Đất không tồn tại dù đã được cấp sỏ đỏ
Trong Đơn kêu cứu gửi Báo Đầu tư đề ngày 6/1/2020, bà Từ Thị Anh Đào, cư ngụ tại đường Đề Thám, phường An Cư, quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) phản ánh: Năm 2005, bà Đào mua lại một thửa đất thuộc Khu tái định cư cầu Cần Thơ thuộc địa bàn phường Hưng Phú. Sau đó, bà đã hoàn thành thủ tục và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 376305.
Cách đây gần 2 năm, bà Đào định xây nhà thì phát hiện thửa đất không còn trên thực tế. Bà dò hỏi nhiều cơ quan chức năng quận Cái Răng, nhưng tất cả đều trả lời không biết. Sau đó, thông qua các hộ dân lân cận bà Đào mới biết thửa đất mình mua đã bị giải tỏa trắng từ năm 2009 để làm đường giao thông Khu dân cư phường Hưng Phú theo dự án do Công ty CP Phát triển nhà Cần Thơ (Công ty) làm chủ đầu tư.
“Tôi không hề nhận được bất cứ quyết định thu hồi đất nào, hoàn toàn không được thông báo về việc giải tỏa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quyền sử dụng đất hợp pháp của tôi đã bị xâm phạm, vì không hề có sự thương lượng, thỏa thuận về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư”, bà Đào nói.
Ngày 5/2/2020, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Đào cho biết đã gửi văn bản tới Công ty từ cách đây đúng 1 năm, yêu cầu giải quyết thỏa đáng quyền lợi hợp pháp của bà, nhưng không nhận được hồi đáp. Sau đó, bà đã nhiều lần đến Công ty để hỏi, nhưng bà chỉ nhận được lời hứa “chờ giải quyết”.
Bất đồng đơn giá diện tích chênh lệch
Cơ may tháo gỡ khúc mắc giữa bà Đào và chủ đầu tư mở ra sau buổi làm việc với Phòng Giải phóng mặt bằng thuộc Công ty vào ngày 29/5/2019. Hai bên đã đạt được những thỏa thuận ban đầu về chính sách đền bù khu đất. Cụ thể, bên thu hồi đất sẽ bố trí cho bà lô đất tái định cư số 351A3 tại Khu tái định cư phường Hưng Phú, với diện tích 92,25 m2, tức là lớn hơn khu đất bị giải tỏa 32,25 m2. Vì sự chênh lệch này, bà Đào sẽ phải nộp cho Công ty số tiền 58.050.000 đồng, ngoài ra không phải nộp thêm bất kỳ loại thuế, phí nào khác.
Thỏa thuận là vậy, nhưng ngày 26/6/2019, Công ty lại gửi Văn bản số 279/CV.Cty cho bà Đào với nội dung: “Hiện nay, Công ty đang xây dựng lại phương án giải phóng mặt bằng và đơn giá cho các khoản phải thu của hộ dân, trong đó có đơn giá thu tiền phần diện tích chênh lệch của bà Từ Thị Anh Đào. Do đó, khi nào có đơn giá nộp chính thức của phần diện tích chênh lệch, Công ty sẽ thông báo cho bà Từ Thị Anh Đào đến nhận lô nền và thực hiện các thủ tục nộp tiền phần diện tích chênh lệch còn lại”.
Tiếp đó, ngày 10/7/2019, Công ty gửi Văn bản số 340/CV.CTY cho bà Đào cho rằng, đơn giá phần diện tích chênh lệch 1,8 triệu đồng/m2 được xây dựng từ năm 2009 nên không còn phù hợp, Công ty sẽ xây dựng đơn giá mới và thông báo sau.
Tiếp đến, ngày 21/8/2019, Công ty gửi Văn bản số 462/CV.CTy thông báo đơn giá phần diện tích đất chênh lệch là 18 triệu đồng/m2. Như vậy, số tiền bà Đào phải nộp cao gấp 10 lần so với mức được thống nhất trước đó và mức giá này được áp dụng với tất cả các hộ dân khác bị giải tỏa trong dự án.
Các cơ quan tổ chức có liên quan tiến hành thu hồi quyền sử dụng đất mà không có thông báo thu hồi là hoàn toàn trái với quy định pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đã được pháp luật bảo vệ.
Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Đầu tư chiều ngày 5/2/2020, ông Mai Thanh Giang, Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng - đại diện được ủy quyền của Công ty cho biết, trong Văn bản số 540/CV.Cty ngày 18/9/2020 gửi UBND TP. Cần Thơ và bà Từ Thị Anh Đào, Công ty khẳng định 3 quan điểm về việc giải phóng mặt bằng khu đất Giấy chứng nhận số AB 376305 do bà Đào sở hữu.
Thứ nhất, Công ty căn cứ Thông báo số 47/TB-VP (ngày 6/4/2005) của Văn phòng UBND TP. Cần Thơ về hướng giải quyết việc chồng lấn giữa khu tái định cư cầu Cần Thơ và khu dân cư Hưng Phú. Theo đó, phương án bố trí tái định cư là “đất đổi đất” mà không thu thêm tiền. Tuy nhiên, quy hoạch thực tế của Công ty lại không có loại nền diện tích 60 m2 để đổi ngang với khu đất của bà Đào, mà chỉ còn loại nền diện tích 92,25 m2.
