Đổi mới toàn diện theo định hướng chiến lược
Ngày 5/3/2015, CB chính thức thuộc sở hữu của Ngân hàng Nhà nước, với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank. Tại thời điểm đó, CB -“ngân hàng 0 đồng”, phải đối mặt với tình hình mất thanh khoản. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm tiến hành đổi mới, cải tổ, tính đến thời điểm hiện tại, các hoạt động của CB đã có sự cải thiện vượt bậc.
Cùng với việc ra mắt thương hiệu mới CB, Ngân hàng công bố định hướng xây dựng mô hình Mini boutique bank, ứng dụng công nghệ hiện đại trong đổi mới giao dịch tại quầy, từng bước đổi mới hình ảnh tại điểm hoạt động, củng cố hệ thống mạng lưới. Đồng thời, triển khai các chương trình hoạt động, định hướng phát triển công nghệ ngân hàng cốt lõi, ứng dụng các phương pháp quản trị khoa học, tiên tiến trên thế giới vào quá trình tái cơ cấu. Theo đó, hệ thống các sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng được nâng cấp, đồng bộ và hoàn thiện, mang tính tiện ích, cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hoạt động ngân hàng bán lẻ hiện đại.
Thu hồi nợ xấu - Hạt nhân của tiến trình tái cơ cấu
Nếu như cải tổ hoạt động là điều kiện tối cần thiết thì công tác thu hồi, xử lý nợ xấu tại CB được xem là hạt nhân của tiến trình tái cấu trúc Ngân hàng. Đối với CB, công tác thu hồi nợ càng đóng vai trò quan trọng. CB hiện thuộc sở hữu Nhà nước, công tác thu hồi nợ chính là bảo vệ tài sản, quyền lợi của Nhà nước đang bị nhiều doanh nghiệp, cá nhân chiếm dụng.
CB đã tập trung xử lý nợ thông qua đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải tổ hoạt động; hoàn thiện các hồ sơ pháp lý; kiên quyết và xử lý triệt để các nhóm nợ xấu; khoanh nợ, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có kết luận đối với các khoản nợ lớn, tích cực thu hồi nợ bằng tiền. Kết quả, số nợ xấu thu hồi được trong năm 2015 ở mức khả quan, số dư nợ xấu bán cho VAMC đạt 500 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2016, CB tập trung các biện pháp mạnh, xử lý 3 nhóm nợ xấu tồn đọng từ thời ngân hàng cũ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Quyết tâm xử lý nợ xấu tồn đọng, bảo toàn tài sản của Nhà nước
Thách thức về xử lý nợ xấu đối với các ngân hàng tái cơ cấu có hàng loạt vấn đề, trong đó, “câu chuyện dài nhiều tập” đó là những khoản nợ lớn để nhiều năm qua không được ngân hàng cũ áp dụng các biện pháp xử lý mạnh.
Tuy nhiên, với CB, 3 nhóm nợ lớn liên quan đến ngân hàng cũ trước đây đã và đang được CB hoàn thiện pháp lý, quyết tâm xử lý. Trong đó, gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu liên quan đến 10 bộ hồ sơ vay của nhóm nợ Công ty Phương Trang đã được CB khởi kiện trong thời gian từ tháng 3/2016 đến tháng 5/2016. Từ nay đến cuối năm, CB sẽ củng cố hồ sơ, tiến hành khởi kiện và xử lý tài sản toàn bộ khách hàng vay thuộc nhóm nợ Công ty Phương Trang theo đúng quy định của pháp luật, căn cứ trên quyền chủ nợ đầy đủ và hợp pháp của CB.
Nhóm nợ Công ty Phương Trang là một trong những nhóm nợ lớn, tồn đọng suốt nhiều năm qua từ thời CB là ngân hàng cổ phần, với hồ sơ pháp lý khá phức tạp. Việc xúc tiến xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu liên quan đến nhóm nợ Công ty Phương Trang sẽ là khởi đầu khả quan để CB có cơ sở xử lý tích cực các nhóm nợ xấu lớn trong năm 2016.
Quyết tâm xử lý nợ xấu tồn đọng, bảo toàn tài sản của Nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, những kinh nghiệm, phương thức xử lý nợ từ ngân hàng lớn Vietcombank sẽ được CB áp dụng hiệu quả. Thực tế, kinh nghiệm, các phương thức và đội ngũ nhân sự xử lý nợ của CB hiện tại chính là đội ngũ đã được “thử lửa” tại Vietcombank.