Lắp ráp thiết bị điện tử tại nhà máy của Công ty TNHH Sankoh Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Dấu hiệu của sự khởi sắc
Đúng như nhận định của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) rằng, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ “khởi sắc hơn”, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dần trở nên tích cực hơn. “Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm, thì vốn đầu tư mới và góp vốn, mua cổ phần tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định khi công bố số liệu tổng hợp về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, đến ngày 20/8/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu mới đạt 8,87 tỷ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 4,47 tỷ USD, tăng 62,8%. Riêng vốn tăng thêm chỉ đạt 4,53 tỷ USD, giảm 39,7%.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tiếp tục có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng so với các tháng đầu năm. Mức giảm của 8 tháng chỉ còn 39,7%, thấp hơn mức giảm 42,5% trong 7 tháng, cũng như các mức giảm 57,1% trong 6 tháng; 59,4% trong 5 tháng; 68,6% trong 4 tháng; 70,3% trong 3 tháng và mức giảm 85,2% trong 2 tháng đầu năm 2023.
“Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ (830 lượt tăng vốn, tăng 22,8% so với cùng kỳ - PV). Điều này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhận xét.
Hơn thế, không chỉ vốn đăng ký, mà vốn thực hiện cũng tích cực hơn sau 8 tháng. Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính tới ngày 20/8/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 0,5 điểm phần trăm so với 7 tháng đầu năm.
Như vậy, cả vốn đăng ký và vốn thực hiện đều tích cực hơn. Chưa đủ để khẳng định khó khăn đã qua đi, song điều này cho thấy, khẳng định của các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài về tiềm năng và cơ hội của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài là có thật.
Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ 3, do Báo Đầu tư tổ chức cách đây ít hôm, điều này một lần nữa được khẳng định. “Thực sự, Việt Nam đang có được số lượng nhà đầu tư tăng đều đặn qua các năm và nếu tiếp tục như này, việc đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới sẽ không có gì là giới hạn”, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C nói.
Theo ông, Việt Nam có cơ hội đón được nhiều hơn các nhà đầu tư quốc tế nhờ lợi thế tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế, có giá thuê đất thấp hơn so với các nước ASEAN và xu hướng Trung Quốc+1 vẫn tiếp tục.
Tổng vốn nước ngoài đầu tư mới và góp vốn, mua cổ phần trong 8 tháng qua tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Đón dòng vốn mới
Gần như trùng với thời điểm các nhà đầu tư, các chuyên gia thảo luận về “cơ hội đón dòng vốn mới” tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ 3, thì ông Akito Shiraishi, Phó tổng quản lý Ban Kinh doanh hạ tầng tiếp vận, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long đã tới Nam Định để tìm kiếm cơ hội đầu tư, sau khi đã thành công với các khu công nghiệp tại Hưng Yên và Vĩnh Phúc. “Sumitomo sẽ nghiên cứu để quyết định đầu tư một dự án hạ tầng khu công nghiệp tại Nam Định với quy mô từ 300 ha trở lên”, ông Akito Shiraishi nói.
Trong khi đó, kế hoạch phát triển một khu VSIP tại Thái Bình cũng được báo cáo lên các cơ quan chức năng, sau khi các kế hoạch mở VSIP tại Cần Thơ, hay Nghệ An đang được thực hiện và mở rộng hơn.
Không có lý giải nào hợp lý hơn việc các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã nhìn thấy các cơ hội mà Việt Nam có thể có được trong thời gian tới, khi khu vực Đông Nam Á, nói như ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đang nổi lên như một “bệ đỡ” cho sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ông Sử cũng đã nhắc đến sự dịch chuyển gần đây của các nhà đầu tư từ Âu, Mỹ. Theo đó, họ đã quan tâm đầu tư vào Việt Nam hơn. Một bằng chứng là mới đây, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip. Sự xuất hiện của Amkor, rồi Victory Gaint Technology, Runergy… là minh chứng của điều này.
Tuy vậy, làm sao để không bỏ lỡ cơ hội đón dòng vốn đó vẫn là câu hỏi luôn được đặt ra và không dễ có được câu trả lời thỏa đáng nhất, khi mà cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt. Môi trường đầu tư, các vấn đề về hạ tầng, năng lượng, chất lượng nguồn nhân lực… là điều luôn được các nhà đầu tư nhắc tới. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cũng là vấn đề quan trọng, nhất là trong thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn.
Thông tin cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã đưa ra lấy ý kiến công luận Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Theo đó, có 4 nhóm đối tượng dự kiến được áp dụng chính sách này.
Theo Dự thảo Nghị quyết, các hình thức hỗ trợ được đề xuất là hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và hệ thống công trình hạ tầng xã hội; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; hỗ trợ việc R&D. Các khoản hỗ trợ này được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước… Việc thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ này được áp dụng từ tháng 1/2024, nếu được Quốc hội thông qua và sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm.
Động thái quan trọng trên được cho là sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bởi thời gian qua, đã có chuyện nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn “lừng chừng, suy tính” trong ra các quyết định đầu tư lớn vào Việt Nam…
Bốn nhóm doanh nghiệp dự kiến được thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao
Doanh nghiệp có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao;
Doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm;
Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm;
Doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) có quy mô vốn trên 3.000 tỷ đồng.