Nhập nhằng khái niệm "lợi ích kinh tế - xã hội" và "lợi ích công cộng"
Ngày 14/11, bước sang tuần làm việc cuối cùng, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trước đó, dự thảo Luật này đã được Chính phủ lần đầu trình Quốc hội hôm 1/11 và được thảo luận tại tổ hôm 7/11.
Nhìn chung, vì là dự án Luật phức tạp, liên quan đến hơn 100 văn bản luật khác nên trong lần đầu được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội, vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nhận định, Luật Đất đai không chỉ liên quan đến lợi ích của nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là doanh nghiệp và người dân đang sử dụng đất hoặc có nhu cầu sử dụng đất mà còn là nguồn lực to lớn để đất phát triển đất nước.
“Vì tầm quan trọng của dự án Luật này, nên Quốc hội dự kiến lấy ý kiến qua 3 kỳ họp rồi mới thông qua”, ông Nghĩa cho hay.
Theo vị đại biểu, một trong những vấn đề nổi bật khi sửa đổi Luật Đất đai lần này là quyền lợi của nhân dân, trong đó có quyền lợi của nhân dân khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất.
Cụ thể, ông Nghĩa cho rằng, Luật Đất đai 2013 chưa thể hiện được hết tinh thần của Hiến pháp 2013. Trong Hiến pháp 2013 có một điều quy định ”thu hồi đất phục vụ cho nhu cầu quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích xã hội và lợi ích công cộng, nhưng thu hồi đất trong những trường hợp thật cần thiết”.
Tuy nhiên, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Đất đai 2013 chưa triển khai, chưa cụ thể hóa được tiêu chí "thật cần thiết" là như thế nào. Bởi thế, Luật này cho phép thu hồi quá rộng, "có những điểm còn nhập nhằng ví dụ như kinh tế - xã hội và lợi ích công cộng"…
“Chúng ta cho rằng chợ, nghĩa trang, dự án nhà ở thương mại… cũng là lợi ích công cộng, phục vụ cho rất nhiều người có nhu cầu, có nhà ở. Nhưng, tinh thần của Hiến pháp 2013 là kinh tế xã hội vì lợi ích công cộng có nghĩa là không có lợi nhuận, không có lợi ích của tư nhân. Vì thế, phải xác định, cụ thể hóa được bằng luật cụm từ “thật cần thiết”", ông Nghĩa nêu quan điểm và cho biết sẽ tiếp tục phát biểu ý kiến này trong phiên thảo luận ở hội trường hôm nay.
"Tinh thần của Hiến pháp 2013 là thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích công cộng có nghĩa là không có lợi nhuận, không có lợi ích của tư nhân".
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
Cần làm rõ khái niệm "thật cần thiết"
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) có chung nhận định với đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
Phát biểu tại Hội trường sáng 14/11, đại biểu Phương Hoa nói rằng, nội dung Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng được quy định tại Điều 85 và 86 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trong khi đó, Điều 54 Hiến pháp 2013 quy định: Nhà nước được quyền thu hồi đất nhưng phải bảo đảm đầy đủ 3 điều kiện đó là: thứ nhất là thuộc trường hợp thật cần thiết; thứ hai, do luật định; thứ ba, vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) |
Như vậy, có thể hiểu là cho dù Nhà nước có thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng đi chăng nữa thì vẫn cần phải có yếu tố thật cần thiết và phải được quy định trong luật.
"Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện hành không có quy định thế nào là trường hợp thật cần thiết. Theo từ điển tiếng Việt, "cần thiết" có nghĩa là rất cần, không thể không làm và việc phải giải quyết sớm. Như vậy, thật cần thiết thì còn ý nghĩa ở cấp độ cao hơn", bà Hoa nhận định.
Theo vị đại biểu, thực tế thời gian qua, khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập dự án thu hồi đất đã tự quy định và thuyết minh về sự cần thiết cho từng dự án. Như vậy, sẽ tạo ra sự không thống nhất, dễ thực hiện theo ý muốn chủ quan của mình và có trường hợp dễ tạo ra sự lạm dụng để thu hồi đất tràn lan.
Hệ quả là thời gian vừa qua, nhiều dự án sau khi được Nhà nước thu hồi và phê duyệt thì 10 năm sau vẫn chưa triển khai hoặc triển khai dở dang hoặc có dự án sau một thời gian triển khai thì thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, không giữ được mục đích sử dụng đất ban đầu khi lập dự án. Yếu tố “thật cần thiết” đã không được quan tâm và không thực hiện đúng ở những dự án này.
"Do đó, để tránh những trường hợp tùy tiện, không thống nhất và dễ bị lạm dụng thì cần quy định ngay trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này những tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là thật cần thiết và theo đúng yêu cầu của Điều 54 Hiến pháp năm 2013. Nếu Luật Đất đai (sửa đổi) lần này mà không làm được việc này thì coi như chưa thực hiện đúng quy định của Hiến pháp", đại biểu đoàn Nam Định nói.
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại hai kỳ họp thứ năm và thứ sáu và được thông qua tại kỳ họp thứ sáu vào cuối năm 2023.