Doanh nghiệp Việt đã nhận được tiền hàng của 4/5 container nông sản trong vụ việc xuất khẩu sang thị trường UAE.

Doanh nghiệp Việt đã nhận được tiền hàng của 4/5 container nông sản trong vụ việc xuất khẩu sang thị trường UAE.

Thu hồi được tiền hàng của 4/5 container nông sản xuất khẩu sang UAE

0:00 / 0:00
0:00
Liên quan đến vụ việc nghi lừa đảo xuất khẩu 5 container hồ tiêu, điều, quế và hoa hồi sang thị trường UAE, các doanh nghiệp đã thu hồi được tiền hàng của 4 container.

Nguồn tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), liên quan đến vụ việc nghi lừa đảo xuất khẩu 5 container hàng nông sản gồm hồ tiêu, điều, quế và hoa hồi sang thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), hiện đã thu hồi được tiền hàng của 4 container. Số còn lại đang được xử lý.

Ngày 15/7/2023, sau khi nhận được báo cáo của một số doanh nghiệp bị lừa đảo 5 container hàng hóa hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi tại Dubai, VPA đã phối hợp cùng Hiệp hội Điều Việt Nam và các doanh nghiệp, ngân hàng, hãng chuyển phát nhanh, hãng tàu tổng hợp thông tin và báo cáo sự việc lên các cơ quan Chính phủ, các Bộ ngành, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại UAE, Đại sứ quán UAE tại Hà Nội và truyền thông.

Sau gần 3 tháng tích cực làm việc, với sự phối hợp, hợp tác giữa các bên, Ngân hàng Ajman Bank (UAE) đã hoàn trả lại tiền cho các doanh nghiệp, tổng số tiền các doanh nghiệp đã được hoàn trả cho 4 lô hàng là 354.990,42 USD trên tổng số 355.232 USD tổng giá trị lô hàng.

Riêng 1 lô hàng hoa hồi hiện đang nằm tại cảng Jebel Ali từ ngày 26/7/2023, doanh nghiệp đang tiếp tục làm việc với ngân hàng Ajman Bank và yêu cầu thanh toán toàn bộ chi phí phát sinh gồm phí kho bãi, phí luật sư, chi phí đưa hàng về lại cảng đi (Hải Phòng)…

Ước tính đến thời điểm ngày 11/10/2023, khoản chi phí này đã lên gần 70.000 USD và giá trị lô hàng còn phải thu là 114.639 USD.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam lưu ý, thông qua vụ việc này, các doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn nữa trong việc đàm phán, lựa chọn xác minh đối tác, ký kết các điều khoản thanh toán và hợp đồng để không lặp lại các vụ việc tương tự đáng tiếc lần sau.

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ.

Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố.

Để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra, Bộ Công thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với doanh nghiệp nước ngoài phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn nhất.

Theo đó, các phương thức thanh toán như mở thư tín dụng do ngân hàng lập ra theo yêu cầu của đối tác (LC) hoặc đại diện doanh nghiệp sang tận nơi giao chứng từ và nhận tiền.

Tin bài liên quan