Khách cần đất, không muốn nhận lại tiền
Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét thu hồi 13 dự án bất động sản tại TP.HCM vì được giao đất khoảng 20 năm nhưng không thực hiện đầu tư và trong số này có đến 3 dự án là của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà (Intresco - ITC). Cụ thể, đó là các dự án Khu dân cư Intresco (Khu 6A), dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính Khu 6B, Dự án phát triển nhà ở tại Lô số 5.
Đây đều là những dự án gặp vướng mắc nhiều năm qua, chẳng hạn như tại Khu dân cư Intresco - Khu 6A, theo lời trần tình của bà N.T.B với phóng viên cuối tuần qua, vốn là cán bộ thuộc Công ty Intresco, năm 2003, bà được mua một nền đất 100 m2 tại khu E của dự án với giá 150 triệu đồng theo hình thức góp vốn.
Theo hợp đồng, bà B có nghĩa vụ góp vốn làm 4 đợt, sau 36 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, phía Intresco sẽ giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm xong hạ tầng kỹ thuật, lắp hệ thống điện nước, giao thông và giao đất để người dân xây nhà ở. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần 20 năm, bà vẫn chưa nhìn thấy mảnh đất của mình hình thù ra sao vì chủ đầu tư vẫn chưa đền bù giải tỏa xong.
Một trường hợp khác, ông B.T.H cũng mua một nền đất tại đây, hình thức thanh toán và các nghĩa vụ của cả 2 bên được ghi trong hợp đồng đều giống như trên. Tuy nhiên, đến nay, ông cũng giống như hàng trăm khách hàng khác vẫn “ngồi chờ đất”.
“Lý do chúng tôi mua đất ở đây là bởi tin tưởng vào chủ đầu tư Intresco, thời điểm đó là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (nay đã được cổ phần hóa), do vậy chúng tôi nghĩ với uy tín đó, họ sẽ bàn giao đất đúng hạn, nhưng sau cả chục năm, chúng tôi vẫn mòn mỏi chờ”, ông H. chia sẻ.
Những nỗi phấp phỏng, chờ đợi của ông H, bà B mấy chục năm qua biến thành sự thất vọng cùng cực khi nhận được thông tin dự án nói trên bị đề nghị thu hồi, vì theo ông H, “nếu Công ty Intresco có tiềm lực triển khai dự án hoặc có tiền để trả cho khách thì họ đã làm rồi”.
Tuy nhiên, kể cả Intresco có thanh toán tiền thì dân cũng quá thiệt, bởi nói như chị Hằng, một khách hàng mua đất, thì Intresco cũng từng có động thái là sẽ trả lại tiền cho khách hàng nào có nhu cầu, nhưng chị và nhiều người khác chỉ muốn sớm nhận được đất để ổn định cuộc sống vì “tiền đã đóng mấy chục năm trước, đã mất giá nhiều lần, trong khi giá đất thì tăng vòn vọt”.
“Nếu chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai dự án thì Thành phố cứ thu hồi, nhưng thu hồi rồi thì vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người dân và điều chúng tôi mong mỏi lúc này là sớm được giao đất để ổn định cuộc sống, chứ không phải nhận lại tiền”, chị Hằng nói.
Do vướng giải phóng mặt bằng, dự án khu dân cư 6A của Intresco hiện vẫn chưa được triển khai |
Intresco xin tiếp tục triển khai
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về nguyên nhân xảy ra tình trạng dự án nằm bất động nhiều năm và hướng đi tiếp theo của chủ đầu tư đối với dự án này như thế nào, ông Vũ Văn Châu, Giám đốc Đầu tư Intresco cho biết, dự án này vướng khâu giải phóng mặt bằng vì lý do khách quan.
Cụ thể, ngày 29/11/2016, Công ty đã ký Hợp đồng số 9449/HĐ-BBT với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, TP.HCM để tổ chức triển khai và thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án bồi thường mà pháp luật quy định.
Ngày 31/8/2018, UBND huyện Bình Chánh ban hành Kế hoạch số 290/KH-UBND về triển khai công tác thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện dự án.
Ngày 12/10/2018, UBND huyện Bình Chánh ban hành 76 thông báo thu hồi đất đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án; ngày 1/3/2019, UBND huyện Bình Chánh đã thành lập Hội đồng bồi thường và tổ công tác giúp việc. Ngày 8/3/2019, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh đã trình Hội đồng Bồi thường dự án về hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường trong dự án.
Sau đó, UBND huyện Bình Chánh và Hội đồng Bồi thường dự án cũng đã thực hiện các thủ tục thẩm định hệ số giá đất theo quy định, nhưng không hiểu sao, việc giải phóng mặt bằng đến nay vẫn bị ách tắc.
