Phiên thảo luận “Kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo ngành dược”

Phiên thảo luận “Kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo ngành dược”

Thu hút đầu tư nước ngoài ngành dược: Quan trọng là việc phối hợp, tháo gỡ vướng mắc

(ĐTCK) Nguồn lực quốc tế có thể giúp giảm gánh nặng về tiếp cận thuốc, tăng cường uy tín cho Việt Nam trong khu vực trong lĩnh vực y tế, thậm chí có thể giúp Việt Nam trở thành lựa chọn của người bệnh tại khu vực Đông Nam Á.

Ngày 25/9/2024, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo: “Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển ngành y dược” với sự hiện diện của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia hàng đầu cùng lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Một trong những trọng tâm trong việc sửa đổi thể chế ngành dược là việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Darrell Oh, Chủ tịch Pharma group, Eurocham - đơn vị đại diện cho 21 công ty thành viên đến từ các quốc gia châu Âu tại Việt Nam cho biết, vấn đề quan trọng là yếu tố chính sách, không chỉ Bộ Y tế mà các cơ quan khác liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đẩy hoạt động đầu tư. Nguồn lực quốc tế có thể giúp giảm gánh nặng về tiếp cận thuốc, tăng cường uy tín cho Việt Nam trong khu vực trong lĩnh vực y tế, thậm chí có thể giúp Việt Nam trở thành lựa chọn của người bệnh tại khu vực Đông Nam Á.

Ông Darrell Oh, Chủ tịch Pharma group, Eurocham

Ông Darrell Oh, Chủ tịch Pharma group, Eurocham

“Có nhiều quốc gia cũng đang sửa đổi các chính sách về dược để tăng cường đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư nước ngoài ngành dược. Ví dụ gần đây, Nhật Bản có chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp sự sẵn có của thuốc nhanh hơn phục vụ người bệnh, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Nhật Bản đầu tư 7 tỷ USD mỗi năm cho phát triển ngành dược.

Tôi nhận thấy có 3 yếu tố chính mà Việt Nam có thể học hỏi: Thứ nhất là chiến lược rõ ràng, tập trung cụ thể vào đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm - dịch vụ giá trị cao. Thứ hai là đơn giản hoá thủ tục thông qua các chính sách và thu hút đầu tư. Thứ ba là thể chế cụ thể, có ban chỉ đạo cấp quốc gia, trước khối lượng công việc lớn thì các bộ ngành cần phối hợp với nhau”, ông Darrell Oh cho biết.

Về các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại ngành dược, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư nước ngoài lĩnh vực y tế tại Việt Nam hiện chỉ có khoảng 160 dự án, giá trị ký kết khoảng 1,8 tỷ USD và có mặt tại 13 tỉnh thành.

“Chúng tôi rất trân trọng sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn ngành dược tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, đầu tư vào ngành dược còn rất khiêm tốn khi Việt Nam thu hút được hơn 40.000 dự án đầu tư nước ngoài”, ông Chung cho biết.

Một số đặc điểm khác của hoạt động đầu tư nước ngoài ngành dược tại Việt Nam bao gồm: đa phần các doanh nghiệp tập trung tại Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), trong khi các trung tâm y tế hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu thì gần như không có.

Các dự án đầu tư vào 13 địa bàn, nhưng chủ yếu tập trung vào các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội tốt như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Điều này cũng thể hiện điều kiện kinh tế xã hội tốt tác động tới đầu tư nước ngoài ngành y tế.

Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

“Những ưu đãi dành cho đầu tư vào ngành y dược đều ở mức cao nhất. Chúng tôi vẫn tiếp tục ghi nhận để có các ưu đãi chi tiết hơn, nhất là với các ngành đặc biệt khuyến khích. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng, khi hình thành các trung tâm phát triển y dược, hiện tại theo quy hoạch là tại Bắc Ninh, Long An, Thái Bình… các địa phương cũng đang rất quyết liệt, trao đổi với chúng tôi để rà soát các luật…, thì sẽ nhận được các dự án đầu tư lớn.

Trong thu hút đầu tư ngành dược, điều kiện kinh tế - xã hội có tác động lớn. Hiện tại, thu nhập của người dân đã bước sang giai đoạn thu nhập trung bình, các điều kiện được cải thiện, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển biến, phát triển mạnh mẽ, gần đây xu thế đầu tư các dự án, tổ hợp, khu công nghiệp, chuyên thu hút đầu tư y dược đã hình thành. Các nguồn lực và điều kiện sẽ được rà soát và có thể tạo ra đột phá trong thu hút đầu tư vào ngành y dược”, ông Chung chia sẻ.

Đánh giá cao những định hướng sửa đổi trong Luật Dược, ông Trịnh Lương Ngọc, Luật sư thành viên Vilaf cho biết, Luật Dược sửa đổi có tác động tích cực theo 2 hướng. Đầu tiên, việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, cấp giấy phép lưu hành... làm doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đăng ký sản phẩm dược, đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, điều này giúp giá thuốc có thể tốt hơn, người dân có thể tiếp cận thuốc chất lượng cao.

Thứ hai là việc doanh nghiệp nước ngoài có thể sản xuất, chuyển giao sản phẩm cho doanh nghiệp việt, mang ý nghĩa khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài làm việc nhiều hơn với doanh nghiệp trong nước. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước học hỏi và sản xuất sản phẩm mới.

Ông Trịnh Lương Ngọc, Luật sư thành viên Vilaf

Ông Trịnh Lương Ngọc, Luật sư thành viên Vilaf

“Nhà đầu tư nước ngoài không chỉ chú trọng tới ưu đãi đầu tư. Khi quyết định đầu tư, họ quan tâm tới việc phối hợp, tháo gỡ vướng mắc giữa các đơn vị, giữa trung ương và địa phương, bởi dự án có thể kéo dài hàng năm mới triển khai được”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Tin bài liên quan