Tại Tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế chính sách Thi hành án dân sự và giải quyết những tình huống vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp tổ chức, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã nêu một số khó khăn, vướng mắc tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) đề nghị hướng dẫn.
Diện tích đất thực tế và theo giấy chứng nhận có sự khác nhau
Bà Phương cho biết, trong quá trình kê biên quyền sử dụng đất thế chấp cho TCTD, có trường hợp diện tích đất thực tế và diện tích đất theo Giấy chứng nhận có sự khác nhau. Đề nghị có văn bản hướng dẫn cụ thể và thống nhất giữa các cơ quan có liên quan, Tài nguyên môi trường) về việc xác định diện tích đất kê biên, cấp Giấy chứng nhận cho người mua tài sản đấu giá hoặc người nhận tài sản để trừ tiền thi hành án.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại sự kiện |
Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng đề nghị ban soạn thảo xem xét sửa Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định về thủ tục kê biên đối với các trường hợp sau: Quyền sử dụng đất mà diện tích thực tế của Quyền sử dụng đất khác (lớn hơn hoặc nhỏ) với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Bất động sản có Tài sản gắn liền với đất được xây chồng lấn sang đất của người khác; Bất động sản có Tài sản gắn liền với đất được xây một phần trên đất công cộng (vỉa hè, hành lang giao thông) mà phá dỡ phần diện tích xây dựng lấn chiếm đất công sẽ làm giảm giá trị tài sản (như nhà xây 7 tầng với diện tích hơn 100 m2/sàn); Bất động sản thuộc diện bị quy hoạch…
Quy định trong việc chia tài sản chung của vợ, chồng
Theo bà Phương, Điểm c Khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chấp hành viên được quyền xác định phần sở hữu riêng của vợ chồng, các thành viên trong gia đình và thông báo cho vợ chồng, tất cả các thành viên trong gia đình được biết. Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.
“Như vậy, theo Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì người có thẩm quyền phân chia tài sản chung của vợ, chồng là Tòa án và chấp hành viên. Tuy nhiên trong thực tế có một số trường hợp chấp hành viên phân chia tài sản chung có sự đồng ý của vợ, chồng, các thành viên trong gia đình và người được thi hành án nhưng vẫn bị Viện kiểm sát kháng nghị yêu cầu huỷ việc phân chia trên vì cho rằng việc phân chia như vậy trái quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự 2014 quy định”, bà Phương cho biết.
Cũng theo bà Phương, chấp hành viên có quyền yêu cầu Tòa án xác định, phân chia tài sản chung nếu các bên đương sự không thỏa thuận được và không yêu cầu Tòa án giải quyết việc xác định, phân chia tài sản chung. Quy định này được hiểu là chấp hành viên chỉ được thông qua toà án chứ không được quyền tự xác định xác định phần sở hữu riêng của vợ chồng, các thành viên trong gia đình.
“Đề nghị hướng dẫn cụ thể việc áp dụng quy định trong việc chia tài sản chung của vợ, chồng, quyền sử dụng đất của hộ gia đình để thi hành án”, bà Phương nói.
Về việc xử lý khoản tiền đặt trước
Theo đại diện Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định: “5. Trường hợp sau khi phiên đấu giá kết thúc mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản nào thì sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác”.
Toàn cảnh Toạ đàm |
Bà Phương cho biết, quy định về “lãi suất chậm thi hành án” chưa rõ, dễ bị hiểu lầm là lãi suất chậm thi hành án của cả vụ việc thi hành án (về nguyên tắc người phải thi hành án sẽ phải chịu số tiền này). Đồng thời, quy định trên chưa rõ phạm vi áp dụng đối với “vụ việc đã phát sinh khoản tiền đặt trước” hay cả những vụ việc khác do cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành. Đề nghị ban soạn thảo xem xét quy định theo hướng khoản tiền đặt trước quy định tại Khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án của các vụ việc liên quan đến bảo đảm tài chính và bồi thường Nhà nước do cơ quan thi hành án đó tổ chức thi hành.
Nội dung trên quy định số tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác. Quy định này không đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án. Số tiền đặt trước này bản chất là số tiền thu hồi được từ việc bán đấu giá tài sản. Vì vậy, số tiền này cần được phân chia như số tiền bán đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự. Đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung sửa đổi Khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ- CP theo hướng: "Trong trường hợp người trúng đấu giá tài sản từ chối mua hoặc không thanh toán đúng hạn dẫn tới hủy hợp đồng bán đấu giá, số tiền đặt trước (đặt cọc) sẽ được sử dụng để thanh toán theo quy định về thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án trong Luật thi hành án”, bà Phương nói.
Trách nhiệm phối hợp của chính quyền địa phương
Đáng chú ý là thực tiễn quá trình giải quyết thi hành án, bà Phương cho biết, sau khi bán đấu giá thành hoặc TCTD nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ trả nợ nhưng để bàn giao được tài sản bảo đảm thường mất rất nhiều thời gian, đặc biệt đối với các tài sản là bất động sản vẫn đang có người ở, sử dụng. Phía TCTD làm việc trực tiếp với cơ quan thi hành án/chấp hành viên nhiều lần, đồng thời gửi các văn bản đề nghị bàn giao tài sản nhưng vẫn không triển khai được việc bàn giao.
Việc chậm trễ thi hành án một phần do khâu phối hợp giữa cơ quan thi hành án/chấp hành viên với Chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân/Cơ quan Công an) khi thực hiện kế hoạch cưỡng chế. Tuy nhiên, Nghị định 62/2015/NĐ-CP hay dự thảo vẫn chưa quy định chi tiết, cụ thể vai trò, trách nhiệm của UBND/Cơ quan công an trong việc phối hợp thực hiện phương án giao/cưỡng chế giao tài sản bảo đảm khi chủ tài sản không bàn giao theo quy định.
“Do đó, để đẩy nhanh tiến độ thu hồi khoản nợ, đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể về trách nhiệm phối hợp của chính quyền địa phương trong việc thực hiện cưỡng chế thi hành án”, bà Phương nói.
Bên cạnh đó, bà Phương đề nghị ban soạn thảo bổ sung, sửa đổi tại Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ- CP các quy định về cơ chế phối hợp hoặc cho phép cơ quan thi hành án có thẩm quyền kê biên tài sản tại địa phương khác đối với một số tài sản đặc thù như tàu, ô tô... khi các tài sản này di chuyển liên tục qua lại trên các địa bàn khác nhau. Do chưa có quy định pháp luật hướng dẫn nên thực tế công tác kê biên tài sản/thi hành án/ gặp rất nhiều trong việc xác minh, kê biên tài sản đối với một số tài sản đặc thù như tàu, ô tô... khi các tài sản này di chuyển liên tục qua lại trên các địa bàn khác nhau.
Ngoài ra, bà Phương cho biết, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) chưa có quy định hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc xác định giá trị tài sản, cụ thể như: Cách thức xác định giá trị tài sản? Việc xác định giá có cần phải ký hợp đồng với công ty thẩm định giá hay do chấp hành viên tự xác định? Việc xác định giá trị tài sản sẽ được dựa trên các yếu tố nào? Đề nghị hướng dẫn cụ thể tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung này.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng, các góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP; các tình huống thực tiễn, phương án giải quyết, kinh nghiệm xử lý thi hành án tín dụng của cơ quan thi hành án và các khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của TCTD để tìm ra các giải pháp hữu hiệu, đồng thời kiến nghị với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ tạo điều kiện cho các TCTD trong xử lý thu hồi nợ xấu.