Bài 5: Đại bàng xây tổ
Cơ hội và lợi thế là có thật, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài gay gắt như hiện nay, Việt Nam phải nỗ lực xây tổ để đón “đại bàng”. Thậm chí, phải làm sao để “đại bàng” đến Việt Nam làm tổ, bám rễ...
“Cầm vàng lại để vàng rơi”
Đầu tháng 11/2023, truyền thông Việt Nam xôn xao trước thông tin Intel “gác” kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam. Dù thông tin này sau đó không được phía Intel Việt Nam xác nhận, nhưng đó có thể là một câu chuyện có thật. Bởi tầm 2 năm trước, Intel từng lên kế hoạch đầu tư giai đoạn II tại Việt Nam, với quy mô lên tới hàng tỷ USD, nhưng gần đây, dự án này không được nhắc đến.
Thay vào đó, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới đã tuyên bố đầu tư tới hơn 30 tỷ euro (33 tỷ USD) vào Đức như một phần trong kế hoạch mở rộng tại châu Âu, đồng thời công bố kế hoạch đầu tư một nhà máy chip 4,6 tỷ USD ở Ba Lan. Cả Đức và Ba Lan dường như đều đang sẵn sàng dành cho Intel những khoản hỗ trợ không nhỏ, bằng tiền mặt.
Bởi thế, dù nguồn tin của Reuters cho biết, việc Intel hủy kế hoạch đầu tư mở rộng ở Việt Nam do lo ngại về sự ổn định của nguồn cung cấp điện và thủ tục hành chính, song giới chuyên gia cho rằng, việc này có thể có liên quan đến các cam kết hỗ trợ của đối tác trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng tại một số quốc gia từ năm 2024. Trong khi đó, Việt Nam chưa đưa ra được các cam kết hỗ trợ đầu tư cụ thể, dù thông tin tích cực gần đây là Quốc hội đã thống nhất sẽ tham gia “sân chơi” thuế tối thiểu toàn cầu và bắt đầu áp dụng Cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) từ năm 2024, đồng thời sẽ nghiên cứu để ban hành các biện pháp hỗ trợ bổ sung cho nhà đầu tư.
Không chỉ dự án của Intel, đã từng có những cơ hội tỷ USD, mà Việt Nam đã bỏ lỡ. Cách đây 2 năm, nhà đầu tư AT&S (Áo) đã tới Việt Nam tìm cơ hội đầu tư một dự án bán dẫn 1,6 tỷ euro. Cơ hội là rất lớn, AT&S đã thảo luận với một số địa phương về việc phát triển dự án này. Nhưng cuối cùng, nhà đầu tư đã quyết định chọn Malaysia, với lý do Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Tưởng đã cầm được vàng, nhưng cuối cùng lại để vàng rơi”. GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng đã nhiều lần nói trong tiếc nuối với phóng viên Báo Đầu tư về những cơ hội mà Việt Nam đã bỏ lỡ. Một trong số đó là thời điểm năm 1995, khi khủng hoảng tài chính nổ ra ở châu Á, đồng bath sụt giá, nhà đầu tư rút vốn ồ ạt ra khỏi Thái Lan, làm chao đảo cả khu vực. Lẽ ra, vốn đầu tư đã có thể chảy mạnh vào Việt Nam, nhưng không…
“Sai lầm khi đó là chúng ta lại đi sửa Luật Đầu tư nước ngoài, bởi cho rằng đã ưu đãi quá đáng cho khu vực này, cần siết lại. Giá đừng sửa luật thì khi Thái Lan, Malaysia… ‘cháy nhà’, người ta sẽ sang Việt Nam. Nhưng rồi chính chúng ta lại ‘đốt nhà’ trước”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
Thuế tối thiểu toàn cầu là một “cuộc chơi” mới, khiến mọi ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các “đại bàng” bị vô hiệu quá. Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng là một xu thế không thể đảo ngược, nhưng thiếu thể chế, chính sách thì sẽ không thể khuyến khích được các dự án lớn. Các vấn đề về điện, nước, đất đai, cơ sở hạ tầng, nhân lực, công nghiệp hỗ trợ… vẫn được các nhà đầu tư nhắc tới, vẫn là điểm yếu khiến đôi khi, nhà đầu tư phải “nâng lên đặt xuống”…
“Nhà đầu tư không tự dưng tìm đến. Nếu không tiếp tục cải cách và có các thể chế chính sách vượt trội và cạnh tranh, sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết, chúng ta có thể bỏ lỡ mất cơ hội của mình”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Đừng để nhà đầu tư mỏi chân
Hôm làm việc với đoàn doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói với các nhà đầu tư: “Các nhà đầu tư đừng đi đâu mỏi chân. Intel cũng đừng đi đâu, mỏi chân. Các nhà đầu tư cần gì, hãy kiến nghị, chúng tôi sẽ sẵn sàng đáp ứng”.
Một câu nói vui, nhưng đầy ý nghĩa, về tâm thế sẵn sàng của Việt Nam để đón đợi các cơ hội chiến lược ở phía trước. Nhưng tâm thế thôi chưa đủ.
Chưa nói tới các ngành công nghiệp khác, một thông tin rất đáng chú ý là, mặc dù áp dụng được nhiều công nghệ tiên tiến trong thời gian qua, nhưng việc sản xuất bán dẫn tiêu tốn lượng điện và nước khủng khiếp.
Chẳng hạn, một nhà máy của Intel tại bang Arizona (Mỹ) đã sử dụng 41 triệu lít nước/ngày, hay Tập đoàn TSMC năm 2021 sử dụng lượng điện chiếm 6% của toàn lãnh thổ Đài Loan.
Nhân lực công nghệ cao cũng là một vấn đề không nhỏ. Chưa kể, theo ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Mỹ, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần hình thành chiến lược phát triển ngành và có các chính sách khuyến khích, trong đó có ưu đãi về thuế.
“Cũng cần phải xác định, Việt Nam sẽ phát triển trong lĩnh vực nào, thiết kế, sản xuất hay đóng gói, kiểm thử? Các bạn sẽ đặt trung tâm của ngành ở đâu?”. Câu hỏi này của ông John Neuffer cũng đồng thời là câu hỏi mà Việt Nam cần trả lời.
Liệu Việt Nam có thể đáp ứng? Chia sẻ về sự sẵn sàng của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã thông qua Quy hoạch Điện VIII và cũng đang dồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển… để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Chuyến đi này chắc chắn sẽ mở ra những chuyến đi lần sau. Tôi sẽ trở lại Việt Nam, trở về quê hương thứ hai của Nvidia.
- Ông Huang Jensen, Chủ tịch Nvidia
Hiện nay, chiến lược phát triển ngành bán dẫn đang được Chính phủ Việt Nam giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng Đề án đào tạo 50.000 nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn vào năm 2030 và đang nỗ lực biến các nỗ lực này thành hiện thực. Một nghị định về việc thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành bán dẫn cũng đang tích cực được xây dựng và dự kiến được ban hành vào giữa năm 2024…
Nhưng nếu không muốn nhà đầu tư “mỏi chân”, thì có lẽ, Việt Nam cần “nhanh chân” hơn nữa. Bởi giữa “quy hoạch”, “kế hoạch” và “thực tế” là một khoảng cách khá xa.
Tỷ phú Jensen Huang của Nvidia đúng là rất yêu Việt Nam và đánh giá cao cơ hội ở đây, nhưng chuyến thăm Đông Nam Á vừa rồi, ông không chỉ tới Việt Nam, mà còn tới 3 quốc gia khác nữa. Cũng giống như thế, AT&S cách đây hơn 2 năm không chỉ đến Việt Nam, mà còn tới cả Malaysia và các nước khác trong khu vực. Có người đến rồi trở lại, có người đến rồi đi, tất cả phụ thuộc vào phản ứng chính sách của Việt Nam.