Thứ hai, đơn giá phần diện tích chênh lệch được Công ty xây dựng tùy theo thời điểm giao đất.
Thứ ba, căn cứ chi phí thực tế hiện tại, đơn giá mới được ấn định là 18 triệu đồng/m2.
“Bản chất khu đất của bà Đào (cùng 32 trường hợp khác) Công ty Phát triển nhà Cần Thơ không giải tỏa. Các lô đất này hình thành sẵn trong khu tái định cư cầu Cần Thơ. Do TP. Cần Thơ điều chỉnh quy hoạch các lô đất nằm trong phần chồng lấn giữa khu tái định cư cầu Cần Thơ và khu dân cư Hưng Phú, nên phải giải tỏa để làm đường giao thông. UBND TP. Cần Thơ giao Công ty bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất”, ông Mai Thanh Giang cho biết.
Phản bác lại quan điểm này, bà Đào nói: “Tôi không biết đơn giá phần diện tích đất chênh lệch được Công ty Phát triển nhà Cần Thơ xây dựng như thế nào, nhưng tất cả các hộ dân bị giải tỏa trong cùng dự án đều được hưởng mức 1,8 triệu đồng/m2 và trường hợp của hộ bà Ứng Kim Ngọc được giao nền tái định cư vào thời điểm tháng 3/2019 cũng được hưởng mức như vậy”.
Nguy cơ đáo tụng đình
Giải thích về nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng cho bà Đào, ông Giang cho biết, vị trí khu đất của Đào trùng với thửa đất của bà Lê Thị Hà được UBND quận Cái Răng giao theo Quyết định số 1077/QĐ.UB ngày 30/6/2004. Tuy nhiên, do số tờ bản đồ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Đào và số tờ bản đồ trên quyết định giao đất cho bà Hà khác nhau, nên để đảm bảo tính pháp lý, Công ty đã 2 lần gửi Chi nhánh Văn phòng đăng ký sử dụng đất đai quận Cái Răng trích lục hồ sơ của bà Đào và bà Hà. Ngày 3/5/2019, Văn phòng này mới có văn bản xác nhận 2 khu đất trong hồ sơ bà Đào và bà Hà cùng là một vị trí.
Điều khó hiểu là, tháng 1/2005, sau khi mua lại lô đất tái định cư của bà Hà,bà Đào đã thực hiện các thủ tục sang nhượng theo quy định của pháp luật và được UBND quận Cái Răng cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Như vậy, thông tin người sử dụng đã phải được cập nhật trong hệ thống hồ sơ địa chính. Vậy mà, ông Giang lại nói rằng, thời điểm bố trí nền tái định cư không tìm được chủ sở hữu 3 khu đất bị giải toả để thực hiện đền bù dù đã đăng báo nhiều lần.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ, việc thu hồi đất tại thời điểm bà Đào bị thu hồi được quy định cụ thể như sau: UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất, thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi. “Trường hợp bà Đào không thay đổi chỗ ở so với địa chỉ đăng ký và địa chỉ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên, các cơ quan tổ chức có liên quan tiến hành thu hồi quyền sử dụng đất lại không có thông báo thu hồi là hoàn toàn trái với quy định pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đã được pháp luật bảo vệ”, luật sư Nguyễn Văn Đức khẳng định.
Tại buổi làm việc với ông Giang, phóng viên Báo Đầu tư đã đề nghị ông cung cấp các văn bản pháp lý liên quan tới việc thu hồi khu đất của bà Đào như: Quyết định phê duyệt Dự án; Quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 các dự án tái định cư cầu Cần Thơ, khu dân cư phường Hưng Phú; Quyết định thu hồi đất; Thông báo thu hồi khu đất giấy chứng nhận sử dụng đất số AB 376305. Tuy nhiên, ngoài Thông báo số 47/TB-VP không cung cấp văn bản pháp lý nào.
Trước sự bế tắc do khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề, bà Đào đã gửi Đơn kêu cứu tới UBND TP. Cần Thơ. Theo bà, sự chậm trễ đền bù là do cách làm việc tắc trách của Công ty trong công tác giải phóng mặt bằng và không phải lỗi chủ quan của bà.
“Công ty Phát triển nhà Cần Thơ chiếm dụng, tự tiện lấy đất của tôi mà không thông báo, không thực hiện các chính sách đền bù giải tỏa là đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, đẩy hết thiệt hại cho tôi gánh chịu. Tôi bị áp dụng đơn giá diện tích đất chênh lệch gấp 10 lần so với các hộ dân khác trong khi không được nhận các khoản chi phí thuê nhà trọ hơn 10 năm qua vì không có nền tái định cư là rất vô lý”, bà nói, đồng thời cho biết bà sẽ tiếp tục khiếu nại và chuẩn bị cho bước khởi kiện, thậm chí, tố cáo hành vi chiếm dụng đất đai của Công ty.