh tế trên toàn thế giới. Đây là nền tảng để Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện khung pháp lý, tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tăng sức hấp dẫn các dòng vốn.
Việt Nam cần xem xét mở cửa thị trường cho các lĩnh vực như dịch vụ tài chính và hậu cần để thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho các ngành này. Những ngành trọng điểm như y tế và giáo dục vẫn cần được chú trọng đầu tư để cập nhật tri thức và kỹ năng tốt nhất trên toàn cầu.
Ông Nicolas Audier, Đồng Chủ tịch EuroCham
Khu vực FDI góp phần đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô
Kể từ năm 1989, khi Hà Nội ghi nhận những dự án FDI đầu tiên được cấp phép (với 4 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 48 triệu đô la Mỹ), thu hút FDI liên tục tăng trưởng cả về số lượng dự án và vốn đăng ký. Lũy kế đến tháng 9/2018, Thành phố có 4.372 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt 33 tỷ 381 triệu USD.
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, góp phần xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại, với các công trình thương mại, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu biểu như:
Tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Keangnam cao 72 tầng, trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng Lotte cao 65 tầng, các trung tâm thương mại Aeon MALL, các khách sạn 5 sao quốc tế như Metropole, Hilton, Sheraton… Những công trình này đã góp phần đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố được xếp hạng có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội