Thu hút đầu tư nước ngoài: Bước ngoặt 35 năm và cơ hội lịch sử - Bài 3: Chuẩn bị một 'cuộc chơi' chiến lược

0:00 / 0:00
0:00
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có sự chuyển biến lớn về “chất”. Đó là trái ngọt của một hành trình dài 35 năm nỗ lực, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, khi Việt Nam chủ động và quyết tâm chuẩn bị một “cuộc chơi” chiến lược.
Nghệ An đã vươn lên trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Nhà máy của Luxshare - ICT tại Nghệ An

Nghệ An đã vươn lên trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Nhà máy của Luxshare - ICT tại Nghệ An

Bài 3: Chuẩn bị một “cuộc chơi” chiến lược

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có sự chuyển biến lớn về “chất”. Đó là trái ngọt của một hành trình dài 35 năm nỗ lực, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, khi Việt Nam chủ động và quyết tâm chuẩn bị một “cuộc chơi” chiến lược.

Tác chiến” tại tổ đại bàng”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa trở về Việt Nam sau chuyến công tác tại Hàn Quốc. Sau khi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công du tới Nhật Bản, ông đã bay thẳng đến Hàn Quốc để thăm và làm việc với Tập đoàn Samsung tại Samsung Digital City, cũng như tới thăm các nhà máy sản xuất chip, hydrogen lỏng, nhà máy điện khí LNG của Tập đoàn SK…

Đây là hai tập đoàn có đầu tư lớn tại Việt Nam, nhưng có lẽ, mong mỏi của Bộ trưởng còn lớn hơn. Ông muốn Samsung tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước, muốn SK hỗ trợ và tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực bán dẫn, hydrogen...

Những năm gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng liên tục tới thẳng “đại bản doanh” của “đại bàng” để xúc tiến đầu tư. “Các nước đang cạnh tranh rất quyết liệt. Do vậy, để đón được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, phải ‘tác chiến’ với từng nhà đầu tư, từng dự án, thay đổi cách xúc tiến đầu tư, để đôn đốc, thúc đẩy họ sớm ra quyết định đầu tư, chứ nếu không sẽ mất cơ hội”, Bộ trưởng đã nhiều lần nói như vậy.

Không chỉ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong các chuyến công du nước ngoài, các nhà lãnh đạo đất nước cũng luôn “tranh thủ” gặp gỡ, trao đổi và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. “Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư hiện nay, phải ‘sục’ đến tận đại bản doanh của nhà đầu tư để ‘lôi kéo’ họ tới Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.

Sự nỗ lực, quyết tâm và thiện chí của Việt Nam đã lấy được niềm tin của các nhà đầu tư. “Chúng tôi chọn Việt Nam là vì những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong phát triển bền vững, cũng như quan hệ thương mại, hội nhập quốc tế của Việt Nam rất tốt”, ông Niels B. Christiansen, Tổng giám đốc điều hành LEGO nói.

Dự án có quy mô 1,3 tỷ USD của LEGO được đầu tư thành công tại Việt Nam, có thể nói, là nhờ “công” kết nối trực tiếp, cũng như hỗ trợ tìm địa điểm đầu tư của Thủ tướng và Phó thủ tướng. Đã có những cuộc điện đàm trực tiếp giữa lãnh đạo Chính phủ với CEO của LEGO. Tại Hội nghị COP26 ở Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp lãnh đạo Tập đoàn để “đốc thúc”. Để rồi sau đó, thỏa thuận được ký kết, dự án đang được triển khai và dự kiến có những sản phẩm đầu tiên vào cuối năm sau.

Giai đoạn Covid-19, khi mọi cánh cửa biên giới của các quốc gia bị đóng chặt, khi mọi chuyến bay bị ngưng trệ, các cuộc “tác chiến” với “đại bàng” được thực hiện với sự hỗ trợ của công nghệ. Liên tục các cuộc họp trực tuyến được tổ chức, với cả các tập đoàn lớn như Apple, SK, với cả các “ông lớn” ngành bán dẫn…

Dự án bán dẫn 1,6 tỷ USD của Amkor, như ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vẫn kể, “ra đời” trong những năm tháng đó. Tháng 8/2021, Amkor đã có thư gửi các cơ quan chức năng Việt Nam đề nghị tạo điều kiện để các chuyên gia cấp cao của Công ty tới làm việc. Khi ấy, với sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đoàn công tác của Amkor đã có được visa để thuận lợi tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, thảo luận và ký kết thỏa thuận triển khai dự án tại Bắc Ninh. Chỉ 2 năm sau, nhà máy của Amkor đã đi vào hoạt động.

“Tác chiến” tại “tổ đại bàng” đã thành công.

Bước chuyển chiến lược

Để có được những thành công đó, vẫn phải nhắc tới việc lần đầu tiên, vào tháng 8/2019, tức là gần 1 năm sau khi Chính phủ tổ chức Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết riêng về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 - Nghị quyết 50-NQ/TW.

Đến tận bây giờ, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn nhắc đến Diễn đàn Đầu tư Việt Nam, được tổ chức vào năm 1991, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tại thời điểm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã chuyển tới cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế một thông điệp rõ ràng rằng, Việt Nam chủ trương mở rộng hợp tác kinh tế trong mọi lĩnh vực và dưới mọi hình thức, phù hợp với những đặc điểm của quá trình quốc tế hóa đời sống kinh tế hiện đại...