Hôm chia tay NIC, tỷ phú Huang Jensen nói: “Chuyến đi này chắc chắn sẽ mở ra những chuyến đi lần sau. Tôi sẽ trở lại Việt Nam, trở về quê hương thứ hai của Nvidia”. Ông nói, trong tràng vỗ tay nhiệt liệt của các doanh nghiệp Việt và các đại biểu có mặt ở khán phòng.
Nhưng vấn đề là, làm sao để câu nói này không chỉ là lời “xã giao”.
Bắt tay với đại bàng
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, là đại diện của thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam. Ông là người rất nhanh nhạy và thức thời. Bởi thế, thời gian gần đây, thấy ông liên tục có mặt trong các cuộc gặp gỡ quan trọng. Tất cả nhằm một mục đích rất lớn, đó là kết nối kinh doanh và tìm kiếm cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực bán dẫn, AI…
Nếu như với người Nhật, chất bán dẫn như gạo; với người Hàn, bán dẫn được ví như dầu khí; thì với FPT, bán dẫn được coi là mạch máu của sự sống. Thấu hiểu vai trò quan trọng của bán dẫn, AI, biết rằng ai nắm được AI và bán dẫn, người đó có thể dẫn dắt cuộc chơi công nghệ, nên FPT xác định, đó sẽ là hướng đi trọng tâm trong thời gian tới.
Thế nên, gần đây, FPT hợp tác chiến lược với Landing AI, công ty phần mềm thị giác máy tính và AI hàng đầu tại Mỹ, liên tiếp mua cổ phần của các công ty công nghệ Mỹ, như Cardinal Peak, Intertec International, hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản, mở thêm ngành đào tạo bán dẫn và trực tiếp thành lập một công ty về bán dẫn. Đến nay, sản phẩm chip nguồn của FPT đã qua giai đoạn nghiên cứu phát triển, đến giai đoạn sản xuất hàng loạt. FPT đã nhận được 70 triệu đơn hàng chip trên toàn thế giới đến năm 2025.
“AI, chip bán dẫn, điện tử là một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới”, ông Trương Gia Bình nói và cho biết, ông mong muốn đồng hành với Nvidia và các doanh nghiệp khác, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm thu hút nhân tài AI và bán dẫn trên khắp thế giới để góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và AI, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính.
Ông Bình không phải là người duy nhất có khao khát như vậy. Trong cuộc chơi công nghệ 4.0, Momo, VNG… cũng đang rất nỗ lực. Viettel mới đây cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Nvidia…
Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến đầu tư Đài Loan, trong chuyến công tác Việt Nam gần đây chia sẻ rằng, ông nhìn thấy “hình bóng” của các nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu Đài Loan trong FPT. Các doanh nghiệp của họ, nhiều năm trước đây, cũng bắt đầu với ngành bán dẫn như FPT bây giờ…
Một câu chuyện rất khác với hành trình 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài vừa qua, khi mà không nhiều doanh nghiệp Việt có thể tham gia cuộc chơi toàn cầu, có mặt trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Samsung cho đến nay vẫn là nhà đầu tư nổi bật nhất trong việc hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng.
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, đến nay, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 là doanh nghiệp Việt Nam, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.
Một nỗ lực tuyệt vời, nhưng chưa đủ. Đó là lý do vì sao, khi nhận định về chất lượng dòng đầu tư nước ngoài, nhiều chuyên gia vẫn nhắc tới một điểm yếu cố hữu về những tác động lan tỏa với kinh tế Việt Nam, về sự bám rễ còn lỏng lẻo của khu vực đầu tư nước ngoài với kinh tế trong nước…
Trong hành trình phía trước, thu hút và giữ chân đại bàng thôi chưa đủ. Phải làm sao để họ đến và ở lại, xây nhà, bám rễ và cùng với khu vực trong nước, đưa Việt Nam tăng tốc phát triển và hiện thực hóa được khát vọng thịnh vượng của dân tộc. Khi đó, Việt Nam mới thực sự thành công trong hợp tác đầu tư nước ngoài.