Thu hồi đất, không thể tùy tiện

Thu hồi đất, không thể tùy tiện

(ĐTCK) Theo nhiều đại biểu Quốc hội, cần làm rõ những dự án kinh tế - xã hội nào Nhà nước thu hồi, dự án nào chủ đầu tư sẽ phải thỏa thuận với người dân, nhằm tránh tình trạng tùy tiện trong thu hồi.

Với 14 chương, 212 điều, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là một trong những văn bản quy phạm pháp luật thuộc loại “đồ sộ” nhất. Tuy nhiên, mặc dù đã được đưa ra lấy ý kiến nhiều lần, dự luật lần này vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung thu hồi đất, xác định giá đền bù…

Thu hồi đất, không thể tùy tiện ảnh 1

Cần nghiên cứu cơ chế người dân góp vốn bằng đất đai

“Người dân góp vốn với DN”

Đây đã là lần thứ 4 Quốc hội đưa Dự án Luật Đất đai sửa đổi ra xem xét và theo chương trình, kỳ họp này sẽ thông qua Dự luật cùng với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định quản lý đất đai.

Cơ bản nhất trí với cơ chế Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, nhưng ý kiến các đại biểu cho rằng, đối với trường hợp các dự án phát triển kinh tế - xã hội, quy định như Dự thảo luật còn chung chung, có thể dẫn đến tình trạng lợi dụng cơ chế trên để thu hồi đất tràn lan cho mục đích kinh doanh, dẫn tới khiếu kiện về đất đai nở rộ. Chính vì vậy, cần làm rõ những dự án kinh tế - xã hội nào Nhà nước thu hồi, dự án nào chủ đầu tư sẽ phải thỏa thuận với người dân.

Ví dụ, theo quy định của Dự thảo luật, hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt thuộc dự án phát triển kinh tế - xã hội mà Nhà nước thu hồi đất là chưa rõ. Ở đây cần quy định rõ là các công trình Nhà nước thực hiện đầu tư nhằm mục đích dự trữ quốc gia. Nếu là dự án của DN xăng dầu đầu tư phục vụ kinh doanh thì phải áp dụng cơ chế thỏa thuận với người dân.

Tương tự, với các dự án đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp dự án khai thác khoáng sản, khu chế biến nông lâm thủy sản tập trung, khu văn hóa thể thao... Nếu chủ đầu tư là DN thì phải thỏa thuận với người dân, chỉ cho phép thu hồi đất đối với các dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư.

Trong khi đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) vẫn bảo lưu ý kiến cần làm rõ các khái niệm thu hồi và trưng mua. Đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vẫn phải trưng mua để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên gồm Nhà nước, DN, người dân, nếu không tình trạng khiếu kiện đất đai sẽ là điểm nghẽn không thể giải tỏa nổi.

“Đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế - xã hội. Đây là một khái niệm không thật rõ ràng, dễ bị lợi dụng”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói và đề nghị, phải phân loại chính xác các loại dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các mục đích và lợi ích cụ thể, tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất này.

Một số đại biểu gợi ý, đối với các dự án vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư, có thể áp dụng cơ chế góp đất, điều chỉnh lại đất đai. “Có nghĩa là hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án. Đây là một phương thức cho quản lý và giải quyết tài chính trong phát triển đô thị đã được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các nước phát triển”, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) nói.

Giá nào?

Liên quan đến nguyên tắc và phương pháp xác định giá đền bù, các đại biểu đề nghị cần làm rõ thế nào là “giá đền bù phù hợp giá đất phổ biến trên thị trường”.

Đây là câu hỏi khó cho cơ quan Nhà nước trong việc xác định giá đất bồi thường cũng như đảm bảo quyền lợi của người có đất. Chính quyền căn cứ vào đâu để nói rằng, giá bồi thường đã được tính đúng tính đủ? Người dân căn cứ vào đâu để thấy rằng quyền lợi của họ đã được bảo đảm? Nơi không có giao dịch thì căn cứ vào đâu để tính?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh băn khoăn rằng, nếu quy định như Dự thảo luật, sẽ tạo thẩm quyền quá lớn cho UBND cấp tỉnh khi vừa giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại vừa có quyền quyết định giá đất sẽ làm cho giá đất được quyết định thiếu khách quan, minh bạch. “Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về đất đai”, đại biểu Vinh kết luận.

Trong khi đó, vai trò, thẩm quyền của tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất được quy định rất mờ nhạt trong Dự thảo luật.

Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch về định giá đất, nhiều ý kiến đề nghị thành lập cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai, nhằm tách bạch, tránh tình trạng một cơ quan vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Về khái niệm giá thị trường, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng nêu quan điểm: “Giá thị trường là phải để thị trường quyết định, giá qua đấu giá chính là giá thị trường, chứ không phải giá đất Nhà nước công bố hàng năm”.         

>> Kỳ họp Quốc hội thứ 6 - Nóng bỏng các vấn đề kinh tế

>> Luật Đất đai sửa đổi sẽ tạo “hứng khởi” cho thị trường

>> Nhìn lại Dự thảo Luật Đất đai trước ngày “bấm nút”  

>> Thu hồi đất đai, cần gỡ nút thắt về giá