Hội nghị và thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài. Bởi thế, dù Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành từ tháng 12/1987, nhưng phải sau khi Diễn đàn Đầu tư Việt Nam được tổ chức, những làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mới thực sự đến.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW, với GS-TSKH. Nguyễn Mại, có ý nghĩa tương tự diễn đàn đầu tư thời ấy. Nghị quyết đã gửi thông điệp rất rõ ràng đến các nhà đầu tư về một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “hợp tác đầu tư nước ngoài” và làm tiền đề để Việt Nam có thể thu hút dòng đầu tư có chất lượng hơn, hiệu quả hơn, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, có sức lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam, hướng tới các tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập đoàn Âu - Mỹ…

Giữa năm 2022, Chính phủ ban hành Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, nhằm cụ thể hóa và hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 50-NQ/TW. Một bước chuyển đổi, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là mang tính “chiến lược”.

Nghị quyết 50-NQ/TW không chỉ vạch rõ các mục tiêu chiến lược của Việt Nam trong hợp tác đầu tư nước ngoài, mà còn là các giải pháp đột phá để thực hiện chiến lược đó. Các tiêu chí lựa chọn và đánh giá dự án đầu tư nước ngoài cũng được xây dựng, để tạo “bộ lọc” giúp đưa các dự án chất lượng đến Việt Nam, đồng thời tối ưu hóa được hiệu quả đầu tư.

Các chính sách ưu đãi cũng được “may đo” cho các nhà đầu tư. Bởi thế, giữa hai nghị quyết quan trọng là các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, được ban hành vào tháng 10/2021. “Việc Chính phủ ban hành quyết định như vậy là đúng và trúng thời điểm để cạnh tranh thu hút đầu tư với các quốc gia khác trong khu vực”, ông Nguyễn Đình Nam, nhà sáng lập, CEO Công ty Xúc tiến và Hợp tác đầu tư Việt Nam (IPA Vietnam) nói.

Dù hiện nay, với việc thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng tại một số quốc gia từ năm 2024, các chính sách ưu đãi đặc biệt không còn nhiều ý nghĩa, nhưng vào thời điểm chính sách này được ban hành, một nhà đầu tư nước ngoài lớn đã khẳng định, đó là điều mà họ “đã chờ đợi từ lâu”.

Hiệu ứng chính sách là rõ rệt, bởi sau đó, Samsung, LG tiếp tục dốc vốn, Apple tìm đến, Amkor ở lại…

Vượt lên “vùng trũng”

Hơn 1 tháng trước, nhà sản xuất của Apple là Luxshare - ICT quyết định chi thêm hơn 330 triệu USD để nâng tổng vốn đầu tư cho nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của mình lên 504 triệu USD. Lại là Bắc Giang nhận được dự án đó.

Bắc Giang những năm gần đây nổi lên thành một “cứ điểm” được nhiều nhà đầu tư lựa chọn khi dịch chuyển sản xuất về Việt Nam. Không chỉ Luxshare, mà còn có Foxconn, Hana Micron…, nơi đây tập trung khá đông nhà sản xuất của Apple. Chỉ trong 11 tháng qua, hơn 2,7 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký vào tỉnh này. Mới đây, Bắc Giang ký biên bản ghi nhớ về việc AEON sẽ đầu tư trung tâm thương mại tại tỉnh này, quy mô 250 triệu USD.

Có địa điểm thuận lợi, gần Hà Nội, sát Bắc Ninh thôi chưa đủ, để đạt được kết quả hôm nay, là sự nỗ lực rất lớn của Bắc Giang trong cải thiện môi trường đầu tư. “Bắc Giang luôn đón nhận và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ giai đoạn khảo sát đầu tư đến suốt quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nói.

Để thu hút đầu tư, Bắc Giang cũng đi đầu trong xây dựng quy hoạch cấp tỉnh. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Họ thúc đẩy làm sớm để có thể tranh thủ đón được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - người đã tham gia thẩm định nhiều quy hoạch địa phương nói.

Chuẩn bị như vậy, nên Bắc Giang giờ đây đã trở thành tâm điểm của giới đầu tư. Nghệ An cũng vậy, trước đây, luôn ở “vùng trũng” trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng giờ đã vươn lên trở thành một điểm sáng. Năm 2023, Nghệ An thu hút được hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, cao nhất kể từ trước tới nay. Nhiều “đại gia” công nghệ cũng tìm đến đây, như Goertek, Luxshare - ICT, Foxconn, Runergy…

Điều đó khiến ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An rất hồ hởi. Ông nói, có được kết quả đó là nhờ Nghệ An đã “5 sẵn sàng”: sẵn sàng về quy hoạch, sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu, sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, sẵn sàng về nguồn nhân lực và sẵn sàng cải thiện thủ tục hành chính, môi trường đầu tư…

Khi tất cả đều nỗ lực và chủ động chuẩn bị, khi tất cả các địa phương đều sẵn sàng, thì đó là lúc, Việt Nam có thể tham gia vào các “cuộc chơi” chiến lược và sẵn sàng để “cất cánh”.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan