Sáng 21/11, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác tư pháp.
Sáng 21/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án năm 2023.
Về án dân sự, Bộ trưởng cho biết, tổng số việc phải thi hành là 923.541 việc, có điều kiện thi hành 691.593 việc. Thi hành xong 575.667 việc, đạt tỷ lệ 83,24%. Tổng số tiền phải thi hành trên 392.000 tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 192.712 tỷ đồng. Thi hành xong trên 89.505 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 46,44%.
Đối với khoản thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 4.963 việc, thu được trên 21.264 tỷ đồng.
Kết quả thi hành án đối với khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế , tham nhũng, Bộ trưởng cho hay đã thi hành xong 2.264 việc, thu được trên 20.405 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả, ông Long cũng nêu hạn chế, như số việc thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều, các khoản thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng chưa cao. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự có chiều hướng tăng.
Nguyên nhân, theo Bộ trưởng, do một số quy định về thi hành án dân sự trở nên bất cập, quan điểm áp dụng pháp luật trong một số trường hợp còn khác nhau. Tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải xử lý ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp. Số việc và tiền thụ lý mới tăng cao so với các năm trước trong khi nguồn lực bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Với thi hành án hành chính, ông Long đánh giá, số bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực chưa thi hành xong vẫn còn nhiều. Còn nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định cung cấp chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước trước Tòa án.
Thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, việc thu hồi khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm, kết quả thấp hơn so với năm 2022. Cụ thể, năm 2022 thi hành xong 6.215 việc/thu 22.504 tỷ đồng. Năm 2023 thi hành xong 4.963 việc/thu 21.264 tỷ đồng.
Về thi hành án hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2023, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã thi hành xong 582/1.375 bản án, quyết định (tăng 153 bản án với năm 2022); còn 776 bản án, quyết định đang tiếp tục thi hành.
Các cơ quan thi hành án dân sự đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 718 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 553 quyết định buộc thi hành án của Tòa án; ban hành văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 135 trường hợp không chấp hành án.
Tuy nhiên, bà Nga nhấn mạnh, kết quả thi hành án hành chính mới đạt 42,32%, thấp hơn so với năm 2022 ; số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng; nhiều trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước không tự nguyện thi hành, dẫn đến Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành.
Mặc dù cơ quan thi hành án đã ban hành nhiều văn bản kiến nghị, nhưng cho đến nay, cơ quan có thẩm quyền chưa xử lý được trường hợp nào về không chấp hành án hành chính - bà Nga nêu rõ.
Trong công tác thi hành án hình sự, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết tính đến ngày 30/9/2023, còn 180.905 người có án phạt tù. Tổng số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng đang quản lý là trên 65.000 người.
Ủy ban Tư pháp nhận xét, năm 2023, số lượng người bị kết án phạt tù và số người đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ tăng mạnh. Thành phần, tính chất tội phạm đa dạng, phức tạp, tạo áp lực lớn cho công tác quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo phạm nhân.
Tính đến ngày 30/9/2023: số người bị kết án phạt tù là 180.905 (tăng 16.457); số người chấp hành án phạt tù tại các trại giam : 160.193 (tăng 13.326); số người chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam, nhà tạm giữ : 6.363 người (tăng 581), báo cáo thẩm tra phân tích.
Về thi hành án tử hình, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất hiện nay là số người bị kết án tử hình đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành còn cao, gây áp lực cho công tác quản lý, giam giữ, trong đó có một số trường hợp chưa thể tổ chức thi hành do sai sót về thủ tục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiệp vụ chưa tương xứng với yêu cầu công tác quản lý giam giữ, thi hành án tử hình. Còn nhiều trại tạm giam chưa có khu giam riêng người bị kết án tử hình, không bảo đảm yêu cầu quản lý giam giữ.