“Công ty cũng đã nhiều lần cho người đến Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh để cùng xuống thương thảo với người dân về mức giá đền bù nhưng đều không được, bởi bây giờ giá đất tại vị trí dự án tăng cao nên người dân không đồng ý với giá Ban bồi thường đưa ra”, ông Châu nói.
Sốt ruột trước thực trạng của dự án, nhiều khách hàng đã liên hệ với Ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Nam TP.HCM (Ban Quản lý khu Nam) để đề nghị tác động đến chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ bồi thường.
Phúc đáp về vấn đề này, Ban Quản lý khu Nam cho biết, trước đây đã tổ chức nhiều cuộc họp và có nhiều văn bản thúc đẩy công tác bồi thường của dự án trên địa bàn Khu Nam nói chung và dự án Khu dân cư 6A nói riêng, nhưng tiến độ bồi thường còn chậm.
Hiện nay, dự án đã hết hạn thời gian thực hiện bồi thường theo chỉ đạo của UBND Thành phố (tháng 12/2017). Sau khi UBND Thành phố cho phép Công ty Intresco tiếp tục thực hiện công tác bồi thường diện tích còn lại, Ban quản lý khu Nam sẽ tiếp tục phối hợp để đưa dự án vào triển khai xây dựng. Trường hợp Chủ đầu tư không tích cực triển khai, Ban Quản lý khu Nam sẽ báo cáo UBND Thành phố xử lý dự án chậm triển khai theo quy định.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, ngày 14/9/2020, Công ty Intresco có Văn bản số 162/CV/ĐTKDN gửi Ban Quản lý khu Nam về việc tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án Khu dân cư 6A nhưng không có phản hồi.
Ngày 19/1/2021, Công ty Intresco tiếp tục có Văn bản số 11/CV/ĐTKDN gửi Ban Quản lý khu Nam về việc đề nghị gia hạn thời gian thực hiện dự án. Bởi trước đó, Ban quản lý khu Nam đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM sớm có ý kiến về năng lực thực hiện dự án của Công ty Intresco để Ban quản lý Khu Nam có cơ sở tổng hợp, đề xuất UBND Thành phố xem xét, quyết định việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án Khu dân cư 6A.
Trong buổi họp với những khách hàng diễn ra ngày 3/3/2021, đại diện Công ty Intresco cho biết, Công ty đã nộp đầy đủ hồ sơ gia hạn dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. “Khi nhận được quyết định gia hạn dự án, Công ty sẽ cùng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh tiến hành việc tiếp xúc các hộ dân để thương lượng”, vị này nói.
Tuy nhiên, trước thông tin này, nhiều khách hàng vẫn rất nghi ngờ Intresco bởi như họ nói, “lớp băng dày 20 năm không thể tan trong một vài ngày” và chuyển giao cho ai làm chủ đầu tư dự án này cũng được, nhưng họ cần có đất để xây nhà, ổn định cuộc sống như Intresco đã cam kết.
Với chính quyền TP.HCM, câu chuyện này sẽ còn gây đau đầu, bởi có đến 13 dự án thuộc diện bị đề nghị thu hồi dịp này, trong đó có một số dự án có tình trạng khá giống Khu dân cư 6A.
Danh sách 13 dự án bị đề nghị thu hồi tại TP.HCM
- Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Nam Sài Gòn (Khu 6), Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Minh làm chủ đầu tư.
- Khu dân cư Intresco (Khu 6A), Công ty Intresco làm chủ đầu tư.
- Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính khu 6B, Công ty Intresco làm chủ đầu tư.
- Lô 1, 2 (giai đoạn 1) - chung cư tái định cư khu 6B, Công ty TNHH Việt Thiên làm chủ đầu tư.
- Dự án Phát triển nhà ở tại Lô số 3 của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 4.
- Khu công viên – dịch vụ vui chơi giải trí Hoa Đồng (Lô 9 – Khu 9A+B) của Công ty cổ phần Sản xuất xây dựng Hoa Đồng.
- Khu dân cư 9A-2 của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản Việt Liên Á.
- Khu Công viên KH và DC (Lô 9 – Khu 9A+B) của Công ty cổ phần Đất Phương Nam.
- Trung tâm thương mai - dịch vụ và bãi đậu xe 194 – Khu 9B của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194.
- Khu dân cư Thăng Long (9B10) của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng số 9.
- Xưởng sản xuất cửa nhựa cao cấp Khu 15 của Công ty TNHH Lĩnh Phong.